VIMLUKI: 55 năm vì ngành công nghiệp khai khoáng xanh

Viện KHCN Mỏ - Luyện kim vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập và đón nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Thành lập từ năm 1967 trên cơ sở tách ra từ Viện Thiết kế tổng hợp, đến nay, Viện KHCN Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) trực thuộc Bộ Công Thương là một trong những đơn vị nghiên cứu, triển khai KHCN và hoạt động chế biến khoáng sản hàng đầu Việt Nam. 

55 năm thành lập VIMLUKI
Ông Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện KHCN Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI). Ảnh: Hà Nguyễn

 

Trong hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, đến nay Viện đã có 04 cơ sở, bao gồm trụ sở chính và 01 Trung tâm thử nghiệm tại Hà Nội, 01 Chi nhánh tại tỉnh Thái Nguyên và 01 Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nghiên cứu triển khai KHCN và thử nghiệm sản xuất các sản phẩm kim loại, hợp kim, cùng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất cho ngành công nghiệp mỏ.

Triển khai có hiệu quả hàng ngàn đề tài, dự án

Ông Đào Duy Anh – Viện trưởng VIMLUKI cho biết, trong 55 năm hoạt động, Viện đã thực hiện hàng ngàn đề tài, dự án, đề án KHCN các cấp. Cụ thể như các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy trình hay sản phẩm, các định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản... làm công cụ để các cấp quản lý Nhà nước định hướng phát triển và ban hành các chính sách quản lý đối với hoạt động của ngành công nghiệp Mỏ. Đặc biệt, năm 2021 Viện đã tham gia dự thầu và được Bộ Xây dựng tin tưởng giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược”. Đây là nhiệm vụ tư vấn lập quy hoạch lớn lần đầu tiên Viện thực hiện với cơ quan ngoài Bộ Công Thương. Quy hoạch này sẽ là cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồng thời sẽ là tiền đề mở ra một lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ mới cho VIMLUKI.

55 năm thành lập VIMLUKI
Ngày 29/5/2022, VIMLUKI đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập. Ảnh: Hà Nguyễn

 

Bên cạnh các sản phẩm là công nghệ, giải pháp kỹ thuật cho khai thác các mỏ khoáng sản, công nghệ tuyển làm giàu các loại khoáng sản, công nghệ luyện kim, môi trường và các loại thiết bị cho khai thác, chế biến khoáng sản, Viện còn tổ chức sản xuất thử nghiệm ngay tại Viện để đảm bảo sự ổn định của công nghệ trước khi chuyển giao cho các doanh nghiệp.

Suốt chiều dài 55 năm hoạt động, các công trình R&D của Viện bao trùm hầu hết các loại khoáng sản kim loại, phi kim loại và gắn với các nhà máy, các mỏ tiêu biểu cho ngành khai thác, chế biến khoáng sản kim loại màu của Việt Nam.

Đẩy mạnh dịch vụ KHCN

Sau khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động khoáng sản. Từ các kết quả nghiên cứu, triển khai KHCN và bề dầy kinh nghiệm trong lĩnh vực khoáng sản, Viện đã chủ động thực hiện dịch vụ KHCN cho các doanh nghiệp. Giai đoạn 2017-2021, toàn Viện đã thực hiện gần 430 công trình dịch vụ KHCN.

Các dịch vụ KHCN của Viện chủ yếu trong lĩnh vực khoáng sản, luyện kim như: Nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác, tuyển quặng, luyện kim..., tư vấn lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng, chế tạo, cung cấp lắp đặt thiết bị, chuyển giao nhà máy hoạt động ổn định cho doanh nghiệp…

Các sản phẩm dịch vụ KHCN của Viện luôn được các đối tác tin tưởng, đánh giá cao, một số công trình công nghiệp tiêu biểu đã được nghiệm thu, đưa vào hoạt động trong những năm gần đây của Viện có thể kể đến: Thiết kế nhà máy tuyển quặng sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh công suất 10 triệu tấn/năm; Thiết kế thi công nhà máy tuyển quặng sắt Quý Xa - Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm; Lập Dự án đầu tư xây dựng, thiết kế thi công Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 35.000 tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận; Thiết kế, chế tạo thiết bị, lắp đặt, chuyển giao xưởng tuyển nổi quặng apatit công suất 120kg/h cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam; Lập báo cáo tiền khả thi, Lập báo cáo khả thi Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Bình Định công suất 5,4 triệu tấn/năm…

Nghiên cứu song hành cùng sản xuất và thương mại sản phẩm

Để kiểm chứng các kết quả nghiên cứu và rút ngắn khoảng cách giữa tính toán và thực tế sản xuất, ngay từ sau năm 1975, đội ngũ cán bộ khoa học của VIMLUKI đã tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động sản xuất thử nghiệm, các sản phẩm đầu tiên khởi nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện là quặng tinh (thiếc, chì-kẽm, volfram,…), các kim loại thiếc, antimon, các hợp kim, sản phẩm cán, kéo kim loại màu.

