Đình thờ Thành hoàng Làng thôn Võng La là nơi tín ngưỡng, để dân làng tụ họp trong những ngày lễ hội, là nơi hương khói và hội bàn những chính sách quan trọng. Con cháu trong làng, nhiều người dù có đi làm ăn xa nhưng cứ tới ngày lễ hội, ngày dâng hương Thành Hoàng làng, họ lại cố gắng thu xếp trở về như trở về với cội nguồn của quê cha đất tổ.
Bởi mỗi mùa lễ hội làng là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hóa giữa nhân dân trong xóm ngoài làng với nhau, là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa làng. Và lễ hội cũng là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể, đó là thờ Thành Hoàng làng trong tâm thức dân gian, tâm thức của mỗi người con đất Việt. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình mà rất bền chặt, giúp dân làng đoàn kết, giữ gìn nếp sống cộng cảm hòa đồng, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Làng Chài - Võng La vốn gốc là Phao Võng Phường, thuộc huyện Chu Diên, phủ Tam Đái, tên Nôm là Kẻ Chài, nằm bên bờ Bắc sông Hồng, giữa vùng đất bãi bồi rộng, bằng phẳng, màu mỡ.
Đầu thế kỷ XIX, tổng Võng La thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây.
Năm Tự Đức thứ 29 (1876), Võng La huyện Đông Anh mới được thành lập, thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tới năm 1901, huyện Đông Anh được cắt chuyển sang tỉnh Phù Lỗ, tới năm 1904 chuyển tỉnh Phúc Yên, từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng 5/1961, thôn Võng La, cùng các làng xã khác của huyện Đông Anh được sáp nhập về Thành phố Hà Nội.
Theo truyền thuyết và thần phả còn lưu lại: Đình làng Võng La thờ ba vị Thành Hoàng: Đệ Nhất Vị Linh Hồ Đại Vương, Đệ Nhị Vị Minh Chiêu Đại Vương, Đệ Tam Vị Cung Mục Đại Vương, có công lớn cùng với Tản Viên Sơn Thánh dẫn dắt quân dân Phao Võng Phường đánh thắng giặc Thục xâm phạm vào thời Vua Hùng thứ 18. Chiến thắng trở về, Vua Hùng phong cho các ngài: Đệ nhất vị Tiền Tướng Quân Linh Khổn Đại Vương; Đệ nhị vị Tả Tướng Quân Minh Chiêu Đại Vương; Đệ tam vị Hữu Tướng Quân Cung Mục Đại Vương.
Chuẩn cho ba vị đưa dân Phao Võng phường lập bốn trại Canh Vân, Canh Tác, Công Ngư và Võng La làm đất phong, kẻ Chài được thành lập từ thuở đó.
Linh Công vốn là Thiên thần, được Ngọc Hoàng sắc chỉ hạ phàm; còn Minh Công và Cung Công là hai vị Nhân thần. Sau đất nước thanh bình, các Ngài đều hiển thánh về trời. Triều đình ghi nhớ công lao, hạ chỉ phong các ngài là Phúc Thần, sắc nhân dân bốn trại Canh Vân, Canh Tác, Công Ngư và Võng La được lập miếu bốn mùa hương hoả, đời đời thờ cúng.
Thế kỷ 13, đời nhà Trần, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, Hưng Đạo Đại Vương khi dẫn quân trên sông Hồng, cũng tới cầu đảo tại miếu này, được ba vị hiển ứng phù trợ, đánh thắng giặc. Đất nước thanh bình, xét công ban thưởng, Đức Hưng Đạo tâu với vua Nhân Tông cho tu sửa miếu thờ và ban sắc chỉ phong tặng thêm các mỹ tự.
Từ đó về sau, việc nước việc dân kêu cầu đều linh ứng phù trợ, trải qua các Triều đại Nhà Lê, Nhà Tây Sơn, Nhà Nguyễn, các đời đều sắc phong mỹ tự cho các ngài và được xếp vào hàng Thượng Đẳng Tối Linh.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đình làng Võng La, theo các cụ cao niên trong làng kể lại, vốn là một ngôi đình to và cổ thuộc diện nhất nhì trong vùng huyện Yên Lãng, với đại đình và nhà tiền tế bốn góc đao cong, trang trí long cuốn thủy, lân chầu, bờ nóc đắp long chầu mặt nguyệt; cổng đình với bốn trụ uy nghiêm hòa quyện và nổi bật giữa thiên nhiên, sông nước vùng ven sông đất bãi, quả là thắng cảnh một vùng.
Tuy nhiên, do chiến tranh Đình bị tiêu thổ và thời gian khiến đình làng không còn, lớp lớp các thế hệ người dân thôn Võng La chưa có nơi thờ tự các vị Thành Hoàng.
Xây dựng lại Đình làng là nguyện vọng của mọi người dân trong thôn và những người dân xa quê, mong mỏi có được địa điểm để toàn dân gặp gỡ nhân dịp lễ tết, công to, việc nhỏ của làng, đáp ứng nguyện vọng, tấm lòng của mọi người, cùng con cháu hướng tới tâm linh và biết ơn Thành Hoàng làng cùng các bậc tiên tổ, tiên hiền của quê hương.
Từ những năm 2003, nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân trong thôn đã dày công sưu tầm tài liệu, chứng tích, di vật còn lại của Đình cổ. Dẫu các di tích còn sót lại của đình cổ không còn nhiều, nền cũ đã mất nhưng bia đá, thần phả, thần tích, bản kê sắc phong, bản khai với Trường Viễn Đông Bác Cổ vẫn còn đó, đủ để đem lại hi vọng cho người dân Võng La niềm tin về việc khôi phục được ngôi cổ đình.
Năm 2020, nhân dân địa phương đã công đức ủng hộ, đóng góp cùng nhau xây dựng lại ngôi Đình trên nền đất Đình năm xưa làm nơi thờ tự các vị Thành Hoàng, nơi hội tụ tình đoàn kết cộng đồng và cũng là niềm tự hào, là tài sản lưu truyền cho thế hệ con cháu mai sau.
Người dân Võng La vốn có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, luôn đoàn kết một lòng vượt qua bao gian khó, bằng mồ hôi, xương máu, cùng nhau chung sức tạo dựng lên một vóc dáng, một hình ảnh Làng quê Võng La mang đậm nét văn hóa làng, xã Việt Nam, gắn liền với những truyền thống và những trang Thần tích sáng ngời Trí - Đức của Tam vị Thành Hoàng được dân làng đời đời tôn kính phụng thờ dưới mái đình làng tuy trầm mặc nhưng rất đỗi linh thiêng.
Để rồi, hôm nay ngày 27/3/2022 (tức ngày 25 tháng 2 năm Nhâm Dần), chính quyền và nhân dân thôn Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ khánh thành đình thờ Thành Hoàng Làng.
Sự kiện Lễ khánh thành và rước Thành Hoàng Làng về Đình làng nơi thờ cúng mới, đã thỏa mãn được mong mỏi bao lâu của chính quyền, nhân dân thôn Võng La. Nơi đây sẽ được các thế hệ người dân trong làng thờ cúng, sinh hoạt tâm linh, phát huy truyền thống đạo Hiếu, uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên, những người có công xây dựng, bảo vệ cho nhân dân trong làng, tạo sức mạnh văn hóa trong hội nhập và phát triển. Cầu mong Thành Hoàng Làng linh ứng, phù hộ cho toàn thể nhân dân làng Võng La được mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an, làm ăn thuận lợi, phát triển.
Một số hình ảnh buổi lễ: