Theo Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thị trường thế giới đã có sự phục hồi, số lượng đơn hàng ở các thị trường truyền thống đã tăng trở lại. Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung của của các doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Vĩnh Phúc trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực công nghiệp điện tử có doanh thu ước tăng 14%. Tiêu biểu có một số Dự án hoạt động hiệu quả có tăng trưởng tốt như: Partron Vina tăng 30%, Jahwa tăng 31%; DKT tăng 31%; Amo Vina tăng 66%, BH Flex tăng 26%, Yingtong tăng 66%, Compal (Việt Nam) tăng 47%, Minh Đức tăng 17%, Arcadyan tăng 38%.
Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử chiếm tỷ lệ trên 43% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với các sản phẩm đa dạng như: Máy tính xách tay, điện thoại thông minh, tai nghe, bộ phát wifi cao cấp và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho Tập đoàn điện tử Samsung,…
Các doanh nghiệp điện tử có đơn hàng và thị trường ổn định nên các chỉ tiêu kinh tế đều có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, góp phần vào sự tăng trưởng chung của toàn khu công nghiệp.
Lĩnh vực công nghiệp khác có doanh thu tăng trên 30% so với cùng kỳ. Tiêu biểu như Cosmolink tăng 48%, Nippon paint tăng 22%. Ngoài ra có thêm một số dự án mới đi vào hoạt động có đóng góp thêm vào sự tăng trưởng của các chỉ tiêu phát triển của lĩnh vực này như Accton, Assa Abloy....
Lĩnh vực công nghiệp phụ tùng ô tô, xe máy giữ được ổn định so với cùng kỳ. Trong đó có một số doanh nghiệp có tăng trưởng khá, như: Meisei tăng 16%; Lâm Viễn tăng 12%, Kingduan 16%, Star Engineers tăng 26%.
Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có sự tăng trưởng nhẹ sau thời gian thị trường bất động sản trầm lắng. Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Prime tăng 10%; Thép Việt Đức tăng 18%. Tuy nhiên Gạch Vitto chỉ bằng khoảng 80% so với cùng kỳ
Bên cạnh những con số tích cực, một số lĩnh vực do sức mua giảm nên lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô, xe máy doanh thu giảm 10%. Một số doanh nghiệp lớn như công ty Piaggio giảm 26%, xe bus Daewoo giảm 19%).
Công nghiệp dệt may cũng tiếp tục giảm 18%. Chỉ riêng các công ty Vina Korea, Cellmech đã giảm khoảng trên 40%; Tal giảm 15%.
Các dự án FDI đạt doanh thu ước tính 8.800 triệu USD, tăng 11% so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu ước đạt 9.009 triệu USD, tăng 38% so với 9 tháng đầu năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 14% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Các dự án đầu tư trong nước có giá trị xuất khẩu ước đạt 543,04 tỷ đồng, tăng 109% so với 9 tháng đầu năm 2023. Nộp Ngân sách ước đạt 171 tỷ đồng, tăng 1,18% so với 9 tháng đầu năm 2023.
(số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2024)