Võng La: Tiếp nối nguồn mạch anh hùng

Trên mảnh đất Võng La (Đông Anh - Hà Nội), quá khứ anh hùng, di sản tinh thần vô giá luôn hiển hiện trong sự trân trọng, tự hào của thế hệ hôm nay.

Những ngày này, Đảng bộ và nhân dân xã Võng La (Đông Anh - Hà Nội) đang bồi hồi, náo nức hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chi bộ đầu tiên của huyện Đông Anh tại xã Võng La (03/11/1942-3/11/2022). Có thể thấy trên mảnh đất Võng La, quá khứ anh hùng, di sản tinh thần vô giá vẫn hiển hiện trong sự trân trọng, tự hào của thế hệ hôm nay.

vong la
Cổng Làng Chài Võng La 

Đất nghèo nuôi những anh hùng

Thuở “khai thiên lập địa” của nước Việt, khu vực huyện Đông Anh ngày nay, trong đó có xã Võng La vẫn còn là một vịnh nhỏ của Vịnh Bắc bộ, đến thời Hùng Vương, theo đà của mực nước biển rút xuống, vùng đất Võng La nằm trong châu thổ sông Hồng được phát lộ và hình thành từ quá trình bồi đắp nhiều ngàn năm của phù sa và sức lao động của con người.

Trải suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử, người Võng La vừa khắc phục vừa thích nghi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, miệt mài be bờ, đắp đập, khai phá những đầm lầy hoang sơ, bãi bồi ven sông Hồng thành những bờ xôi ruộng mật. Nhưng cũng những con người ấy, khi đất nước có giặc ngoại xâm, họ sẵn sàng góp công, góp của, xả thân để bảo vệ quê hương.

Truyền thống yêu nước, quật cường của Võng La đã được tiếp nối tới thời đại Hồ Chí Minh. Từ khi đất nước còn bị thực dân đô hộ trước Cách mạng tháng 8 cho đến hai cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, người dân Võng La luôn “gan vàng dạ sắt” trung kiên đi theo sự lãnh đạo của Đảng.

Từ năm 1941, hạt giống cách mạng được Đảng gieo xuống mảnh đất Võng La đã nảy mầm. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thành lập tổ Việt Minh đầu tiên tại làng Võng La với 3 thành viên đều là những người con của Võng La. Đến năm 1942, cũng tại Võng La, thay mặt Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã kết nạp 3 thành viên của tổ Việt Minh vào Đảng và thành lập Chi bộ do đồng chí Phan Thanh Xuân làm Bí thư (nay là Đảng bộ xã Võng La). Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh. Nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Võng La là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cuộc họp và nơi làm việc của các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng tại địa phương.

Từ đó cho đến khi Cách mạng tháng 8 thành công, Võng La là một trong những cơ sở cách mạng hoạt động tích cực ở An toàn khu Đông Anh. Cả xã có 12 gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật. Đó là các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng. Các cơ sở cách mạng trên cũng là nơi an toàn tổ chức nhiều hội nghị quan trọng quyết định đến vận mệnh của dân tộc và đất nước. Nơi đây có nhiều gia đình góp của cải giúp bộ đội mua lương thực, thuốc, súng đạn, có những gia đình đã hy sinh đến người cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng.

Có thể kể đến những tấm gương bất chấp hy sinh, gian khổ, một lòng vì cách mạng như cụ Lý Lờ (Hoàng Thị Cốc), người đầu tiên trong làng Võng La nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cụ Nguyễn Thị Oánh là giao thông liên lạc của Trung ương ở an toàn khu đã không quản ngại nguy hiểm luôn hoàn thành nhiệm vụ trao đổi thư từ, sách báo từ Hà Nội về an toàn khu và ngược lại. Cụ Nguyễn Đình Ân là người chuyên chở đò đưa đón cán bộ trung ương qua bờ nam sông Hồng vào nội thành Hà Nội…

