Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5/2024 với doanh số hợp nhất đạt 15,55 triệu USD (tương đương 395,6 tỷ đồng), tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, sản lượng sản xuất tôm thành phẩm trong tháng đạt 2.389 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm tăng tới 53%, đạt 1.419 tấn.
Trong khi đó, sản lượng sản xuất nông sản thành phẩm đạt 202 tấn, tăng 65%; sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm tăng 7%, đạt 123 tấn.
Cập nhật về tình hình nuôi tôm, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết, tôm hiện phát triển rất tốt; công ty đã thả giống xong khu mới, phần còn lại sẽ được hoàn tất trong nửa tháng tới.
Các kết quả của Thực phẩm Sao Ta hiện đang tốt hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước trong tháng 5/2024 giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, còn 326 triệu USD. Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm tăng 7%, đạt 1,3 tỷ USD.
Hiện một số chuyên gia ngành hàng nhận định ngành tôm khó có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay khi gần hết nửa đầu năm mới hoàn thành 31% mục tiêu.
Đây cũng là vấn đề được TS. Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thực phẩm Sao Ta chỉ ra ngay từ đầu năm nay. Lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta nhận đinh, ngành tôm Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong ít nhất 6 tháng đầu năm nay, và thậm chí bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả năm 2023.
TS.Hồ Quốc Lực phân tích, hoạt động xuất khẩu tôm tại các thị trường chính như Mỹ và châu Âu hiện đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột địa chính trị trên toàn thế giới, gần đây nhất là căng thẳng tại Biển Đỏ khi làm tăng chi phí vận chuyển và trì hoãn thời gian giao hàng. Từ đó, đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc lựa chọn giải pháp thay thế phức tạp hơn hoặc tìm kiếm những thị trường gần hơn.
Bên cạnh đó, hồi cuối tháng 3/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh (Warm Frozen Warmwater Shrimp thuộc mã HS: 0306.17, 1605.21 và 1605.29) có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo đó, DOC đã ấn định mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với các doanh nghiệp của Việt Nam như sau: 2,84% đối với 1 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất và cho tất cả các doanh nghiệp còn lại; 196,41% cho 1 doanh nghiệp bị đơn duy nhất không tham gia vụ việc.
Điều này sẽ gây thêm khó khăn cho sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ vốn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm tôm của Ecuador và Ấn Độ khi vừa có giá rẻ, vừa có lợi thế về đường vận chuyển.
Về phía Thực phẩm Sao Ta, để đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm từ Mỹ, công ty đã chuẩn bị tài liệu tốt nhất giải trình cho phía DOC nếu bị yêu cầu. Đồng thời, công ty cũng nộp đơn lên DOC xin làm bị đơn bắt buộc cho vụ kiện chống trợ cấp nhằm tạo an toàn cho công ty và tiếp đoàn kiểm tra của Chính phủ Hoa Kỳ qua kiểm tra Nhà máy Tin An.
Đồng thời, Thực phẩm Sao Ta tập trung khai thác thị trường Nhật Bản, vốn có khoảng cách địa lý gần và ưa chuộng các sản phẩm chế biến vốn là thế mạnh của công ty. Việc chuyển hướng sang khai thác thị trường Nhật Bản giúp Thực phẩm Sao Ta không phải cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador tại thị trường Mỹ và EU.
Thực phẩm Sao Ta hiện là doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam lớn nhất hiện nay tại Nhật Bản.