"Ngọc quý" thành Đông

Cách đây gần 10 năm, trong buổi Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, tôi có dịp làm quen với Kỹ sư Nguyễn Trọ

 

Nhớ lại ngày ấy, khi nói đến việc chống tổn thất trong sử dụng điện thì ai cũng lo ngại vì “đụng chạm” tới nhiều người, thậm chí phải đương đầu với nhiều đối tượng tiêu cực. Thế nhưng, dù ở đâu, trên cương vị là Trưởng Chi nhánh điện huyện Tứ Lộc, hay Giám đốc Điện lực Hải Dương thì kỹ sư Nguyễn Trọng Hữu vẫn được coi là “Dũng sĩ” đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, gian lận trong sử dụng điện. Với các biện pháp của mình, tỷ lệ tổn thất điện trên địa bàn Hải Dương từ những năm 80 của thế kỷ trước ở mức 30-40%, đã giảm xuống 16,7% (năm 1995), đến năm 2000 tổn thất hạ xuống 7% và năm 2008, tỷ lệ tổn thất điện của Công ty Điện lực Hải Dương chỉ còn 5,31% (thấp hơn 4% so với chỉ tiêu toàn Tập đoàn). Hồi đó, khi “cuộc chiến” chống tổn thất đang ở thời điểm cao trào, đã có người khuyên ông, có thiệt thì thiệt Nhà nước, chứ có hại gì đến cá nhân đâu mà hăng hái thế? Nguyễn Trọng Hữu đã không tự ái và trả lời, đấy là việc phải làm vì quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp và cái chính là kiên quyết lập lại trật tự công bằng xã hội. Cách giải thích tưởng như trên sách vở ấy không ngờ lại đúng với cái cốt cách trong con người Nguyễn Trọng Hữu, vì sau này, càng tiếp xúc, tôi càng thấy ông là một trong những tấm gương về sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm xây dựng đơn vị.

Những năm gần đây, khi Điện lực chuyển hoạt động từ đơn vị hạch toán phụ thuộc sang mô hình Công ty TNHH một thành viên, mới thấy tính chất hoạt động của doanh nghiệp độc lập khác hơn rất nhiều, nặng nề và phức tạp hơn. Sản lượng điện và doanh thu ngày càng tăng cao. Nếu như hồi còn là Điện lực, sản lượng điện ở mức 4-500 triệu kWh, tương đương ba, bốn trăm triệu đồng doanh thu, thì đến năm 2008, sản lượng điện đã tăng lên hơn 1,5 tỷ kWh, doanh thu đạt 1.133,3 tỷ đồng. Thế nhưng, như một người lính được tôi luyện, giờ đây được xung trận, bằng kiến thức thu được từ chương trình học cao học, những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn, “Thuyền trưởng” Nguyễn Trọng Hữu đã bộc lộ phẩm chất, bản lĩnh của một nhà quản lý doanh nghiệp khi có những quyết định quan trọng đối với Công ty: Từ việc rà soát định biên, củng cố bộ máy tổ chức, tăng việc nhưng không tăng người; công tác dự báo kế hoạch đầu tư, phát triển lưới điện cho nhiều năm, đầu tư trước mắt và đầu tư lâu dài; vấn đề đào tạo lại, đào tạo nâng cao; việc giáo dục ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ khách hàng của CBCNV; công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; vấn đề giá điện của người dân nông thôn... tất cả được xây dựng thành định hướng chiến lược. Quan điểm kinh doanh của Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu rất rõ ràng khi ông khẳng định, trong hoạt động điện lực có thể độc quyền theo cơ chế nhà nước, nhưng không được cửa quyền trong kinh doanh, phục vụ. Càng không thể làm ngơ trước những khó khăn, thiệt thòi của người dân nông thôn khi không được dùng điện theo đúng giá quy định của Nhà nước. Ông đã chỉ đạo Công ty nhanh chóng triển khai phương án, lập kế hoạch, tham mưu cho các cấp chính quyền Tỉnh tuyên truyền vận động các địa phương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, nhằm mục đích: Nâng cao chất lượng điện áp; có điều kiện đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện; đảm bảo an toàn trong quản lý, sử dụng điện; giảm tỷ lệ tổn thất điện năng; hạ giá thành một kWh điện... Cứ điều gì làm lợi cho dân là ông khuyến khích. Nhận thấy lợi ích thiết thực của chủ trương này, hiện nay, nhân dân nhiều địa phương đã thống nhất tự nguyện bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty Điện lực Hải Dương quản lý.

Nếu ai có dịp tiếp xúc với người đứng đầu Công ty Điện lực Hải Dương sẽ cảm thấy thật dễ gần. Cái chất mộc mạc, giản dị, khiêm tốn nó bộc lộ trong từng lời nói, cử chỉ, trong mỗi quyết định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Làm giám đốc lâu năm, có nhiều cơ hội tính toán, làm giàu, có thể mạnh tay chi tiêu, nhưng với Nguyễn Trọng Hữu thì ngược lại. Tình cờ vào năm 2002, tôi gặp Giám đốc Hữu ở Xí nghiệp Vật liệu cách điện Hải Phòng (Vicadi), khi thấy ông đang chuẩn bị ký hợp đồng mua trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân. Tôi dò hỏi, sao không chọn loại bảo hộ của các hãng nước ngoài? Ông nhỏ nhẹ, đã bao năm nay, nhiều doanh nghiệp ngành Điện dùng các trang bị bảo hộ của Vicadi như ủng, găng tay cao su, mũ bảo hộ, sào cách điện..., có loại như dây da an toàn rẻ gấp 10 lần nước ngoài mà có mấy khi hỏng đâu và cũng chưa có trường hợp nào bị tai nạn do dùng sản phẩm của Xí nghiệp này? Rồi cũng mới đây thôi, khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, phải cải tạo nâng cấp lưới điện, trong đó có việc lắp đặt mới thiết bị đo đếm điện năng, ông Hữu cũng yêu cầu bộ phận chuyên môn mua sản phẩm của EMIC (một doanh nghiệp sản xuất công tơ hàng đầu Việt Nam), hoặc của các cơ sở trong nước, chứ kiên quyết không dùng hàng ngoại nhập, vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh, vừa giúp các doanh nghiệp trong nước tạo việc làm cho người lao động, sao phải dùng ngoại tệ một cách lãng phí? Cái tư tưởng tiết kiệm trong tiêu dùng của người đứng đầu một doanh nghiệp từ ngày ấy đến giờ vẫn thế, chẳng có ý kiến nào trong cơ quan chê ông là keo kiệt cả. 

Từ Giám đốc Điện lực, đến Giám đốc Công ty với bộn bề công việc, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Hữu chỉ có một ước mong, phấn đấu cung cấp đủ điện góp phần làm giàu cho quê hương. Ghi nhận sự đóng góp quan trọng của đơn vị, tháng 4-2009, Chủ tịch Nước đã trao tặng Công ty Điện lực Hải Dương Huân chương Lao động hạng Nhất, riêng Giám đốc Công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt mới đây, Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu đã vinh dự được suy tôn là một trong 100 doanh nhân tiêu biểu toàn quốc (Bìa 1), nhận Cúp Thánh Gióng năm 2008, ông thực sự xứng đáng là viên “Ngọc quý thành Đông”.

                                                                                                                      Nguyễn Đừng