Được biết, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã thành lập các ban hội thẩm để tiếp nhận các khiếu nại của Nga và EU trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai bên liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Đầu năm 2014, Nga đã áp lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ các nước EU, ngay trước thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, đẩy mối quan hệ giữa Moskva và EU xuống mức xấu nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nga khẳng định lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn là cần thiết vì bệnh cúm lợn châu Phi đã gây ra các ca tử vong tại nhiều nước EU, bao gồm cả Ba Lan và Litva.
Trong khi đó, EU cho rằng lệnh cấm của Nga là hoàn toàn không phù hợp, đồng thời cáo buộc Nga từng sử dụng lệnh cấm nhập khẩu như các "công cụ chính trị" cả trước và sau khi nước này gia nhập WTO hồi năm 2012.
Nga từ lâu đã là một thị trường lớn đối với sản phẩm thịt lợn của EU, với sức mua hàng năm lên tới 1,4 tỷ euro (khoảng 1,9 tỷ USD), chiếm 1/4 xuất khẩu thịt lợn của khối. Lệnh cấm của Nga đã khiến ngành xuất khẩu thịt lợn của EU mỗi ngày tổn thất tới 4 triệu euro.
Một tranh chấp thương mại khác giữa Nga và EU cũng đang gây quan ngại cho WTO. Brussels đã yêu cầu WTO đưa ra phán quyết về việc Nga áp đặt "phí tái chế" đối với xe hơi, xe tải, xe bus và một số phương tiện vận tải khác nhập khẩu từ EU.
Khiếu nại thương mại giữa Nga và EU tăng cao trong bối cảnh căng thẳng chính trịgiữa hai bên về vấn đề Ukraine
Một ban hội thẩm khác của WTO sẽ được lập vào ngày 22/7 để quyết định liệu Brussels có vi phạm quy định của WTO hay không khi duy trì thuế "điều chỉnh năng lượng" vốn có hiệu lực từ năm 2002, đối với các nhà sản xuất thép và phân bón của Nga.
Theo quy định hiện hành của WTO, các nước thành viên được áp dụng thêm các loại thuế đối với sản phẩm bán với giá thấp hơn giá thị trường nhằm bảo vệ sản xuất trong nước nhưng phải chứng minh được việc bán phá giá này gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước và không được áp đặt thuế để cản trở doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường.
Dựa theo quy định trên, Nga cho rằng các mức thuế chống bán phá giá được áp dụng là không công bằng, khiến các công ty của Nga không thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu USD/năm. Nga cũng cáo buộc các quy định cải cách thị trường năng lượng của EU gây thiệt hại không nhỏ đối với Tập đoàn khí đốt Gazprom của nước này.
Quá trình giải quyết tranh chấp tại WTO có thể kéo dài trong nhiều năm với một loạt các thủ tục phức tạp.