1. Về cơ cấu công nghiệp quốc phòng
Trong thời gian dài (trước đổi mới), nền CNQP nước ta có xu hướng chuyên môn hóa cao, kết hợp với chuẩn bị động viên công nghiệp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tình huống chiến tranh. Tuy được hình thành trong nền kinh tế, nhưng những cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ chủ yếu của CNQP lại nhờ sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em, tạo nên tính đặc thù cao, có thời kỳ đã vượt xa tiềm lực công nghiệp dân dụng của đất nước. Điều này thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến chống xâm lược, nhưng cũng làm cho sự hòa nhập của CNQP với công nghiệp dân sinh có những khó khăn về sau.
Sau 20 năm đổi mới, CNQP đã có những bước tiến quan trọng đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ tăng cường quốc phòng an ninh (QPAN) bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, nền CNQP nước ta hiện nay vẫn đang trong tình trạng tương đối khép kín, với cơ cấu gồm hai thành phần rõ rệt: một là, các xí nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý; hai là, một bộ phận năng lực sản xuất, sản phẩm, công trình và dịch vụ của khu vực công nghiệp dân sinh được chuẩn bị sẵn sàng động viên phục vụ các tình huống chiến tranh nếu xảy ra. Có thể nói, vì nhiều lý do, nền CNQP nước ta vẫn đứng trước hai nguy cơ và thách thức lớn, đó là sự tụt hậu không chỉ so với CNQP các nước xung quanh, mà còn tụt hậu so với cả công nghiệp dân sinh trong nước; khả năng và điều kiện để bắt nhịp với sự phát triển của kinh tế quân sự tri thức đang diễn ra trên thế giới là rất hạn chế.
Trong giai đoạn mới, tình hình trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục có nhiều thay đổi, đã đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải đổi mới tư duy về phát triển cơ cấu CNQP. Ngày nay, CNQP không chỉ là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, với ý nghĩa là một bộ phận của kinh tế quân sự và chỉ bao gồm các xí nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ quân sự như trước đây, mà nó còn bao gồm cả một bộ phận năng lực CNQP to lớn nằm trong các doanh nghiệp dân dụng thuộc mọi thành phần kinh tế.
Chức năng của CNQP không chỉ sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và vật tư, trang bị hậu cần cho lực lượng vũ trang đáp ứng nhu cầu thời bình và thời chiến, mà còn đáp ứng nhu cầu của nhiệm vụ xây dựng vào bảo vệ tổ quốc nói chung. Để đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới cần phải được hiểu rõ hơn cơ cấu mới của CNQP, đó là:
- CNQP nòng cốt bao gồm toàn bộ những ngành, những lĩnh vực (theo nghĩa hẹp) then chốt nhất của CNQP, khoa học công nghệ quân sự có liên quan trực tiếp đến bí mật quốc gia; là nơi đáp ứng kịp thời những nhu cầu nhạy cảm của các tình huống đấu tranh chiến lược trên lĩnh vực QPAN và khi nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra và cũng là nơi đầu tiên mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng. CNQP nòng cốt còn có vai trò là trung tâm chuyển giao công nghệ quốc phòng mở rộng sang khu vực công nghiệp dân dụng khi cần thiết. Do đó, CNQP nòng cốt thường duy trì ở mức độ hợp lý, trong giai đoạn đầu quy mô có thể còn lớn, nhưng càng về sau có thể giảm dần, tùy theo mức độ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp quốc gia cho phép.
- CNQP mở rộng bao gồm toàn bộ năng lực của công nghiệp dân dụng có thể tham gia sản xuất hàng quốc phòng theo đơn đặt hàng của Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng và xuất khẩu hàng quốc phòng theo đơn đặt hàng của nước ngoài được Nhà nước cho phép. Những bộ phận CNQP mở rộng được hình thành nhờ chuyển giao công nghệ từ các xí nghiệp doanh nghiệp CNQP nòng cốt, mà có. Quy mô của CNQP mở rộng phụ thuộc vào cung và cầu sản phẩm, công trình, dịch vụ quốc phòng của thị trường trong và ngoài nước, phụ thuộc vào sự ổn định của môi trường khu vực và quốc tế.
- CNQP động viên bao gồm toàn bộ năng lực sản xuất và dịch vụ của ngành công nghiệp dân dụng có thể đáp ứng nhu cầu của các tình huống chiến tranh nếu xảy ra, nằm trong quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị động viên cho chiến tranh bảo vệ tổ quốc XHCN. Quy mô của thành phần này phụ thuộc vào điều lệ chuẩn bị động viên công nghiệp, các phương án chuẩn bị động viên công nghiệp và cấp độ của lệnh động viên công nghiệp (động viên cục bộ hay tổng động viên).