Vào tháng 2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương văn hóa cứu quốc. Cây gạo đầu làng và ngọn tháp trong chùa Bạch Sam là điểm liên lạc và nơi đặt hòm thư của Trung ương. Ngôi tháp được sử dụng như một hộp thư bí mật trao đổi liên lạc tài liệu mà chưa một lần bị địch phát hiện. Cây gạo ở chùa Bạch Sam cùng cây gạo Xù ở làng Phú Thượng (quận Tây Hồ) là điểm hẹn, liên lạc và trao đổi thư từ, đồng thời là mốc tiêu đánh dấu cho cán bộ cách mạng từ xa tìm về An toàn khu.

chua bach sam
Chùa Chài (Bạch Sam Tự – Đông Anh, Hà Nội)

Chín năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), có hơn 4 năm bị giặc chiếm đóng, Chi bộ Đảng và nhân dân Võng La đã anh dũng chiến đấu với gần 30 trận chống càn, diệt hàng trăm tên địch trong nhiều trận đánh nổi tiếng. Trong thời gian này, Võng La có 320 người tham gia quân đội, 278 người tham gia du kích, toàn xã có 12 gia đình có công với nước, 32 gia đình có công với cách mạng… Tính chung hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và thời kỳ bảo vệ tổ quốc, xã Võng La có 11 mẹ là "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", 157 liệt sỹ, 62 thương binh...  Với những cống hiến, hy sinh to lớn đó, năm 2005, xã Võng La đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Hướng tới tương lai từ điểm tựa lịch sử

Tiếp nối truyền thống của vùng quê cách mạng, Võng La đã và đang từng bước đổi mới mạnh mẽ để bứt phá, vươn lên bằng chính thế mạnh địa phương được khai thác hiệu quả. Đảng bộ và chính quyền xã đang có những quyết sách hợp lý để tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của huyện Đông Anh nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung, Tuy nhiên, người dân làng Võng La đã sớm ý thức việc phát triển bền vững như quan niệm xưa của cha ông: "Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay" nên đã bắt đầu khôi phục, đầu tư phát triển nghề làm đậu phụ truyền thống cung cấp cho thị trường Hà Nội với số lượng lớn.

Đậu Võng La nổi tiếng không thua kém đậu Mơ Mai Động, hay đậu làng Bá, huyện Đan Phượng. Nghề làm đậu ngày nay trở thành nguồn sống chính của người dân làng Võng La, với hàng trăm hộ dân theo nghề. Ngoài đậu phụ đã có những sản phẩm đã tham gia chương trình OCOP và sản xuất theo hướng hàng hóa.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, khu vực huyện Đông Anh - trong đó có địa bàn Võng La được xác định là đô thị trung tâm văn hiến, văn minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu phía Bắc sông Hồng, là trung tâm văn hóa tài chính lớn của Thủ đô Hà Nội và cả nước. 

Như vậy, có thể nhìn thấy chỉ trong một tương lai không xa, Võng La sẽ còn tiếp tục chuyển mình theo hướng trở thành vùng đô thị giàu đẹp, hiện đại, văn minh. Với Đảng bộ xã và mỗi người dân nơi đây, nguồn động lực để đi tới tương lai được hun đúc bằng từ lịch sử chịu đựng gian khổ khai phá thiên nhiên để lập xóm, lập làng và cũng rất kiên cường, anh dũng khi bảo vệ quê hương, tổ quốc.

Những ngày thu này, bên dòng sông Hồng hiền hòa, Đảng bộ và nhân dân xã Võng La đang náo nức chờ đợi, chuẩn bị cho dịp kỷ niệm lịch sử. Tri ân và tự hào về nguồn mạch truyền thống của các thế hệ tiền bối, người dân Võng La - với bản tính cần cù, năng động vẫn đang tiếp tục bồi đắp, đóng góp sức mình cho tương lai phồn vinh, hạnh phúc.

 

Thái Anh