Chia sẻ với Tạp chí Công Thương, bà Nguyễn Thị Minh Hải - Trưởng ban Phát triển bền vững Công ty CP - Tổng công ty may Bắc Giang (LGG) cho biết, là doanh nghiệp may xuất khẩu chủ yếu tới các thị trường lớn có tiêu chuẩn khắt khe như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… LLG đã có những hoạt động hiệu quả trong chuyển đổi xanh, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, đặc biệt Công ty đã sớm xây dựng các tiêu chí và được cấp chứng chỉ “Nhà máy xanh”.
Cũng giống như các doanh nghiệp dệt may khác, LGG cũng nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, và những tiêu chuẩn xanh hóa của các khách hàng nhập khẩu thì đặt ra ngày càng chặt chẽ hơn, từ đó đòi hỏi mức độ nhận diện, ngăn chặn cũng như giảm thiểu và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội ngày càng cao.
“Xu hướng “xanh hóa” trở nên tất yếu đối với tất cả các khâu, cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may.” - bà Nguyễn Thị Minh Hải nhấn mạnh.
Tại LGG, ngay từ đầu Ban Lãnh đạo đã xác định LGG - Leading in Green Garment, xác định doanh nghiệp tiên phong trong vấn đề xanh hóa cũng như phát triển bền vững và khi tham gia vào trong chuỗi cung ứng dệt may với yêu cầu xanh hóa như vậy thì doanh nghiệp cũng xác định sẽ có những thách thức, khó khăn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng coi đây là cơ hội để tiếp cận với chuỗi sản xuất minh bạch hơn, tiếp cận và tăng cường mối quan hệ hợp tác với chuỗi sản xuất xanh, đồng thời có cơ hội tiếp cận với các phương thức sản xuất tiên tiến, với công nghệ tốt hơn, sử dụng các nguồn năng lượng sạch đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Tại LGG, ngay từ rất sớm, khi xây dựng những nhà máy, những dự án mới thì Ban lãnh đạo cũng đã tập trung vào đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và đến thời điểm hiện tại với số công suất nguồn điện năng lượng mặt trời cung cấp thì có thể đáp ứng vào những tháng cao điểm khoảng 40% lượng điện tiêu thụ của toàn nhà máy.
Ngoài ra, tại LGG cũng có sử dụng những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, ví dụ như chuyển toàn bộ hệ thống đèn huỳnh quang trước đây sang hệ thống đèn LED hoặc có những chính sách về tiết kiệm năng lượng để phổ biến cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên.
Bên cạnh đó, cũng áp dụng những chính sách về chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như trước đây sử dụng lò hơi đốt than thì đó là sử dụng năng lượng hóa thạch, số lượng khí phát thải ra ngoài cao hơn thì bây giờ đã chuyển sang sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sạch biomass sử dụng các hóa chất thân thiện hơn với môi trường và đảm bảo an toàn cho người lao động.
Trong hệ thống xử lý nước thải của nhà máy cũng được đảm bảo, nước thải đầu ra có thể tái sử dụng cho việc trồng cây hoặc là nuôi cá.
Nhà máy cũng chú trọng việc đánh giá những chứng chỉ về tái chế toàn cầu, chứng chỉ về sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc chứng chỉ lông vũ có trách nhiệm và rất nhiều chứng về trách nhiệm xã hội khác mà khách hàng yêu cầu trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng và hàng loạt những hoạt động về nâng cao nhận thức của người lao động.
Khi tham gia vào chuỗi cung ứng xanh cũng như thực hiện những hoạt động về phát triển xanh, phát triển bền vững thì lợi ích đầu tiên chúng tôi nhận thấy đó là daonh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ngoài ra còn nâng cao được mức độ nhận diện của doanh nghiệp đối với khách hàng, vị thế của doanh nghiệp cũng được cải thiện, năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác cũng được khách hàng đánh giá cao.
Không chỉ có vậy, trong quá trình mà thực hiện các hoạt động xanh và bảo vệ môi trường thì cũng tạo được lòng tin của chính những người lao động và cộng đồng địa phương xung quanh.
Có thể thấy, vấn đề xanh hóa là xu thế tất yếu. Chính vì vậy mà ngay từ đầu LLG đã đón nhận xu thế đó với tâm thế khá là chủ động. Ban Lãnh đạo công ty cũng đã thành lập Ban phát triển bền vững từ rất sớm để không chỉ tiếp nhận những thông tin từ Chính phủ, từ khách hàng một cách bị động mà Ban phát triển bền vững sẽ chủ động để tìm hiểu về những tiêu chuẩn xanh, về những quy định của Nhà nước, về các cơ chế cũng như là tiêu chuẩn mà khách hàng đưa ra.
Đó cũng là một lời khẳng định với khách hàng, cho cam kết của doanh nghiệp đối với mục tiêu hướng đến xanh hóa và bền vững. Điều đó cũng một phần giúp khách hàng nhìn nhận doanh nghiệp dưới một góc nhìn rất mới. Ngoài ra thì trong quá trình tiếp thực hiện những mục tiêu về xanh hóa và bền vững thì doanh nghiệp chúng tôi cũng gặp một số những cái khó khăn, thách thức.
Khó khăn đầu tiên là nguồn vốn, như anh chị cũng đã biết, nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục phát triển xanh đòi hỏi nguồn vốn rất nhiều, ví dụ như hệ thống năng lượng mặt trời, hoặc hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế thì đều cấn nguồn vốn rất lớn.
Khó khăn thứ 2 là trình độ kỹ thuật cũng như năng lực công nghệ của lao động người Việt thì còn hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện gió thì vẫn cần sự hỗ trợ của cơ quann nhà nước để đào tạo về nguồn nhân lực.
Khó khăn thứ 3 là hướng dẫn và bước đi cụ thể của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp có những lộ trình rõ ràng trong thực hiện mục tiêu xanh.
Ngoài những thách thức kể trên thì doanh nghiệp cũng có những thuận lợi.
Thuận lợi đầu tiên là khi đưa ra mục tiêu về cam kết xanh, doanh nghiệp cũng được tiếp cận với một chuỗi sản xuất minh bạch và tăng cường mỗi quan hệ giao lưu, hợp tác trong chuỗi sản xuất xanh của các nhà cung ứng dệt may toàn cầu.
Thứ hai là khi tham gia vào hoạt động này thì doanh nghiệp cũng được tiếp cận với những phương thức sản xuất mới, đặc biệt là những công nghệ mới. Đối với ngành dệt may Việt Nam là ngành thâm dụng khá nhiều lao động và nếu mà chúng ta tiếp cận với mục tiêu giảm phát thải, tức là làm thế nào để chúng ta sử dụng tiết kiệm năng lượng nhất thì những dây chuyền mới, những máy móc thiết bị mới, thời điểm gần đây cũng đã có rất là nhiều bước phát triển đáng kể giúp cho các doanh nghiệp dệt may có thể áp dụng vào trong sản xuất và thực hiện mục tiêu xanh hóa của mình.