Theo tích lưu tại thôn Võng La, xưa thôn có tên là làng Chài hay còn gọi là “Phao Võng phường” - nghĩa là phường chài lưới bên sông. Tương truyền, thời Vua Hùng, 3 vị thánh có công giúp thần Tản Viên dẹp nạn hồng thủy đi qua thôn và dạy người dân ở đây nghề làm đậu phụ. Từ đó, cái tên đậu làng Chài ra đời.
Với những bí quyết gia truyền mà chỉ người trong nghề mới nắm được, quy trình sản xuất khá cầu kỳ, công đoạn lọc khắt khe nên miếng đậu chắc, béo, bùi, không có bã và bảo quản được lâu hơn so với các loại đậu phụ thông thường, nên đậu phụ Võng La được người dân khắp vùng ưa chuộng.
Nghề làm đậu phụ tại xã Võng La đã gắn bó với mảnh đất này hàng trăm năm, với bí quyết riêng của người làng nghề đã tạo nên sản phẩm đậu phụ có vị ngon khác biệt. Dù trải qua biết bao thăng trầm, người dân làng Chài Võng La vẫn giữ được nghề và có thu nhập ổn định hơn, cuộc sống ngày một nâng cao.
Ban đầu, làm đậu phụ chỉ là nghề làm thêm, giúp người dân tăng thu nhập, sau đó nghề đã trở thành nghề chính, nuôi lớn bao thế hệ người dân Võng La. Hiện tại, ở Võng La có tới hơn 80% hộ dân sản xuất đậu phụ. Trung bình, mỗi hộ tiêu thụ 1,5 tạ đậu/ngày; hộ làm lớn đạt gấp 2-3 lần... cho thu nhập cao hơn nhiều nghề khác. Với giá bán 13 nghìn đồng/kg đậu phụ, thu nhập từ nghề này đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm, trong khi hộ làm nông nghiệp đạt 42 triệu đồng/người/năm, hộ dịch vụ đạt 45 triệu đồng/người/năm... Đặc biệt, người dân còn tận dụng bã đậu để phát triển chăn nuôi.
Để giúp người dân phát triển nghề bền vững, hiệu quả, UBND xã Võng La đã quy hoạch khu sản xuất riêng cho làng nghề; đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm tăng giá trị món ăn tuy dân dã, thân thuộc nhưng không kém phần hấp dẫn. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, chắc chắn, tới đây, vị ngọt bùi, đậm đà của đậu làng Chài - Võng La sẽ còn được nhiều người biết tới.
Một số hình ảnh về sự kiện:
Nhân dịp này, UBND xã Võng La cũng tổ chức lễ khánh Nhà văn hóa thôn Võng La.
Nhà văn hoá được khởi công xây dựng ngày 28/5/2018 trên khuôn viên rộng trên 2.000m2, bao gồm các hạng mục như: Hội trường có sức chứa trên 200 chỗ ngồi, sân khấu, tiền sảnh, sân bê tông rộng trên 2.000m2 và công trình phụ, với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Ngoài ra, thôn Võng La còn dành hàng nghìn m2 đất để làm sân tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho nhân dân.
Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng sẽ là địa điểm hội họp, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa thể thao cho nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hoá xã hội tại địa phương.