Vinachem hướng mốc doanh thu gần 47 nghìn tỷ đồng vào 2020

Bước sang năm 2020 đầy khó khăn, thử thách, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xác định, cần phải thay đổi cách tiếp cận; có những giải pháp linh hoạt để giữ vững lượng khách hàng cũ và phát triển được nhiều khách hàng mới, từ đó hoàn thành những kế hoạch mục tiêu đã đề ra.

Cổ phần hóa và thoái vốn - nhiệm vụ 2019

Ngày 11/1/2019, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Hồ Sỹ Hùng, lãnh đạo Vinachem cùng các cơ quan, ban ngành liên quan. 

Tổng kết lại một năm hoạt động của Tập đoàn, ông Bùi Thế Chuyên - Phó Tổng giám đốc Vinachem cho biết, năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng cao của Ban Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, Tập đoàn đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ của năm.

Cụ thể, 4/6 nhóm ngành có lợi nhuận tăng, 4 đơn vị thuộc Đề án 1468 (Đề án của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương) sản xuất ổn định; sản phẩm sản xuất và tiêu thụ hầu hết tăng so với năm 2018; đảm bảo các cân đối lớn về hàng hóa cho nhu cầu của nên kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động với mức bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

vinachem
Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 501 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 34.885 tỷ đồng, doanh thu đạt 37.058 tỷ đồng, lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 1.524 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.562 tỷ đồng.

Đáng chú, năm qua, Tập đoàn đã thực hiện quyết liệt công tác cổ phần hóa và thoái vốn Tập đoàn đã chuyển nhượng vốn thành công tại 7 Công ty cổ phẩn: Cao su Sao Vàng, Bột giặt Net, Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Mỏ, Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng, Sơn Tổng hợp, Pin Hà Nội, Ắc quy Tia Sáng, Hóa chất Đức Giang. Tập đoàn đang tiếp tục triển khai các bước chuyển nhượng vốn tại 8 Công ty CP.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan những kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019, ông Bùi Thế Chuyên cũng thẳng thắn nhìn nhận, năm 2019, sản xuất kinh doanh của các đơn vị không thuộc Đề án 1468 và 4 doanh nghiệp thuộc Đề án 1468 không đạt kế hoạch đề ra, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của các đơn vị thành viên, đặc biệt là ngành phân bón giảm sút mạnh.

Thêm vào đó, trong năm qua, công tác tái cơ cấu của Tập đoàn cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Tập đoàn đã và đang triển khai tích cực công tác chuyển nhượng phần vốn tại các đơn vị theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, khi thực hiện đấu giá công khai, một số đơn vị không có nhà đầu tư đăng ký mua làm ảnh hưởng đến kết quả doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng vốn.

vinachem
Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, bước sang năm 2020, Vinachem cần phải thay đổi cách tiếp cận; có những giải pháp linh hoạt để giữ vững lượng khách hàng cũ và phát triển được nhiều khách hàng mới...

Bước vào năm 2020 với nhiều khó khăn, thách thức, với sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các Bộ ban ngành, cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó, năm 2020, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đặt mục tiêu cho 4 dự án phân bón như: giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) 9.886 tỷ đồng, tăng 15% so với ước thực hiện năm 2019; doanh thu 9.817 tỷ đồng, tăng 19% so với ước thực hiện năm 2019; lỗ cộng hợp 2.576 tỷ đồng, tăng 837 tỷ đồng so với ước thực hiện 2019.

ong Phung Quang Hiep
Ông Phùng Quang Hiệp - Phó Tổng giám đốc phụ trách Vinachem chia sẻ  công tác thực hiện đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp trong năm 2019

Đối với các đơn vị còn lại, Vinachem đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) 34.520 tỷ đồng, giảm 1% so với ước thực hiện năm 2019; doanh thu gần 36.165 tỷ đồng, giảm 2% so với ước thực hiện năm 2019; lợi nhuận cộng hợp đạt 1.702 tỷ đồng, tăng 178 tỷ đồng so với ước thực hiện 2019.

Khó khăn còn hiện hữu

Chia sẻ thêm về những kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được trong năm 2019, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Vinachem cho biết, chúng ta đã đưa ra được những phương hướng, những giải pháp cụ thể cho năm 2020, nhưng để thực hiện và hoàn thành được các chỉ tiêu đó, Vinachem cần thay đổi cách tiếp cận; cách triển khai phải đổi mới, sáng tạo.

Bối cảnh năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với ngành nông nghiệp, khi diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đi cùng với đó nhu cầu sử dụng phân bón sẽ bị giảm... đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho những đơn vị có giải pháp đúng, có tiềm lực vượt lên.

Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận; có những giải pháp linh hoạt để giữ vững lượng khách hàng cũ và phát triển được nhiều khách hàng mới... ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

vinachem
Ông Nguyễn Tiến Cường chia sẻ những khó khăn của Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam trong năm 2019

Chia sẻ thêm về những khó khăn của ngành, ông Nguyễn Tiến Cường - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam cho biết, từ sau Quý III/2019, tình hình có nhiều thay đổi, nguồn tiêu thụ của Apatit bị giảm sút nặng. Nguyên nhân là do giá bán của các loại phân bón trong nước tăng, bởi chi phí sản xuất tăng, thị phần tiêu thụ của Công ty bị thu hẹp.

Thêm vào đó, là sự gia tăng sức cạnh tranh trong thị trường nội địa, “năm 2019, có 6 doanh nghiệp được cấp mỏ, họ tận dụng được hạ tầng sẵn có nên giá bán thành phẩm của họ thấp hơn...

vinachem
Năm 2019 là năm cực kỳ khó khăn của ngành phân bón - ông Ngô Văn Đông nhận định

Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền thì trăn trở, năm 2019 là một năm cực kỳ khó khăn của ngành phân bón. Ngành phân bón phụ thuộc nhiều vào ngành nông nghiệp, nông sản. Khi mà hàng nông sản không bán được thì sự đầu tư vào ngành này chắc chắn sụt giảm.

Ví dụ cụ thể, Ngô Văn Đông cho biết, giá cà phê ở Tây Nguyên đang ở mức rất thấp, giá tiêu thì thực sự “tiêu” rồi, nhiều doanh nghiệp bị phá sản... điều này ảnh hưởng rất lớn đến ngành phân bón.

Thay đổi cách tiếp cận để hoàn thành mục tiêu

Lắng nghe những khó khăn mà Vinachem và các đơn vị thành viên phải đối mặt trong năm 2019, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo, người lao động Vinachem khi đạt được một số kết quả ấn tượng.

Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN nhấn mạnh, năm 2019 Tập đoàn đã đạt được nhiều thành công lớn trong những khó khăn, áp lực. Để có được kết quả đó, Vinachem đã duy trì sự thống nhất, ổn định trong công tác quản trị, đảm bảo việc làm cho người lao động, đồng thời, nghiêm túc thực hiện công tác cổ phần hóa, sắp xếp, thoái vốn một cách quyết liệt.

Với những nhiệm vụ đề ra trong năm 2020, lãnh đạo Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp yêu cầu Vinachem tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp theo đúng lộ trình. Quá trình này sẽ giúp Vinachem rà soát tình hình tài chính, từ đó tìm hướng đi hiệu quả, giải quyết khó khăn, cũng như tăng sự minh bạch trong công tác quản trị doanh nghiệp.

“Bên cạnh việc tập trung giải quyết những khó khăn ở một số doanh nghiệp yếu, kém, Vinachem cũng cần quan tâm tới những doanh nghiệp trực thuộc duy trì được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực, chiếm thị phần lớn trên thị trường, từ đó, phát huy lợi thế, giúp doanh nghiệp phát triển”, Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN gợi mở.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ghi nhận những nỗ lực của Tập đoàn trong công tác điều hành, quản lý để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2019.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Vinachem phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm các tồn đọng vướng mắc của các dự án sớm đưa các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thu hồi vốn nhà nước.

Thứ trưởng đề nghị, Vinachem cùng với các đơn vị nghiên cứu, tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ, cân đối nguồn tài chính để tiếp tục sản xuất liên tục, giảm tiêu hao, giảm chi phí qua đó hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

vinachem
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị, Vinachem cùng với các đơn vị nghiên cứu, tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường tiêu thụ, cân đối nguồn tài chính để tiếp tục sản xuất liên tục

Riêng đối với vấn đề thuế phân bón, thế xuất nhập khẩu… Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh kiến nghị và có những cuộc trao đổi với Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu, Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tính toán cụ thể tác động của các chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn ngành cũng như các tác động đến nguồn thu nộp ngân sách nhà nước, việc làm cho người lao động... để có luận cứ cho việc sửa đổi quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh, Vinachem cần chủ động nghiên cứu, đưa ra những định hướng dài hạn, trong 5 năm, 10 năm tới, xác định đâu là lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn của Tập đoàn để có những điều chỉnh cơ cấu sản phẩm hợp lý, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, có hiệu quả kinh tế cao tranh thủ những mặt thuận lợi, giảm bớt triệt tiêu các khó khăn của thị trường, Thứ trưởng kỳ vọng.

Nhân dịp này, để ghi nhận thành tích của một số đơn vị đạt được kết quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước đã tặng cờ khen thưởng cho 5 đơn vị; đại diện Hội đồng thi đua khen thưởng Tập đoàn đã trao tặng Cờ thi đua của Tập đoàn và một số danh hiệu khác cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019.

Tập đoàn hóa chất

Tập đoàn hóa chất

Tập đoàn hóa chất

Tập đoàn hóa chất

Trần Bản