Kết thúc quý 1 vừa qua, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air, mã cổ phiếu VJC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 17.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 539 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 209% so với cùng kỳ năm trước.
Vietjet Air cho biết, trong quý 1/2024, hãng hàng không này đã khai thác an toàn gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển hơn 6,3 triệu lượt hành khách. Các chuyến bay đều có hệ số sử dụng ghế bình quân lên đến 87%.
Bên cạnh đó, Vietjet Air tiếp tục chiến lược tập trung mở rộng mạng bay quốc tế. Qua đó, số lượng chuyến bay và lượt khách quốc tế trong quý 1/2024 lần lượt tăng trưởng hơn 53% và 61% so với cùng kỳ 2023.
Trong quý 1/2024, hãng hàng không này đã mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140. Tính đến cuối năm 2023, đội tàu bay của Vietjet đạt 105 tàu bay, bao gồm tàu bay thân rộng A330s.
Trong năm nay, Vietjet Air đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 65.566 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.081 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,4% và tăng 78,3% so với năm 2023; khai thác an toàn 142.000 chuyến bay, vận chuyển 27,4 triệu lượt hành khách.
Như vậy, sau quý 1/2024, Vietjet Air đã hoàn thành 27,1% mục tiêu doanh thu và 49,8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Vừa qua, OAG - tổ chức chuyên theo dõi, thống kê về du lịch, hàng không hàng đầu thế giới đã công bố báo cáo về kết quả hoạt động của các hãng hàng không, sân bay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2019 – 2023. Theo báo cáo, Vietjet Air được đánh giá là “nhà vô địch” trong hai hạng mục quan trọng là Hãng hàng không chi phí thấp tăng trưởng mạnh nhất khu vực về năng lực khai thác trên các đường bay ngắn (dưới 4.630 km) và Hãng hàng không có tăng trưởng tần suất bay mạnh nhất trên các đường bay ngắn.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Vietjet Air đạt hơn 85.828 nghìn tỷ đồng, gần như tương đương so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tổng giá trị tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của hãng hàng không này là gần 3.840 tỷ đồng, giảm 32% so với thời điểm đầu năm nay.
Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vietjet Air đã giảm 2,6% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do nợ ngắn hạn giảm. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,9 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không.