Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế thế giới thuộc WSA ông Maxino Vedoya cho biết mặc dù nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc trong năm 2021 suy yếu hơn so với dự báo nhưng nhu cầu sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới đã phục hồi mạnh, giúp nhu cầu sử dụng thép toàn cầu trong năm 2021 đã tăng mạnh 2,7% đạt 1,83 tỷ tấn.
Tuy nhiên, ông Maxino Vedoya cảnh báo triển vọng nhu cầu sử dụng thép trong năm 2022 và 2023 hiện “rất không chắc chắn”. Kỳ vọng về sự phục hồi tiếp tục diễn ra và ổn định sau khi thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19 đã bị lung lay bởi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine và tình trạng lạm phát gia tăng mạnh tại nhiều nơi trên thế giới, ông Maxino Vedoya cho biết.
Tổng Giám đốc WSA ông Edwin Basson cho biết “Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép trên thế giới sẽ tăng trở lại kể từ đầu năm 2023 với giả định cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine sẽ kết thúc trong năm nay. Nhưng trong tất cả các dự báo, WSA đều giả định rằng việc sử dụng thép tại Nga và Ukraine sẽ giảm xuống so với những năm trước đây”.
Ông Edwin Basson cũng nhận định thương mại thép của khu vực châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine do ngành sản xuất thép tại châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Các khu vực khác trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều dựa trên mức độ quan hệ thương mại với Nga và Ukraine.
Tại EU và Anh, nhu cầu sử dụng thép trong năm 2022 được WSA dự báo sẽ giảm 1,3% xuống còn 161,5 triệu tấn và sẽ phục hồi tăng trở lại ở mức 4% trong năm 2023. Đối với các nước phát triển khác, nhu cầu về thép vốn đã tăng mạnh 16,5% trong năm 2021 thì nay sẽ chỉ còn dự kiến tăng 1,1% trong năm nay và tăng 2,4% trong năm 2023.
Với các nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, thì tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép sẽ chỉ ở mức thấp 0,5% trong năm nay, đạt 484,4 triệu tấn và có thể sẽ tăng 4,5% trong năm 2023. Trong năm 2021, nhu cầu sử dụng thép tại các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) đã tăng mạnh 10,7%.
WSA nhận định việc Hoa Kỳ siết chặt chính sách tiền tệ, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn, giá năng lượng cũng như nhiều loại hàng hoá tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi, khiến nhu cầu sử dụng thép suy yếu.
Báo cáo Triển vọng Ngắn hạn của WSA nhấn mạnh “Căng thẳng địa chính trị xung quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine để lại những tác động lâu dài đối với ngành công nghiệp thép toàn cầu. Trong đó, dòng chảy thương mại thép và năng lượng toàn cầu có thể sẽ thay đổi, và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục tái định hình”.