Ngành dệt khó thu hút đầu tư
Thực tế những năm qua cho thấy, ngành May có tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với ngành Dệt. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản (chiếm 85,8% tổng sản lượng xuất khẩu) đã làm cho may xuất khẩu phát triển với tốc độ cao. Giai đoạn 2000-2004, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng bình quân 23,4%/năm. Tuy vậy, tỉ lệ nguyên phụ liệu nội địa trong giá trị của sản phẩm dệt may xuất khẩu mới chiếm 31,5%.
Đánh giá về chất lượng vải nội, công ty may nổi tiếng khu vực phía Nam là Việt Tiến đã thống kê: Độ bền màu không cao; Lỗi sợi, đặc biệt là lỗi đường kẻ sọc; Đồng màu kém, đầu cây, cuối cây vải màu khác nhau; Bề mặt vải dễ bị xù lông, không mịn, mướt; Thường sai màu so với màu gốc; Tiến độ giao hàng chậm; Chào hàng chưa chuyên nghiệp; Dịch vụ hậu mãi và xử lý sự cố không thỏa đáng; Chưa cung cấp được loại vải cotton cao cấp. Những lý do này đã khiến vải do Việt Nam sản xuất phần lớn chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Vải dệt thoi xuất khẩu và cung cấp cho may xuất khẩu mới chỉ đáp ứng được 13-14% nhu cầu. Do vậy, các doanh nghiệp may vẫn phải nhập vải ngoại về sản xuất hoặc mua vải theo chỉ định của đối tác nước ngoài. Không những cần trang bị lại máy và thiết bị để tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp dệt còn đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới công nghệ, thiết bị để có thể sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của may xuất khẩu. Riêng Vinatex hiện còn đến 40% máy, thiết bị thuộc các thế hệ cũ đang cần được thay thế. Kết quả khảo sát ở các doanh nghiệp dệt cho thấy, trình độ công nghệ vẫn ở mức trung bình yếu. Chỉ có ngành kéo sợi đạt trình độ công nghệ khá, nhưng cũng chỉ có 20% thiết bị được đầu tư mới từ các nước tiên tiến và sử dụng trong vòng 5 năm trở lại đây. Ngành nhuộm, hoàn tất, cũng được đầu tư hiện đại, nhưng lại chưa được quản lý và khai thác tương xứng với năng lực thiết bị nên hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân làm cho ngành Dệt chậm phát triển thì các doanh nghiệp trong ngành đều rõ. Đó là đầu tư cho ngành Dệt đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn chậm. Trong thời gian ngắn, đầu tư vào ngành Dệt không thể mang lại hiệu quả như ngành May. Hơn nữa, ngành Dệt đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, do đó, người công nhân đứng máy cũng phải là người có trình độ cao, nhất là khâu in nhuộm thì mới làm chủ được công nghệ, xử lý được các sự cố trong quá trình vận hành thiết bị. Điều này thì ngành Dệt lại càng yếu, vì sau thời gian dài thu nhập của ngành Dệt thấp, số sinh viên đăng ký học ngành dệt nhuộm hầu như không có. Và nếu có thì khi ra trường cũng chỉ làm tại các doanh nghiệp nhà nước một thời gian để lấy kinh nghiệm, rồi lại chuyển qua các công ty nước ngoài để có mức thu nhập cao hơn.
Tất cả những điều này đã là nguyên nhân làm cho ngành Dệt chậm phát triển trong những năm qua và trong thời gian trước mắt cũng chưa thể thay đổi được nhiều.
Phát triển như thế nào?
Trong cuộc họp mới đây bàn về phương án phát triển vải xuất khẩu của Vinatex, các doanh nghiệp dệt trong Ngành đều tự tin vào khả năng phát triển trong thời gian tới. Theo ý kiến của các doanh nghiệp, với sự nỗ lực đầu tư thời gian qua, trong 5 năm tới, ngành Dệt hoàn toàn có thể sản xuất được vải có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường, với những thông số kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là giá cả chưa thể cạnh tranh được với hàng ngoại, bởi các doanh nghiệp trong nước còn chịu chi phí lớn, đặc biệt là chi phí xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Khánh Sơn – TGĐ Công ty Dệt May Hà Nội cho biết, khách hàng khi đến mua hàng đều yêu cầu được xem hệ thống xử lý nước thải, do vậy đầu tư cho ngành dệt nhuộm bây giờ là phải đầu tư cho môi trường. Và Nhà nước cần coi đầu tư cho xử lý nước thải như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy, sản phẩm dệt nhuộm nội mới có thể cạnh tranh được với hàng ngoại. Ông Trần Quang Nghị – TGĐ Công ty Dệt Phong Phú thẳng thắn nhận định, chúng ta vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn và thực hiện, do chưa có định hướng cụ thể nên tập trung vào khâu nào là chính. Còn các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, mặc dù đầu tư vào nhuộm nhưng lại nhắm vào may xuất khẩu để tận dụng lợi thế phần trăm tại chỗ. Do vậy, phát triển tốt các dây chuyền may xuất khẩu sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào khâu dệt nhuộm, đặc biệt là nhuộm, in hoa, khâu yếu nhất của ngành Dệt hiện nay.
