Vietsovpetro tổ chức thành công hội thảo về định hướng chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực

Mới đây, tại khách sạn Vietsovpetro, thành phố Đà Lạt, Phòng Tổ chức nhân sự Vietsovpetro đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Định hướng chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của Vietsovpetro theo mục tiêu phát triển đến năm 2033".

Tham dự hội thảo có bà Lê Thị Lam Trà, Phó Trưởng ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Hoàng Phúc Long, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro; ông Huỳnh Văn Trọng, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Vietsovpetro, đại diện ban lãnh đạo các đơn vị cùng lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tổ chức nhân sự Vietsovpetro, lãnh đạo và chuyên viên các phòng/bộ phận Tổ chức nhân sự của các đơn vị trực thuộc.

nguồn nhân lực
Ông Huỳnh Văn Trọng, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Vietsovpetro phát biểu khai mạc hội thảo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa cạnh tranh khốc liệt, cùng với sự chuyển dịch năng lượng ngày càng mạnh mẽ, Vietsovpetro đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như việc thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của ngành và khu vực. Với ý nghĩa đó, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng nguồn nhân lực hiện tại của Vietsovpetro và nhu cầu chuyển đổi trong giai đoạn phát triển mới của ngành dầu khí; đề ra các giải pháp chiến lược để đảm bảo nguồn nhân lực không chỉ đủ mạnh mẽ để đối phó với những thách thức mà còn có thể thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, từ đó định hướng cho phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh doanh của Vietsovpetro đến năm 2033.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bà Lê Thị Lam Trà, Phó Trưởng ban Quản trị nguồn nhân lực, đã trình bày báo cáo “Xu hướng nguồn nhân lực và đào tạo - phát triển trong ngành công nghiệp dầu khí hướng tới phát triển bền vững". Theo đó thời gian tới, Tập đoàn nhấn mạnh định hướng công tác quản trị nhân sự gồm: tập trung thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý lĩnh vực dầu khí để đảm bảo thực hiện chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm; cập nhật kịp thời kiến thức, kỹ năng quản trị mới và công nghệ hiện đại nhằm thích ứng với sự biến động của thị trường và công nghệ toàn cầu; cân đối nguồn lực và xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, công nghệ chế biến chuyên sâu, giảm phát thải khí nhà kính; hoàn thiện hệ thống phát triển nghề nghiệp để thu hút và giữ chân nhân tài, chuẩn bị cho chuyển dịch lao động; xây dựng văn hóa học tập thông qua đào tạo nội bộ, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển kỹ năng huấn luyện.

Bà Lê Thị Lam Trà, Phó Trưởng ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận
Bà Lê Thị Lam Trà, Phó Trưởng ban Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận

Phòng Tổ chức Nhân sự Vietsovpetro cũng gửi đến hội thảo báo cáo chuyên đề về “Định hướng chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của Vietsovpetro theo mục tiêu phát triển đến năm 2033". Báo cáo đề ra các nhóm giải pháp triển khai thực hiện của Vietsovpetro giai đoạn 2023-2033 gồm: tập trung xây dựng hệ thống quản trị tri thức (KM) và phát triển nguồn nhân lực theo định hướng ESG nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, thích ứng với chuyển dịch năng lượng; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện tại theo sự tương đồng giữa E&P và năng lượng tái tạo, xây dựng khung năng lực và chương trình đào tạo mới phù hợp với công nghệ và xu hướng thị trường; thúc đẩy hợp tác với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu để nâng cao chất lượng nhân lực; thực hiện các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài thông qua chế độ đãi ngộ cạnh tranh, cơ hội phát triển nghề nghiệp và môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Nhằm mang đến thêm góc nhìn thực tế về những thách thức và cơ hội trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện, Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng trình bày tham luận “Phân tích thực trạng Quản trị nhân sự tại Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng", Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan với tham luận “Chuẩn bị nguồn nhân lực theo lộ trình chuyển đổi Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan sang mô hình tự chủ tài chính" và Xí nghiệp Cơ điện tham luận về “Định hướng chuẩn bị nguồn nhân lực với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình dịch vụ của Xí nghiệp Cơ điện đến năm 2033".

Đại diện Phòng TCNS VSP và các đơn vị trình bày tham luận tại hội thảo

Đại diện Phòng TCNS VSP và các đơn vị trình bày tham luận tại hội thảo

Các tham luận đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối ưu hóa cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển năng lực nhân sự, đặc biệt chú trọng thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng để đáp ứng các yêu cầu mới của ngành dầu khí. Các tham luận đều thống nhất quá trình chuyển dịch không chỉ cải thiện hiệu quả nội bộ mà còn giúp Vietsovpetro mở rộng hoạt động kinh doanh một cách bền vững trong giai đoạn tới.

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi, cho ý kiến về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả triển khai trong thời gian tới.

Ông Hoàng Phúc Long, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro phát biểu tại hội thảo
Ông Hoàng Phúc Long, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Hoàng Phúc Long, Chủ tịch Công đoàn Vietsovpetro, nhấn mạnh rằng việc chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh luôn là một trong những chủ trương được các cấp lãnh đạo của Vietsovpetro đặc biệt quan tâm. Đồng thời, tổ chức Công đoàn cam kết tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp toàn thể người lao động hiểu rõ và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Vietsovpetro.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Huỳnh Văn Trọng, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Vietsovpetro nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động đồng bộ và nhanh chóng để thực hiện các mục tiêu mà Lãnh đạo Vietsovpetro đã đề ra. Chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là nền tảng để Vietsovpetro tiếp tục duy trì hoạt động ổn định trong thời gian tới, là chìa khóa để mở ra cánh cửa tiềm năng cho các lĩnh vực kinh doanh mới trong đó có năng lượng tái tạo, góp phần cho mục tiêu phát triển bền vững của Vietsovpetro trong giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo khép lại với sự đồng thuận cao về các định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Vietsovpetro trong định hướng chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự chủ động và quyết tâm của Vietsovpetro trong việc thích ứng với sự thay đổi của ngành dầu khí và thị trường năng lượng, định hướng tương lai phát triển bền vững đến năm 2033.

Theo Vietsovpetro