Xây dựng Coteccons (CTD): Lãi ròng tăng gấp 4 lần, lấy lại vị thế nhà thầu xây dựng lớn nhất

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD) đang dần lấy lại vị thế nhà thầu xây dựng lớn nhất cả nước với mức lãi ròng niên độ tài chính 2023 - 2024 tăng gấp 4 lần niên độ trước.
Xây dựng Coteccons
Xây dựng Coteccons đang dần trở lại vị thế dẫn đầu ngành như đã từng đạt được trong quá khứ.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7/2023 - 30/6/2024) với doanh thu thuần đạt 6.595 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất 18 quý trở lại đây của nhà thầu xây dựng này.

Bóc tách dữ liệu cho thấy, doanh thu từ hợp đồng xây dựng tiếp tục đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu quý 4 của Xây dựng Coteccons, đạt 6.583 tỷ đồng, tăng tới 83% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các loại chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Xây dựng Coteccons thu về 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 97% so với cùng kỳ của niên độ trước.

Tính chung cả niên độ tài chính 2023 - 2024, Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với niên độ trước và đạt mức cao nhất 4 năm qua. Lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, tăng 343% so với kết quả đạt được trong niên độ 2022 - 2023.

Qua đó, hoàn thành 105% mục tiêu doanh thu và 104% mục tiêu lợi nhuận cả niên độ theo kế hoạch kinh doanh mới được công ty điều chỉnh hồi cuối tháng 4/2024.

Đáng chú ý, về giá trị gói thầu, Xây dựng Coteccons đã ký mới được hơn 15.000 tỷ đồng lượng backlog mới trong 8 tháng đầu niên độ tài chính 2023 - 2024. Theo ước tính mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt, từ tháng 3 đến tháng 5/2024, Xây dựng Coteccons có thể đã ký được thêm hơn 5.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng, nâng lượng backlog ký mới lên hơn 20.000 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu CTD Xây dựng Coteccons
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Xây dựng Coteccons (CTD) thi công nhà máy của VinFast tại nước ngoài, ước tính có thêm 5.000 tỷ đồng backlog" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Qua đó, dần cho thấy Xây dựng Coteccons đang dần trở lại vị thế dẫn đầu ngành như đã từng đạt được trong quá khứ, nhất là trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản mới chỉ dần phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023.

Về triển vọng kinh doanh của Xây dựng Coteccons trong thời gian tới, một số tổ chức kỳ vọng doanh nghiệp xây dựng này có thể giành được các hợp đồng xây dựng khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhờ sở hữu lợi thế là doanh nghiệp quy mô đầu ngành, là số ít đơn vị áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG và có khả năng thi công công trình đạt chứng chỉ LEED (chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh).

Thời gian qua, Xây dựng Coteccons đã nhận được nhiều hợp đồng xây dựng cho đối tác nước ngoài như LEGO tại Bình Dương, Suntory Pepsico tại Long An hay mới đây là nhà máy của Pandora cũng tại Bình Dương.

Tại thị trường quốc tế, theo Chứng khoán Rồng Việt, Xây dựng Coteccons đang thi công cho một số dự án nhà xưởng tại Ấn Độ và Indonesia do hãng xe điện VinFast làm chủ đầu tư và đang nghiên cứu đấu thầu một số dự án khác ở thị trường quốc tế.

Duy Quang