Trong bốn tháng đầu năm nay cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có giải pháp thuộc các cơ quan nhà nước đó là “Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước”.
Cắt giảm đầu tư ?
Kết quả đến tháng 4 này, theo Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: “Đến ngày 7/4/2011 đã có 30 bộ báo cáo kết quả cắt, hoãn khởi công mới 61 dự án với số vốn 243,878 tỷ đồng vốn ngân sách; Các địa phương báo cáo có 592 dự án giảm vốn với số vốn giảm là 1.165 tỷ đồng, 576 dự án ngừng khởi công với số vồn giảm là 1.302,4 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn trái phiếu chính phủ do địa phương quản lý (tính đến ngày 20/3/2011), có 31 dự án giảm vốn, ứng với số vốn giảm là 362 tỷ đồng, 15 dự án ngừng khởi công ứng với số vốn là 146 tỷ đồng. Đối với các dự án thuộc nguồn vốn tín dụng nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổng số dự án đình, hoãn, giãn tiến độ là 655 dự án, tương ứng với số vốn là 25.779 tỷ đồng...”
Sau một tháng thực hiện Nghị quyết 11, vốn đầu tư công được cắt giảm chỉ đạt hơn 1% trong tổng mức 152.000 tỉ đồng chi đầu tư phát triển mà Quốc hội đã phê duyệt trong dự toán ngân sách năm 2011, và 45.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ dự kiến trong năm nay.
Mức cắt giảm đầu tư từ ngân sách, giảm tăng trưởng tín dụng,... có thể tăng lên trong Quý II làm giảm cung tiền vào lưu thông, kiềm chế CPI theo phương thức “không làm giọt nước tràn ly”. Vấn đề cắt giảm chi tiêu công không đơn giản, bởi cần có sự rà roát từng dự án, phải có sự đồng thuận của chủ đầu tư và nhà thầu?
Khu vực tư nhân tích cực tham gia các dự án
Hiện nay vốn trong dân (nhà nước không nắm) ngày càng lớn, đó là dấu hiệu tích cực của các nền kinh tế phát triển. Theo phương thức thị trường thì nhà nước tiếp tục cung vốn cùng với cơ chế chính sách để thu hút vốn trong xã hội vào các loại dự án, hút vốn vào kênh tiết kiệm. Giải pháp này đã và đang được một số chính phủ quan tâm bằng các gói kích thích kinh tế, chấp nhận giảm giá đồng nội tệ để kích thích đầu tư, xuất khẩu, kích tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng và quan trọng nhất là giải quyết việc làm.
Các giải pháp kinh tế kiểu tình thế luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực, song trùng đan xen với các độ trễ khác nhau đòi hỏi sự lồng ghép để tăng tính tích cực, giảm mặt tiêu cực, rút ngắn các “độ trễ”.
Khi vốn ngoài nhà nước ngày càng lớn tạo áp lực không nhỏ lên nền kinh tế bởi nguồn vốn đó không bao giờ dàn đều trong dân, trong doanh nghiệp mà nó ở các nhóm có dấu hiệu “tài phiệt”. Từng có cá nhân mặc cả với ngân hàng về lãi suất khi gửi tiết kiệm cả trăm tỷ đồng, đó là sức mạnh tài chính thực sự. Mặt khác, nguồn vốn trong dân có tính thanh khoán khá cao, giả sử có 0,5 triệu người nắm giữ số vốn có tính thanh khoản cao, bình quân là 2 tỷ đồng/người tức là có 50 tỷ USD “quay cuồng trên thị trường” tạo áp lực không nhỏ đến chỉ số CPI.
Vốn trong dân ngày càng lớn với các số liệu dự đoán như: 1000 tấn vàng (hay 500 tấn?), trên 10 tỷ hay 30 tỷ USD, hoặc vay mua bất động sản là bao nhiêu trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản (riêng TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đã tới 110.000 tỉ đồng), sở hữu các chứng từ có giá như chứng khoán khi (mức vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2010 ước tới 50% GDP), tài sản khác,… Nguồn vốn này đang khát đầu tư phát triển.
Thực tế trên cần những giải pháp dài hạn, căn bản, song hành với giải pháp cắt giảm chi tiêu công, tập trung hóa nguồn vốn. Quan điểm xã hội hóa đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư như sau:
(1). Các dự án công chuyển nhanh sang xã hội hóa đầu tư như xây dựng công sở, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông, văn hóa, xóa đói nghèo,… Tư nhân không muốn làm không chỉ thuần vì không có lợi nhuận trước mắt, mà tư nhân cần có chính sách dài hạn, ổn định cho lợi ích tương lai? Ví dụ, nhà nước giành cho nhà đầu tư tư nhân quyền khai thác những công trình đầu tư một cách trực tiếp và gián tiếp như: các cá nhân có vốn tham gia vào công ty cổ phần đầu tư dự án trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông, văn hóa, xóa đói nghèo, môi trường,... nhà nước cho công ty quyền khai thác như cho thuê sử dụng công trình dài hạn người thụ hưởng phải trả, được khai thác các dịch vụ hợp pháp liên quan đến công trình,...và khu vực lân cận như làm nhà cho thuê, cơ sở dịch vụ,… hoặc đấu thầu cho tư nhân ứng vốn đầu tư được hoàn vốn cộng với lãi dương lớn hơn chỉ số CPI. Theo đó, cần tách quyền sở hữu và sử dụng tài sản, tách chủ đầu tư và người thuê tài sản, tăng tính chuyên môn hóa để mở rộng tính liên kết, hợp tác, thỏa thuận theo quan hệ thị trường.