Ba thành phần nêu trên hình thành cơ cấu CNQP quốc gia của mối quan hệ hữu cơ, có thể chuyển hóa cho nhau trong quá trình vận động, phát triển. Quan hệ tỷ lệ giữa các thành phần là quan hệ “động”, phụ thuộc vào nhiều nhân tố: kinh tế, chính trị – xã hội, khoa học – công nghệ, môi trường quốc tế và khu vực… trong đó, nhân tố hàng đầu có vai trò tri phối là kinh tế quân sự tri thức, nghĩa là hàm lượng trí thức trong sản phẩm và dịch vụ quốc phòng càng tăng thì quy mô CNQP có thể càng giảm, theo đó, quan hệ tỷ lệ của ba thành phần hình thành cơ cấu cũng thay đổi.
2. Về cơ chế quản lý CNQP.
CNQP quốc gia đặt “dưới sự chỉ đạo, quản lý điều hành trực tiếp của Chính phủ”. Đây là quan điểm mới của Đảng ta thể hiện trong Văn kiện Đại hội X, là cơ sở quan trọng, quyết định để đổi mới cơ chế quản lý CNQP trong giai đoạn mới. Chúng ta biết rằng, một trong những vấn đề còn tồn đọng lâu dài là cơ chế quản lý, nhất là quản lý vĩ mô đối với nền CNQP quốc gia. Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, sự nghiệp đổi mới cũng đã hơn 20 năm, nhưng cơ chế quản lý CNQP theo mô hình thời chiến vẫn tồn tại. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều ý kiến đề xuất, nhưng chúng ta vẫn chưa thể đổi mới cơ bản về cơ chế quản lý do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó phải kể đến là chúng ta chưa có một chiến lược quốc gia hoàn chỉnh về phát triển CNQP.
Trong thời gian khá dài, cơ chế quản lý CNQP của chúng ta vẫn là quản lý theo ngành. Bộ Quốc phòng với tư cách là bộ chủ quản đã quản lý toàn bộ các cơ sở CNQP nòng cốt, theo phương thức khép kín. Việc quan hệ với các ngành công nghiệp quốc gia vẫn bị hạn chế bởi rào cản kinh tế và bí mật quân sự; quản lý theo vùng lãnh thổ vẫn chưa được thể hiện. Nghị định 119/CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 là Nghị định mới nhất về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương, gồm: 7 chương, 22 điều, nhưng không có điều nào đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với CNQP. Trong 6 nhiệm vụ đối với các bộ, ngành và 7 nhiệm vụ đối với các địa phương, mục 2 điều 4, và mục 3 điều 5 chỉ đề cập đến công tác chuẩn bị và thực hiện động viên các nguồn lực của nền kinh tế khi tình hình đòi hỏi. Điều đó chứng tỏ rằng, cơ chế quản lý CNQP là cơ chế khép kín, chuyên môn hóa cao, tạo nên nhận thức CNQP là của Bộ Quốc phòng, cán bộ, ngành khác chỉ là các bên đối tác khi có nhu cầu… điều đó không còn phù hợp với tình hình mới khi CNQP có chức năng bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho toàn dân bảo vệ tổ quốc cả trong đấu tranh thời bình và trong các tình huống chiến tranh, nhất là trong chiến tranh, khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Do đó, cơ chế quản lý CNQP phải là cơ chế phù hợp với cơ cấu CNQP trong thời kỳ mới, tức là quản lý theo hệ thống liên ngành công nghiệp quốc gia. Chính phủ trực tiếp điều hành hoạt động của CNQP, Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp làm chức năng tư vấn. Theo chúng tôi, chúng ta có thể hình thành cơ chế: Chính phủ trực tiếp quản lý, điều hành toàn bộ các thành phần tạo nên cơ cấu CNQP. Bộ Công nghiệp tổ chức thực hiện, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất và dự báo nhu cầu và đặt hàng theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.
3. Về hiện đại hóa CNQP.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng đã xác định phải “đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại” để phát triển CNQP, đó là định hướng rất cơ bản phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; từng bước hiện đại hóa trang bị cho quân đội, công an và xu hướng của CNQP tri thức trên thế giới. Trong quá trình đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến những vấn đề rất cơ bản là:
- Sớm cụ thể hóa việc mở rộng phạm vi bảo đảm những sản phẩm, công trình, dịch vụ quân sự – quốc phòng cho các đối tượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bội đội biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng dự bị động viên, cảnh sát, an toàn, dân quân tự vệ, an ninh nhân dân, phòng thủ dân sự và các lực lượng khác có liên quan đến bảo vệ tổ quốc.
- Đầu tư thỏa đáng cho thành phần CNQP nòng cốt, đột phá vào một số lĩnh vực sản phẩm mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phòng tránh, đánh trả vũ khí công nghệ cao trong chống chiến tranh kiểu mới của địch.
- Đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu các sản phẩm, công trình, dịch vụ quân sự - quốc phòng, phục vụ cho các lực lượng bảo vệ tổ quốc bằng các phương thức phi vũ trang, phòng tránh và phòng thủ dân sự.
- Chuẩn bị tốt những tiền đề để CNQP hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào nền công nghiệp quốc gia, dưới sự quản lý của Nhà nước. Bộ Quốc phòng thể hiện nhu cầu bằng phương thức đặt hàng, chuẩn bị động viên công nghiệp và chuyển giao công nghệ quân sự – quốc phòng cho công nghiệp quốc gia.
Sớm xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về CNQP quốc gia phù hợp với chiến lược bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.
4. Về lưỡng dụng hóa CNQP.
Chúng ta biết rằng, kể từ khi xuất hiện cuộc cách mạng khoa học – công nghệ mới thì khoa học – công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, theo đó khoa học – công nghệ quân sự cũng trở thành lực lượng chiến đấu trực tiếp, xu hướng chuyên môn CNQP đã trở xu hướng “lưỡng dụng” hóa CNQP. Điều này được quy định bởi một số nhân tố: Một là, nhu cầu vật chất của chiến tranh hiện đại – chiến tranh công nghệ cao đã vượt xa khả năng đáp ứng nhu cầu của CNQP được chuyên môn hóa, mà phần lớn nhu cầu đó phải dựa vào nguồn động viên cục bộ hay tổng động viên của toàn bộ nền công nghiệp quốc gia mà có. Hai là, ngay sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, mặc dù mâu thuẫn cơ bản tạo thành tính chất của thời đại quá độ từ CNTB sang CNXH vẫn tồn tại và phát triển, cuộc đấu tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt, nhưng cũng xuất hiện xu thế “hòa dịu”, “hòa hoãn”, nên các nước đều có sự điều chỉnh chiến lược của mình, nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới, tranh thủ tối đa nguồn lực để phát triển kinh tế đã làm cho quan điểm “lưỡng dụng” như có thêm chất xúc tác mới; Ba là, xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa đời sống kinh tế cùng với chính sách đa phương hóa quan hệ kinh tế, đa dụng hóa sản phẩm nhờ áp dụng công nghệ cao… cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà hoạch định chiến lược phát triển quốc gia các nước, không thể không tính đến hiệu quả của việc cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có việc giải quyết mối quan hệ giữa CNQP với công nghiệp dân dụng theo hướng “lưỡng dụng” hóa để có lợi nhất cho nền công nghiệp quốc gia và nền kinh tế.
ở nước ta, để thực hiện chủ trương “lưỡng dụng” hóa như được nêu trong Văn kiện Đại hội X của Đảng, chúng ta cần phải quan tâm đến một số vấn đề rất cơ bản:
Một là, từng bước hòa nhập CNQP vào nền công nghiệp quốc gia. Về mặt nhận thức, cần phải khẳng định CNQP là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, nhưng nó không tồn tại biệt lập mà tồn tại dưới hình thức đan xen giữa CNQP và công nghiệp dân dụng. Sự phân biệt chỉ thể hiện ra khi thực hành sản xuất, chế tạo hoặc tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng. Sự đan xen đó là yêu cầu khách quan, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và đấu tranh QPAN trong thời kỳ mới. Về mặt thực tiễn, cần phải đánh giá lại khả năng “lưỡng dụng” của cả CNQP và công nghiệp dân dụng, trước hết là những ngành, lĩnh vực có sự gần nhau về công nghệ chế tạo và kiểu dáng công nghiệp, trên cơ sở đó mà xác định tiến trình và phương thức chuyển giao công nghệ cho nhau giữa các loại hình doanh nghiệp.
Hai là, phân chia giai đoạn chuyển giao công nghệ. Giai đoạn một, bao gồm nhóm công nghệ sản xuất, sửa chữa những sản phẩm quốc phòng có công nghệ gần với công nghệ sản xuất, sửa chữa hàng dân dụng. Giai đoạn hai, cùng với sự tiến bộ của quá trình CNH, HĐH đất nước, tiếp tục chuyển giao công nghệ ở nhóm công nghệ hiện đại, có độ phức tạp cao hơn cần phải có sự đầu tư và chuẩn bị đầy đủ hơn. Như vậy, quá trình “lưỡng dụng” hóa CNQP và hội nhập CNQP vào công nghiệp quốc gia có thể diễn ra trong thời gian 10 đến 15 năm. Điều quan trọng nhất của tiến trình “lưỡng dụng” hóa và đưa quan điểm của Đại hội X của Đảng về phát triển CNQP vào cuộc sống là phải triển khai đồng thời 4 nội dung đổi mới, trong đó việc xây dựng chiến lược phát triển CNQP quốc gia cần phải đi trước một bước. Đó là một số nghiên cứu bước đầu góp phần quán triệt Nghị quyết Đại hội X của Đảng, mong được chia sẻ với các độc giả có cùng sự quan tâm.