Một số lãnh đạo của các doanh nghiệp dệt may khác cũng có ý kiến, không thể phủ nhận Việt Nam đang là một thị trường rất tiềm năng. Bằng chứng là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dệt của Việt Nam vào đâu thắng đấy. Các doanh nghiệp may trong nước đã lấy hàng của họ, ngay cả khách hàng nước ngoài cũng ký hợp đồng mua vải của các doanh nghiệp này, trong khi các doanh nghiệp dệt Việt Nam làm chưa hết công suất. Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao năng lực thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thì điều kiện tiên quyết là phải làm tốt khâu tiêu thụ và dịch vụ hậu mãi. Thay vì đi chào hàng tại các công ty may, các doanh nghiệp dệt cần chào hàng tới các khách hàng đặt may, chính họ mới là người quyết định việc có dùng vải của mình hay không chứ không phải các doanh nghiệp may. Điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp dệt tiến gần với thị trường hơn.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu, Vinatex cần chủ động làm đề án nâng cao năng lực cho ngành Dệt với mục tiêu, giải pháp thật cụ thể, trong đó khả năng thực hiện của Vinatex là bao nhiêu. Trong lĩnh vực đầu tư, cần phải dựa vào hợp tác liên doanh quốc tế và lực lượng dân doanh làm nguồn lực phát triển, nhưng Vinatex vẫn phải là đầu mối, định hướng và quyết định. Hiện nay, nhiều tập đoàn dệt may lớn đang chú ý đến Việt Nam như là một điểm đầu tư hấp dẫn sau Trung Quốc. Tập đoàn International Textile Group - Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác với Vinatex từ hợp tác thương mại cho tới hỗ trợ kỹ thuật hướng ra toàn cầu, trong đó có dự định đầu tư nâng cấp các cơ sở của Vinatex; Tập đoàn Pamatex Berhad - Malaysia đã đầu tư xây dựng một số nhà máy dệt, nhuộm, may tại KCN Tam Hiệp (Khu kinh tế mở Chu Lai) với số vốn hơn 100 triệu USD; Tập đoàn Daewon - Hàn Quốc đã đầu tư một nhà máy dệt tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai); Tập đoàn Fomosa - Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam hơn 500 triệu USD và đang dự định đầu tư thêm 400 triệu USD nữa; Tập đoàn Youngone - Hàn Quốc, Công ty Dệt Chung Shing - Đài Loan, Tainan Enterprise Co - Đài Loan cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp này có nguồn vốn lớn, công nghệ khá hiện đại, với kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên thương trường sẽ tạo thêm việc làm, cung cấp nguyên liệu và góp phần đẩy mạnh xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Trong chính sách và giải pháp về đầu tư cho ngành Dệt May từ nay đến năm 2015, ngành Dệt May tập trung cho sản xuất vải và phụ liệu phục vụ may xuất khẩu, các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm vải dệt thoi cần được đưa vào danh mục các dự án ưu tiên hỗ trợ đặc biệt trong chương trình xúc tiến trọng điểm quốc gia. Giai đoạn 2006-2010, ngành Dệt May sẽ đầu tư 9.840 tỉ đồng cho phát triển ngành Dệt, trong đó chủ yếu là Vinatex và liên doanh Vinatex. Cho dù đầu tư như thế nào, ngành Dệt May cũng phải hết sức chú trọng đến bảo vệ môi trường. Không phải tự nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển đầu tư dệt nhuộm từ nước họ đến Việt Nam, bởi dệt nhuộm là khâu sử dụng rất nhiều hóa chất không có lợi cho môi trường. Để xử lý được nó phải qua nhiều cấp, tốn kém chứ không chỉ xử lý một cấp là được. Trong những cảnh báo về môi trường, dệt nhuộm được đưa lên hàng đầu để các doanh nghiệp và các địa phương lưu ý khi quyết định có nhận đầu tư hay không.
Nhìn lại hơn 5 năm qua, dệt may Việt Nam đã phát triển với tốc độ lớn, trở thành một trong những ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 2 sau xuất khẩu dầu thô. Các sản phẩm dệt may Việt Nam đã bước đầu tạo được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước và được đánh giá là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong ít nhất 15-20 năm tới. Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới và trong 5 năm tới có thể vươn lên nằm trong 10 nước đứng đầu về xuất khẩu dệt may. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ cần có những giải pháp tích cực, cụ thể và các chính sách thu hút vốn đầu tư hợp lý để ngành Dệt phát triển, hỗ trợ hiệu quả cho ngành may xuất khẩu, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trên một sản phẩm để tăng giá trị gia tăng, thu nhiều lợi nhuận.