Theo đó, dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu mà WTO vừa công bố cao gấp 2 lần mức tăng 2,1% của năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trung bình 5,3% trong 20 năm qua và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6% trước khủng hoảng (giai đoạn từ năm 1990-2008).
WTO tin tưởng triển vọng thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và năm 2015 sẽ khả quan hơn so với các dự báo trước. Theo đó, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ trở lại mức tăng trưởng 5,3% vào năm 2015.
WTO không đưa ra dự báo về tăng trưởng thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, song cho biết kim ngạch xuất khẩu dịch vụ toàn cầu năm 2013 đã tăng 6% lên 4.600 tỷ USD, cao hơn mức tăng 2% năm 2012.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva ở Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo bày tỏ sự tin tưởng rằng, 80% các chính sách bảo hộ được thực hiện từ năm 2008 vẫn đang được áp dụng, nhưng ông bày tỏ hy vọng các chính sách này sẽ được dỡ bỏ khi tăng trưởng kinh tế cải thiện. Đồng thời, ông kêu gọi 158 nền kinh tế thành viên WTO ủng hộ tích cực cho tăng trưởng thương mại thế giới thông qua việc cập nhật các quy định, cũng như đưa ra các thỏa thuận thương mại mới. Ông nhấn mạnh, vòng đàm phán Doha sẽ mang lại nền tảng mạnh mẽ cho thương mại trong tương lai và cú huých mạnh mẽ trong môi trường kinh tế tăng trưởng chậm hiện nay.
Đánh giá về tình hình tăng trưởng năm 2013, WTO cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn yếu do nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới tác động của suy thoái kinh tế của EU vẫn dai dẳng, tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tiếp tục ở mức cao và các bất ổn liên quan đến chính sách tiền tệ lỏng của Mỹ.
WTO ước đoán xuất khẩu của các nền kinh tế phát triển tăng 3,6% trong năm 2013 và của các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), tăng 6,4%; trong khi nhập khẩu của các nước trên tăng lần lượt 3,4% và 6,3%. Lần đầu tiên, báo cáo của WTO nêu rõ chi tiết dự báo về triển vọng thương mại của các khu vực trong năm nay. Dự đoán, châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014 với mức tăng 6,9%, tiếp theo là Bắc Mỹ (4,6%), Nam và Trung Mỹ (4,4%), châu Âu (3,3%) và các khu vực châu Phi, Trung Đông và CIS (3,1%).
Châu Á cũng giữ ngôi đầu về nhập khẩu với mức tăng 6,4%, các khu vực châu Phi, Trung Đông và CIS (5,8%), Nam và Trung Mỹ (4,1%), Bắc Mỹ (3,9%) và châu Âu (3,2%). Mặc dù đang tăng trưởng chậm lại, song kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là động lực lớn đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ về nhập khẩu ở châu Á.