Việt Nam vượt ngưỡng 96,2 triệu người, tốc độ già hóa tăng mạnh

Dân số Việt Nam đang có độ chênh lệch nhẹ với 50,2% là nữ và 49,8% là nam.

Theo kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy: Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó, dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%).

Công bố những số liệu điều tra, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn; trong đó sử dụng thiết bị điện tử di động (còn gọi là CAPI) và phiếu điện tử trực tuyến (còn gọi là Webform) để hộ dân cư tự cung cấp thông tin trong giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên chất lượng số liệu được nâng cao, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra năm 2019, tiết kiệm kinh phí hàng trăm tỷ đồng và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; tạo sự đồng thuận và tiện lợi cho điều tra viên.

Theo kết quả điều tra, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).

Mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines (363 người/km2) và Singapore (8.292 người/km2).

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng 132 người/ km2 và 107 người/ km2.

Tại "Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở  năm 2019”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với quy mô dân số trên 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ qua, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%), điều này phản ánh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng mạnh. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm đa số (tới 68% tổng dân số); dân số có khả năng lao động đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số, dự báo Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” vào khoảng năm 2040.

“Điều này thôi thúc Chính phủ, các Bộ ngành về chủ trương vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách thích ứng với già hóa dân số vừa cần tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực "vàng" cho phát triển kinh tế tạo bứt phá để vượt bẫy thu nhập trung bình.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.