Xây dựng cơ chế phát triển địa phương nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp

Hải Phòng định hướng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có vai trò dẫn dắt và đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và có chuyển giao công nghệ.
Toạ đàm “Tạo lực hút cho cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò của địa phương”
Toạ đàm “Tạo lực hút cho cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò của địa phương”

Chia sẻ tại Toạ đàm “Tạo lực hút cho cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò của địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cho biết, về thu hút công nghiệp, chúng tôi sẽ định hướng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có vai trò dẫn dắt và đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và có chuyển giao công nghệ. Với những nội dung này, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước trong các lĩnh vực về chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực,…

Bên cạnh những giải pháp của Thành phố thì cũng chúng tôi cũng đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ số nội dung cụ thể như:

Một là, nghiên cứu đề xuất cùng với Hải Phòng thành lập ra một trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố.

Hai là, chúng tôi trong quá trình quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng đang có những định hướng về phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hoặc các cụm liên kết ngành hoặc cụm công nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Vậy mong là trong các luật mà Bộ Công Thương đang tham mưu ban hành như lãnh đạo Cục Công nghiệp đã chia sẻ có thể tham mưu một số cơ chế chính sách cho các cụm liên kết ngành, cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. - ông Lê Khắc Bảo bày tỏ.

Ba là, có thêm một số chính sách về việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực để hỗ trợ cho Thành phố. Vì thực ra Hải Phòng về cơ bản là đến giai đoạn tới thì sẽ thiếu nguồn lực về con người. Vừa qua thành phố cũng đã chủ động ban hành các chính sách, xây dựng các nhà ở xã hội để thu hút được lao động, nhưng thực tế với sự phát triển như hiện nay thì trong tương lai gần cũng mong muốn có thêm một số cơ chế từ Trung ương để hỗ trợ thêm về nguồn lực.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam

Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, từ góc nhìn một doanh nghiệp là đơn vị sản xuất sản phẩm tiêu dùng là ô tô, mà như chị biết thì ô tô có gần 30.000 linh kiện khác nhau, sẽ dễ ở chỗ có rất nhiều lựa chọn để các nhà cung ứng có thể làm, nhưng ngược lại cũng rất khó ở góc độ là chọn được linh kiện nào phù hợp với năng lực cạnh tranh của mình, đặc biệt trong một môi trường thế giới ngày càng phẳng hơn, các rào cản thương mại đang dần được dỡ bỏ, thì sự cạnh tranh không chỉ là giữa trong nước với nhau mà còn là từ cạnh tranh từ các nhà cung ứng của nước ngoài nữa.

Trước bối cảnh đó, chúng tôi cũng nhìn nhận lại và thấy rằng các chính sách nền, hỗ trợ những yếu tố nền tảng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thì đã có, như là ông Tuấn Anh lúc nãy cũng có chia sẻ, từ Nghị định số 111/2015/NĐ-CP đã phát huy tác dụng, hay như Nghị định 125/2017/NĐ-CP đối với ngành công nghiệp ô tô thì cũng đã có những phần nói về việc hỗ trợ hoàn thuế nhập khẩu đầu vào cho các nhà cung ứng cấp một. Như vậy, đã có những chính sách để hỗ trợ cho các nhà sản xuất có thể nâng cao được năng lực cung ứng của mình.

Tuy nhiên, ở đây tôi xin được đóng góp thêm một ý kiến nữa, đó là đối với công nghiệp hỗ trợ thì đầu ra cũng phải được đảm bảo. Sau khi có được năng lực rồi, thì doanh nghiệp cần có được đầu ra. Vậy làm thế nào để khơi thông được đầu ra cho công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước, cụ thể là ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, cũng như là cơ hội để xuất khẩu sản phẩm phụ trợ ra nước ngoài.

Việc khơi thông yếu tố đầu ra này nhiều khi lại nằm ở các chính sách liên quan đến tạo lập thị trường. Ví dụ đối với ngành ô tô thì cần phải điều chỉnh những chính sách liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt hay lệ phí trước bạ. Còn đối với thị trường xuất khẩu thì cũng phải khơi thông được thông qua những biện pháp tìm kiếm, đánh giá và phát hiện ra những cơ hội xuất khẩu tại nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh là sản phẩm nào thì cần đánh giá, phát hiện cơ hội, và qua đó có thể các doanh nghiệp trong nước sau khi đứng vững tại thị trường trong nước thì cũng có cơ hội để xuất khẩu được.

Chúng tôi được biết là rất nhiều nhà cung ứng mà chúng tôi đã hợp tác cũng là thành viên của VASI, thì đấy cũng có thể là một kênh để có những tư vấn đánh giá, ví dụ như là phải tuân thủ những quy định hiện tại, những quy định tối thiểu về ISO, những quy định đối với chuyên ngành, ví dụ ngành ô tô là 16949.

Thế còn theo một xu thế mới nữa mà bây giờ quốc tế người ta cũng đang rất quan tâm, đó là việc chuyển đổi xanh. Các quy định về vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo hay là các dán nhãn để biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng là yếu tố rất quan trọng để có thể khơi thông được đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Nói thêm một chút về ngành ô tô, thì đặc thù của nó là sản lượng, quy mô thị trường của ngành ô tô tại Việt Nam hiện tại còn đang khiêm tốn so với các thị trường của các nước khác trong khu vực. Vậy nên một nhà cung ứng, khi người ta có một cơ hội, một thị trường lớn ở những nước khác thì vô hình chung họ đã được một lợi thế sẵn có ở khi họ làm ở nước ngoài rồi. Họ có thể hạ giá thành, tận dụng yếu tố lợi thế về quy mô… Bởi vậy nếu Việt Nam cũng làm thế nào để thu hẹp được khoảng cách đó thông qua những chính sách như là tạo lập thị trường cho ngành ô tô, thì ngành ô tô phát triển được thì tự nhiên ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô cũng sẽ phát triển theo.