Trên cơ sở thành công của sản xuất thử nghiệm, VIMLUKI đã chủ động tự thu mua quặng để luyện, sản xuất thiếc kim loại ở cả 3 khu vực Hà Nội, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với thời gian, công nghệ tuyển, luyện thiếc (Sn) của Viện đã tiệm cận trình độ thế giới về các chỉ tiêu công nghệ và định mức sản xuất với chất lượng đạt 99,99% Sn. Hiện nay, Viện là đơn vị sản xuất Sn kim loại lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 30% năng lực sản xuất với sản lượng 800-1.000 tấn Sn/năm.

55 năm thành lập VIMLUKI

VIMLUKI sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn. Ảnh: VIMLUKI

 

Từ Sn kim loại, các đơn vị trong Viện đã tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm hợp kim Sn phục vụ công nghiệp điện tử và dân dụng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng sử dụng. Cùng với kim loại và hợp kim Sn, các sản phẩm trung gian như fero mangan, fero titan, fero crom, các loại hợp kim đồng, hợp kim thép có tính năng chịu mài mòn, va đập cho chế tạo các chi tiết máy đập hàm, đập trục, răng gầu xúc cũng được Viện nghiên cứu sản xuất.

Song song với đó, Viện cũng nghiên cứu thiết kế và chế tạo các thiết bị chuyên ngành khoáng sản, luyện kim. Đặc biệt, trong giai đoạn sau mở cửa kinh tế năm 1986, công tác nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị được đẩy mạnh. Các máy móc phục vụ công nghiệp khai khoáng mang thương hiệu VIMLUKI có mặt trên thị trường giai đoạn này như lò điện hồ quang, vít xoắn, bàn đãi (ướt và khí), máy tuyển từ, máy tuyển điện, lò sấy quay, nồi graphit và thiết bị thu bụi công nghiệp. Đồng thời, Viện còn mở rộng sang sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ ngành giao thông, xây dựng và dân sinh.

Với mục tiêu từng bước đưa ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp xanh, song song với phát triển công nghệ, thiết bị, công tác nghiên cứu các giải pháp, công nghệ, thiết bị nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động khoáng sản đến môi trường luôn được Viện quan tâm trong nhiều năm qua. Giai đoạn đầu là tham gia vào các dự án môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ để học hỏi kinh nghiệm, sau đó Viện chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ môi trường như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) phục vụ các dự án đầu tư, sản xuất và lập quy hoạch trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất, vật liệu xây dựng, công nghiệp thực phẩm và dân dụng.

Sau nhiều năm nỗ lực, hiện Trung tâm Môi trường Công nghiệp của Viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN với Phòng Phân tích và Quan trắc Môi trường đạt tiêu chuẩn theo ISO/IEC 17025:2005, số hiệu VILAS 246. Trung tâm cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường với số hiệu VIMCERTS 141. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ môi trường công nghiệp của Viện trong những năm gần đây không chỉ dừng ở nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp mà đã tiến tới thiết kế, chế tạo, lắp đặt các thiết bị, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. 

55 năm thành lập VIMLUKI

Thiết bị tuyển nổi quặng kim loại màu kiểu thùng trụ tròn (tankcell) dung tích làm việc 8 m3 do VIMLUKI nghiên cứu chế tạo giúp làm lợi hơn 3 tỷ đồng/năm. Ảnh: VIMLUKI

 

“Sự phát triển đồng thời cả 03 lĩnh vực chuyên môn: nghiên cứu-triển khai + dịch vụ KHCN + sản xuất kinh doanh trong quá trình phát triển Viện là mô hình hợp lý, đảm bảo mỗi công nghệ, giải pháp đưa ra từ phòng thí nghiệm được kiểm định đến sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, tăng tính khả thi khi chuyển giao vào sản xuất, đồng thời tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập, giúp Viện từng bước tự chủ về kinh phí hoạt động” – Viện trưởng Đào Duy Anh nhấn mạnh.

Những năm gần đây, mỗi năm Viện nộp ngân sách từ 15-20 tỷ đồng, năm 2021, mặc dù là đỉnh điểm tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, song, với truyền thống vượt khó và các giải pháp thích ứng linh hoạt, mọi mặt hoạt động của Viện vẫn được duy trì ổn định, việc làm, thu nhập của CBVC-NLĐ được đảm bảo, doanh thu đạt trên 550 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 32 tỷ đồng.  

Nhân dịp 55 năm thành lập, với những nỗ lực của toàn thể đội ngũ CBCNV, Viện đã nhận những phần thưởng cao quý: Bằng khen Bộ Công Thương; Cờ thi đua xuất sắc Công đoàn Công Thương Việt Nam; Giấy khen Đảng ủy khối công nghiệp Hà Nội.

55 năm thành lập VIMLUKI

 

55 năm thành lập VIMLUKI
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Lý Quốc Hùng - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ trao Bằng khen Bộ Công Thương cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong năm 2021. Ảnh: HN

 

55 năm thành lập VIMLUKI
Bà Tạ Thị Tuyết Minh – UVBTV, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội trao Giấy khen Cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng ủy VIMLUKI. Ảnh: HN

 

55 năm thành lập VIMLUKI
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam trao Cờ thi đua xuất sắc của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho Công đoàn VIMLUKI. Ảnh: HN

 

Hồ Nga