Việt Nam sau hai năm gia nhập WTO

Ngay sau khi gia nhập WTO, ngày 27/02/2007, Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2007 ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4, BCHTW Đảng khóa X về một số chủ trương

 Ngày 29/12/2006, Bộ Tài chính ra Quyết định số 78 để giảm thuế cho hơn 1.800 dòng thuế theo cam kết với WTO. Ngày 20/12/2007, Bộ Tài chính ra Quyết định số 106 để tiếp tục giảm thuế cho nhiều mặt hàng theo đúng lộ trình cam kết.

 Song song với việc thực hiện các cam kết về thuế, chúng ta cũng triến khai một loạt các cam kết liên quan khác. Về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu: Việt Nam đồng ý cho doanh nghiệp nước ngoài được quyền xuất nhập khẩu hàng hóa như doanh nghiệp Việt Nam kể từ khi gia nhập, trừ các mặt hàng thuộc danh mục "thương mại nhà nước" (như xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà, băng đĩa hình, báo, tạp chí) và một số mặt hàng nhạy cảm khác mà ta chỉ cho phép sau một thời gian chuyển đổi (như gạo và dược phẩm). Theo cam kết, doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cũng được đăng ký quyền xuất nhập khẩu. Việc thực hiện cam kết này đã được cụ thể hoá tại các Nghị định số 23 ngày 12/2/2007; Nghị định số 90 ngày 31/5/2007 của Chính phủ, Quyết định số 10 ngày 21/5/2007 và Thông tư số 09 ngày 17/7/2007 của Bộ Thương mại, theo đó, việc đăng ký quyền nhập khẩu, xuất khẩu của thương nhân được quy định cụ thể, rõ ràng.

 Về các biện pháp hạn chế nhập khẩu: Việt Nam cam kết sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu kể từ khi gia nhập. Để thực hiện cam kết này, ngay trước khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2006 bãi bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế định lượng đối với hàng nhập khẩu, trong đó có việc thay thế lệnh cấm nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà bằng việc qui định đầu mối nhập khẩu. Bộ Thương mại cũng đã có Thông tư số 06 ngày 30/5/2007 cho phép nhập khẩu xe máy phân khối lớn vào Việt nam. Nhiều văn bản quản lý xuất nhập khẩu chuyên ngành cũng đã được các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi để bảo đảm các văn bản này chỉ phục vụ cho những mục đích mà WTO cho phép như bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống, bảo vệ các giá trị văn hóa và thuần phong mỹ tục..., không để các văn bản này trở thành những rào cản trá hình đối với thương mại hàng hóa.

 Về trợ cấp nông nghiệp: Việt Nam cam kết sẽ không duy trì trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản. Cam kết này đã được tuân thủ nghiêm túc, các văn bản về thưởng xuất khẩu trái với cam kết gia nhập WTO đã được bãi bỏ. Đối với các hình thức hỗ trợ khác mà ta bảo lưu được trong đàm phán gia nhập WTO, mức hỗ trợ thực tế trong năm qua là không quá mức bảo lưu.

 Về minh bạch hóa: Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các cam kết về minh bạch hóa. Các dự thảo luật, pháp lệnh và nghị định liên quan đến chế độ thương mại đều đã được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân tối thiểu là 60 ngày trước khi ban hành. Mọi văn bản quy phạm pháp luật đều chỉ có hiệu lực sau khi đã được đăng tải trên Công báo, đáp ứng đúng yêu cầu của WTO.

 Các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ cũng đã được thực hiện theo đúng lộ trình. Các Bộ, ngành đều đã triển khai việc điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực thi các cam kết trong phạm vi các ngành dịch vụ mà các Bộ, ngành phụ trách, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ quan trọng như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, chuyển phát nhanh, phân phối, vận tải, văn hóa...

 Có thể khẳng định, sau 2 năm gia nhập WTO, mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng nền kinh tế Việt nam đã vượt qua được những thách thức, rút ra được những bài học bổ ích để từng bước phát triển bền vững. Với xuất phát điểm là một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, ở trình độ thấp và có quy mô nhỏ so với kinh tế thế giới, các biến động phức tạp và khó lường trước của nền kinh tế thế giới thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, chúng ta vẫn đạt được những chỉ tiêu kinh tế đáng khích lệ. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục khởi sắc, duy trì tăng trưởng cao, năm 2008 dự kiến xuất khẩu xấp xỉ 63 tỉ USD, tăng trên 29,5% so với 2007, nhập khẩu ước đạt 79,9 tỉ USD, tăng 27,5% so với 2007. 10 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỉ USD như: Dệt may, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, giầy dép, điện tử và linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí, tiếp tục được giữ vững; đồng thời mặt hàng dây điện và cáp điện cũng có khả năng trở thành thành viên của «câu lạc bộ 1 tỉ USD» này.

 Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng, công nghệ hiện đại, vật tư, nguyên liệu và cơ hội xuất khẩu sản phẩm do thị trường được mở rộng và không bị phân biệt đối xử.

 Môi trường kinh doanh được cải thiện một cách rõ rệt, minh bạch hơn nhờ thực thi các cam kết về minh bạch hóa chính sách, không phân biệt đối xử, giảm bớt rào cản trong tiếp cận thị trường và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhận thức của người dân và các doanh nghiệp về việc tham gia WTO đã có sự chuyển biến tích cực.

 Việt Nam trở thành nơi hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào một số ngành như điện tử, tin học, dệt may, luyện và cán thép, ngân hàng, tài chính bảo hiểm, bất động sản ... Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu năm 2008, nhưng GDP vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%, tuy có giảm hơn so với năm 2007, thu hút đầu tư nước ngoài tăng rất mạnh trong năm 2007, năm 2008, số vốn đăng kí đạt gần 64 tỉ USD.

 Bên cạnh những kết quả tích cực đó, trong hai năm đầu tiên gia nhập WTO, các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng đã hiện ra dần rõ nét. Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ thế giới đến kinh tế Việt Nam đã cho chúng ta thấy mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế nước ta. Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế của chúng ta trong một loạt các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế và hoạt động quản lý nhà nước, để qua đó phấn đấu thực hiện tốt hơn trong năm 2009, từ công tác phân tích, dự báo tình hình biến động của thị trường hàng hoá, dịch vụ, giá cả; tới công tác điều hành quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đảm bảo mục tiêu tỉ lệ nhập siêu năm 2009 thấp hơn 2008; từ chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát, nhưng không gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn; công tác xây dựng chiến lược và quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng thời khai thác có hiệu quả những cam kết quốc tế về thương mại và đầu tư; thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; tới việc tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong hoạt động điều hành quản lý nhà nước nói chung cũng như xử lý các vấn đề cụ thể nói riêng, đến đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đến người tiêu dùng có đầy đủ thông tin và có sự đồng thuận cao trong nhiệm vụ phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô.

 Hơn lúc nào hết, cần hết sức quán triệt tinh thần Nghị quyết số 08 ngày 5/2/2007 của Bộ Chính trị, theo đó đảm bảo «nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam là thành viên của WTO».

  • Tags: