Ngày 29/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội thảo Công tác tái chế, xử lý sản phẩm và công tác quản lý, giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; ông Lê Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vinachem; ông Hoàng Văn Tâm – Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh – Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương; ông Trần Văn Lượng – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; ông Hoàng Văn Vy – Chuyên gia Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn…
Xu thế không thể đảo ngược
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, 2 nội dung của hội thảo là những vấn đề vô cùng cấp thiết với các đơn vị thuộc Vinachem trong giai đoạn tới bởi đây đều là những vấn đề đã được Chính phủ cam kết và từng bước hiện thực hoá bằng các chiến lược, kế hoạch triển khai.
Từ thực tế của Tập đoàn, thời gian qua, đã có 1 số doanh nghiệp từng bước triển khai các nội dung này như lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, thay thế lò hơi than bằng lò hơi điện sinh khối… Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn ở quy mô chưa lớn. Nhiều doanh nghiệp còn chưa hình dung được vấn đề là sẽ phải trả tiền cho lượng phát thải thải ra môi trường, khiến giá thành sản xuất tăng lên.
“Xu thế là không thể đảo ngược được bởi Chính phủ đã đưa ra cam kết hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cho nên Tập đoàn tổ chức hội thảo để các doanh nghiệp trong Tập đoàn nhận thức được tính cấp thiết của việc sẽ phải ứng xử ra sao với phát thải và trách nhiệm trong việc thải bỏ các sản phẩm sản xuất ra, tính toán trước để có giải pháp thay thế. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia tại hội thảo sẽ chia sẻ để doanh nghiệp nhận thức đúng vấn đề, có giải pháp kịp thời theo đúng chỉ đạo chung của tập đoàn, từng bước thích ứng được để sản xuất kinh doanh có lãi” – ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Vy đã phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tái chế, xử lý sản phẩm. Ông Hoàng Văn Tâm phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý, giảm phát thải KNK. Bà Hoàng Thị Kim Cương - Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol trình bày tham luận về Kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon.
Thông tin về tình hình thực hiện công tác tái chế, xử lý sản phẩm và công tác quản lý, giảm phát thải khí nhà kính của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Vinachem cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã có những chỉ đạo định hướng và hoạt động thiết thực trong công tác kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK.
Cụ thể, về kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính, Vinachem ban hành các văn bản số 302/HCVN-KT ngày 15/3/2023 về việc báo cáo số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cho các năm 2020 và 2022 để chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện theo quy đinh; văn bản số 1414/HCVN- 71 KT ngày 29/9/2023 về việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023 đến 2025 nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải KNK theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhằm giảm phát thải KNK (CO2) thông qua chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, Vinachem ban hành văn bản số 200/HCVN-KT ngày 23/2/2024 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ…
“Kết quả cho thấy, trong công tác kiểm kê KNK, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện cung cấp số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương theo quy định. Trong công tác giảm nhẹ phát thải KNK, các doanh nghiệp đã triển khai tuyên truyền các nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật vào năm 2023 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tích cực trồng cây xanh tại các nhà máy sản xuất lớn hơn 15% diện tích mặt bằng nhà máy” – ông Phùng Ngọc Bộ thông tin.
Các đơn vị thành viên có phát sinh lượng KNK lớn như Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 (dạng rắn, lỏng) phục vụ cho các ngành công nghiệp khác; triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, điển hình như tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Miền Nam.
Một số doanh nghiệp đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp và có các giải pháp tiết kiệm điện, như nâng cao hiệu suất động cơ điện, chuyển dần chiếu sáng bằng LED tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường.
Về tình hình thực hiện trách nhiệm ở rộng của nhà sản xuất (EPR), Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam đã thuê các đơn vị có chức năng xử lý chất thải theo quy đinh. Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam đã thực hiện thu gom sản phẩm thải bỏ từ khách hàng tiêu dùng để tái chế tái sử dụng. Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ khách hàng trong việc thu gom để tái chế tái sử dụng.
Cần hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp
Chia sẻ thực tế về công tác tái chế, xử lý sản phẩm Pin-Ắc quy, đại diện Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco) cho biết, việc tái chế, xử lý các sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, hiện nay, Pin đã qua sử dụng của Pinaco nói riêng hay các hãng khác nói chung vẫn chưa được thu gom, xử lý đầy đủ. Pinaco vẫn thực hiện việc thu nhận pin đã qua sử dụng từ các tổ chức/người tiêu dùng thu gom được chuyển về và đem đi xử lý. Như vậy ngoài việc đã đóng tiền quỹ bảo vệ môi trường với số tiền khá lớn, Pinaco vẫn phải chi trả cho phần xử lý pin từ người tiêu dùng chuyển về.
Đối với ắc quy, việc thu hồi đủ khối lượng ắc quy thải để thực hiện tái chế là một thách thức rất lớn đối với nhà sản xuất cũng như một số đơn vị tái chế vì hiện nay tại Việt Nam, người tiêu dùng sau khi sử dụng xong không có thói quen đem đến các đại lý/nhà sản xuất để bàn giao ắc quy thải mà rất dễ dàng bán lại cho ve chai (đồng nát) hoặc bán cho các tiệm sửa xe sau đó các bình ắc quy thải này có thể được chuyển đến các cơ sở chế biến không phép để tái chế.
Do đó, thời gian tới, Pinaco rất mong cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ về tài chính hoặc giảm trừ phần thu gom, xử lý mà doanh nghiệp đã tự thực hiện để khuyến khích cho các chương trình tự thu gom của doanh nhiệp bên cạnh việc bắt buộc đóng quỹ môi trường.
“Đặc biệt trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt đối với việc không hoàn thành tỷ lệ tái chế bắt buộc để hỗ trợ các nhà sản xuất trong bước đầu thực hiện hoặc chỉ xử phạt các tổ chức không thực hiện việc tái chế” – đại diện Pinaco kiến nghị.
Đại diện Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam để sử dụng khoảng 1200-1300 tấn, đồng thời tăng dần mỗi năm từ 5-10% lượng chất thải tái chế. Bên cạnh đó, DRC cũng đầu tư nhà máy tái chế với công suất 110 ngàn lốp/năm, song hiện đang vận hành chưa đến 1/2 công suất.
“Do đó, DRC kiến nghị cần hợp tác với các đơn vị khác để cùng phát huy hiệu quả đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cần tập trung vào một mảng tái chế khác nhau để tránh ảnh hưởng đến công suất, giá thành và thị trường” – đại diện DRC chia sẻ.
Đối với vấn đề kiểm kê KNK, đại diện Công ty Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho hay, trong thời gian qua, Đạm Ninh Bình đã tích cực tìm hiểu, rà soát các quy định, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định. Tuy nhiên, việc kiểm kê KNK là lĩnh vực mới và là lần đầu tiên đơn vị thực hiện, nên chưa đánh giá được hết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện. Do đó, đề nghị Tập đoàn Hoá chất và các chuyên gia có thêm hướng dẫn về nội dung còn vướng mắc.
Từ thực tế doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ, mặc dù đã đầu tư mọi nguồn lực trong nỗ lực cải tiến nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, tuy nhiên với thực tế các thiết bị máy móc trong các dây chuyền của Công ty mặc dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn lạc hậu, điều này khiến Công ty gặp không ít khó khăn. Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện công tác quản lý, kiểm kê KNK, hướng đến mục tiêu chung của Quốc gia là đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050.
Sau tham luận, Hội thảo đã giành thời gian trao đổi, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vinachem một lần nữa khẳng định, 2 nội dung đề ra trong hội thảo liên quan mật thiết đến đời sống của doanh nghiệp nên được Vinachem đặc biệt quan tâm. Ông Lê Hoàng yêu cầu sau hội thảo, Ban Kỹ thuật tiếp tục tổng hợp các ý kiến, trao đổi thêm với các chuyên gia để giải đáp cho doanh nghiệp.