Sân chơi công bằng
- Ngày 8/1/2019, tại xã Xuân Thọ 1 (thị xã Sông Cầu), tỉnh Phú Yên đã khởi công xây dựng Nhà máy điện Mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2.
- Ngày 8/4/2019 tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận diễn ra lễ khởi công dự án Nhà máy Điện mặt trời Hacom Solar.
- Ngày 1/6/2019, tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 1.
Các dự án nói trên khác nhau rất xa về công suất thiết kế, quy mô vốn đầu tư, diện tích đất xây dựng, thời gian thi công, thời điểm đấu nối vào lưới điện quốc gia… nhưng cùng một điểm chung: đều có nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.
Với những nhà máy đã đưa vào vận hành cũng tương tự. Tháng 2 năm nay, cụm nhà máy điện mặt trời Srêpôk 1 - Quang Minh có tổng công suất 100 MWp tại huyện Buôn Đôn đã hòa lưới điện quốc gia. Đây là là nhà máy có công suất lớn nhất Tây Nguyên hiện nay do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đại Hải đầu tư. Tháng 4 năm 2019, Ninh Thuận đưa vào vận hành tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam. Với tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt 1 tỷ kWh, được đánh giá là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, do Tập đoàn Trung Nam đầu tư. Trước đó, Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 được đưa vào hoạt động, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu KWh/năm, lớn nhất Việt Nam thời điểm đó, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư…
Cho đến nay có thể khẳng định, nếu không xã hội hóa nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo thì trong thời gian chưa đầy 3 năm không thể hình thành các vùng trọng điểm về năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; cũng không đưa “Việt Nam trở thành cường quốc về điện mặt trời trong thời gian rất ngắn", như ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua.
Tháng 7/2018, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương, Trưởng ban Kinh tế Trung ươngNguyễn Văn Bình, cho rằng với mức tăng trưởng 11-12%, mỗi năm cần ít nhất 10 tỷ USD phát triển các dự án điện, tuy nhiên với tỉ lệ nợ công như hiện nay, rất khó để ngân sách có đủ cho phát triển các dự án điện, nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN, hay TKV. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân. Điển hình như Quyết định 11 đã tạo một sân chơi bình đẳng khi ghi rõ tại điều 2: “Đối tượng áp dụng của Quyết định này gồm các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan”. Tức là mọi thành phần kinh tế đều có thể tiếp cận ngang nhau về nguồn tài nguyên để đầu tư.
Theo tính toán của của Bộ Công Thương, chỉ riêng nhu cầu vốn đầu tư các dự án điện mặt trời và hệ thống truyền tải điện rất lớn, đến 2020 khoảng 6,11 tỉ USD; giai đoạn 2021-2025 cần 10,67 tỷ USD; 2026-2035 cần 25,1 tỷ USD. Sân chơi bình đẳng đã thu hút nhiều nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực này thông qua hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Có thể kể: Ayala Corporation (Philippines) hợp tác với Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam; B.Grimm Power PCL (Thái Lan) hợp tác vớiTập đoàn Xuân Cầu; Quadran International (Pháp) hợp tác với Tập đoàn Trường Thành… Sự tham gia của tư nhân và doanh nghiệp FDI đã giải tỏa được bài toán huy động vốn.
Không chỉ hút vốn xã hội đầu tư vào các nhà máy điện, mới đây Bộ trưởng Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư xã hội hoá một số công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom công suất các dự án điện gió, điện mặt trời từ các chủ đầu tư của những dự án này. Đối với các điểm nút truyền tải quan trọng, sau khi công trình đi vào vận hành, cho phép chủ đầu tư bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành.
Toàn dân… làm điện
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, nhiều hộ gia đình nước ta đã đã trở thành nhà đầu tư vào điện mặt trời.
Nói đúng nghĩa, các hộ dân là những nhà đầu tư thứ cấp. Chủ đầu tư là các doanh nghiệp như Công ty cổ phần năng lượng Mặt trời đỏ (Red Sun), Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), hay EVN… Còn các hộ dân bỏ tiền lắp những tấm pin điện mặt trời trên mái nhà của mình. Việc sử dụng năng lượng được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng; sử dụng hệ thống công tơ (đồng hồ) hai chiều. Cứ mỗi tháng, theo chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ điện năng trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc một năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện (là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) theo giá quy định.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết tính đến nay đã có gần 1.400 khách hàng trên địa bàn TP lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và đăng ký bán lại điện với tổng công suất lắp đặt 16,68 MW. Nếu tính công suất của TP. bằng 1/3 cả nước thì con số toàn quốc điện áp mái khoảng trên 50MW, tương đương với một nhà máy điện mặt trời cỡ trung bình, có tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Số lượng người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện áp mái sẽ còn tiếp tục tăng lên nhanh chóng hơn bởi đầu tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương đã có thông tư 05 sửa đổi bổ xung 1 số điều của Thông tư 16 đã "gỡ vướng" cho mua bán điện, đồng thời EVN mới đây cũng đã có văn bản hướng dẫn cách thức thanh toán tiền điện đối với các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp.
Sự sôi động ấy đến từ Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, một hộ dân đầu tư bộ điện mặt trời công suất 5 kW với tổng chi phí lên đến 180 triệu đồng, khi sử dụng không hết và thường phải “bán” với giá 0 đồng cho EVN. Quyết định của 11 có thể giúp các hộ dân kiếm thêm thu nhập từ “nhà máy điện” trên nóc nhà của mình. Việc thu lại được phần tiền đúng bằng với phần đã đóng góp cho lưới điện là hợp quy luật thị trường và khuyến khích cho điện mặt trời phát triển ngày càng mạnh. Mức giá mới theo Quyết định 11 được phê duyệt 9,35 cent/kWh, cao hơn so với mức giá bình quân 8,1 cent mà EVN bán cho người dân từ 20/3 năm nay giúp các hộ dân đầu tư điện áp mái sẽ có lợi nhuận ổn định. Theo Tổng giám đốc EVNHCMC, lượng điện sản xuất từ các mô hình điện mặt trời phát lên lưới đạt hơn 4 triệu kWh và số tiền ngành điện phải chi trả cho việc mua điện mặt trời hơn 8,5 tỷ đồng. Hơn thế nữa, các hộ gia đình bán điện dưới 100 triệu đồng/năm không phải đóng thuế cũng sẽ góp phần đưa cuộc đua vào điện mặt trời bùng nổ trong thời gian tới.
Không có nhiều ngày nắng như miền Nam, nhưng mới đây EVN Hà Nội cũng đã triển khai mua điện mặt trời áp mái, cung cấp biểu mẫu đăng ký bán Điện mặt trời áp mái cho khách hàng, cùng các thông tin về quy định và điều kiện sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời. Trong khi chờ đợi khách hàng đăng ký, EVN Hà Nội cho lắp đặt hệ thống tại trụ sở và các trạm biến áp tại trụ sở Tổng công ty, Trung tâm sửa chữa điện nóng, Công ty Lưới điện cao thế TP Hà Nội, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, các trạm biến áp 110 - 220kV.... Qua thực tế, EVN Hà Nội ghi nhận điệnáp mái đã góp phần giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội.
Quyết định 11 cho phép hộ dân bán lại lượng điện dư thừa, đã khiến chủ đầu tư (các doanh nghiệp) và các nhà đầu tư thứ cấp (hộ dân) sôi động hơn. Các chuyên gia lĩnh vực điện mặt trời cho biết, hiện rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào điện áp mái như: Hàn Quốc, Thái Lan, Đức... với quy mô mỗi dự án 30 - 100 MWp.