Với nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay, với cách nhìn dài hạn có tính toán, chắc chắn các nhà đầu tư vào nhà ở xã hội sẽ bảo tồn giá trị tài sản, thu hồi vốn từ cho thuê, bán trả chậm, thuê mua tài chính,... tạo lợi ích xã hội, để lợi ích kinh tế không thua kém việc đầu tư thuần túy trên thị trường vốn!. Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng cần tiếp tục hoàn chỉnh để nhà đầu tư cuốn chiếu các dự án ở khu vực hạ tầng công; có thể đấu thầu cả việc chỉnh trang đô thị theo cơ chế doanh nghiệp được giao đất kinh doanh ngoại thành phải chỉnh trang bảo dưỡng hạ tầng đô thị.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI về “Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011 -2020” nêu rõ vấn đề xã hội hóa đầu tư “đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng”
(2). Thành lập các Quỹ đầu tư đủ mạnh để thu hút vốn trong dân, các Quỹ đó được kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, đặc biệt là những dự án kinh doanh sinh lời cao bù cho sinh lời thấp. Cái thiếu nhất của quỹ đầu tư là nguồn nhân lực quản lý. Đó là những nhân lực có năng lực cao, hóa giải được ách tắc về cơ chế, cải thiện được môi trường đầu tư, thuyết phục đối tác.
(3). Bền vững lâu dài của nhà đầu tư là đưa vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các tài sản, thương hiệu doanh nghiệp, tạo việc làm. Môi trường đầu tư ở Việt Nam ngày càng cải thiện, trong đó đầu tư ra nước ngoài đã và đang được doanh nghiệp quan tâm. Xã hội cần nhiệt huyết của nhà đầu tư, người lao động rất cần việc làm.
(4). Việc rà soát môi trường đầu tư tư nhân cần được tiến hành để khơi thông nguồn vốn trong xã hội (ước tính đến gần 100 tỷ USD). Trong việc khai thông môi trường đầu tư cần chú trọng chuyển tập quán đầu tư “đơn chủ thế” sang “đa chủ thể” theo mô hình áp dụng cho các loại dự án:
Mô hình đầu tư từ A-Z (đơn chủ thể)
1 chủ thể : Sở hữu vốn - mua, tạo tài sản - trực tiếp kinh doanh
Mô hình phân đọan đầu tư (đa chủ thể)
2 chủ thể : (1) Sở hữu vốn và sở hữu tài sản - (2) thuê tài sản kinh doanh
3 chủ thể : (1) Sở hữu vốn - (2) sở hữu tài sản - (3) thuê tài sản kinh doanh,...
Trong mỗi chủ thể có nhiều cổ đông là cá nhân, doanh nghiệp tham gia góp vốn.
- Giảm số dự án chỉ thuần một nguồn vốn. Theo đó, các dự án công sẽ được công khai để tư nhân đầu tư, ví dụ như xây trụ sở cơ quan, làm đường, hạ tầng công cộng,... doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu đáp ứng yêu cầu về kiến trúc, chất lượng, giá cả, giá cho thuê, thời hạn thanh toán,... Dự án xã hội như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cũng mời doanh nghiệp tham gia với ý thức trách nhiệm xã hội cùng với quyền khai thác các lợi ích gia tăng dài hạn của dự án… Ở Hàn Quốc đã có chương trình “ mỗi công ty gắn với một làng- a company, a villa”.
- Các công ty tư vấn đầu tư chủ động tăng cường năng lực quản lý phát triển dự án, cấp chứng chỉ để có nhiều nhà tư vấn độc lập giúp các nhà đầu tư an toàn vốn, sinh lời hợp lí.
- Khuyến khích phát triển doanh nghiệp mới, củng cố doanh nghiệp hiện có, công khai hơn nữa các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, của các doanh nghiệp, chất lượng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến nông,...
Kết luận: Không thiếu vốn trong nước mà thiếu môi trường đầu tư; không thiếu cá nhân có vốn mà thiếu các tổ chức đầu tư hiệu quả để góp vốn; không thiếu công ty tư vấn mà thiếu nhân lực quản lý đầu tư....Giảm được những cái thiếu này thì 100 tỷ USD vốn trong dân, dân doanh trực tiếp tham gia vào phát triển kinh tế- xã hội với nhiều doanh nghiệp, thương hiệu mạnh, tài sản và lợi ích kinh doanh sẽ truyền cho các thế hệ trong gia đình một cách bền vững./.
Xã hội hóa đầu tư cần nhiệt huyết của cá nhân góp vốn, môi trường đầu tư thông thoáng
TCCT
Vốn trong dân ngày càng lớn với các số liệu dự đoán như: 1000 tấn vàng (hay 500 tấn?), trên 10 tỷ hay 30 tỷ USD, hoặc vay mua bất động sản là bao nhiêu trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản (riêng T