Xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại

Để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hạ tầng cung cấp điện phải là một trong bốn lĩnh vực trọng tâm cần tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ.
EVNNPT
EVNNPT đã xây dựng hệ thống truyền tải điện đồng bộ, hiện đại

Lưới điện truyền tải của Việt Nam ban đầu chỉ có vài đường dây 30,5kV riêng lẻ nhằm cung cấp điện cho một số hoạt động phục vụ việc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Vượt qua nhiều thách thức, khó khăn cùng lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc; hệ thống truyền tải điện quốc gia của Việt Nam đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành trục xương sống của hệ thống điện Việt Nam, từng bước kết nối với lưới điện các nước trong khu vực, góp phần cùng ngành Điện đáp ứng nhu cầu cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tạo nên hệ thống truyền tải đồng bộ

Một trong những mốc quan trọng trong quá trình hình thành lưới truyền tải điện Việt Nam là sự xuất hiện đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam mạch 1. Ngày 27-5-1994 đã đi vào lịch sử ngành Điện nói riêng và cả nước nói chung khi đường dây 500kV Bắc - Nam đầu tiên chính thức đóng điện đi vào hoạt động. Sự kiện này ngoài mục đích đưa dòng điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, khắc phục tình trạng dư thừa công suất nguồn điện ở miền Bắc và thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, khai thác hiệu quả Nhà máy thủy điện Hòa Bình và tài nguyên năng lượng trong cả nước. Ý nghĩa quan trọng đặc biệt của đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 là chính thức tạo nên một hệ thống điện quốc gia thống nhất trong toàn quốc.

Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã phát huy vai trò to lớn trong việc truyền tải điện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là công trình mang lại hiệu quả cao nhất trên tổng số vốn đầu tư của ngành và mở ra thời kỳ hiện đại hóa ngành Điện, đồng thời, đặt nền móng khởi đầu về hạ tầng kỹ thuật thống nhất cho hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ngày 1-7-2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới truyền tải điện từ cấp điện áp 220kV trở lên. Đây là thời điểm khởi đầu cho việc thống nhất về mặt tổ chức trong lĩnh vực truyền tải điện tại Việt Nam.

EVNNPT
Hệ thống truyền tải điện Việt Nam đã vươn tới tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước và kết nối với các nước trong khu vực

Trong 15 năm qua, EVNNPT đã tập trung đầu tư xây dựng hàng trăm công trình truyền tải điện 500kV và 220kV, tạo nên một hệ thống truyền tải điện quốc gia rộng khắp và hoàn chỉnh trên phạm vi cả nước; góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

EVNNPT đã hoàn thành đóng điện nhiều công trình trạm và đường dây 500kV, tạo thành hệ thống lưới điện 500kV đấu nối các nhà máy/trung tâm điện lực lớn như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Vũng Áng, Ô Môn, Nhơn Trạch, Duyên Hải, Vĩnh Tân, Vân Phong… vào hệ thống điện quốc gia, hình thành các mạch vòng 500kV ở phía Bắc và phía Nam, đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm kinh tế, như mạch vòng 500kV: Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè - Phú Mỹ; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình - Sơn La. Đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1 và 2) đã được đầu tư nâng dung lượng tụ bù dọc để tăng khả năng tải lên tới 2.300MW. Đặc biệt, dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và các dự án đường dây 500kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku2) được hoàn thành đóng điện đã chính thức hình thành nên mạch 3 của đường dây 500kV Bắc - Nam, giúp nâng cao năng lực truyền tải Bắc - Trung - Nam.

Cùng với phát triển lưới điện 500kV, EVNNPT tập trung đầu tư xây dựng lưới điện 220kV, đưa vào vận hành phục vụ cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã lưới điện truyền tải đảm bảo tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với các đường dây mua điện Trung Quốc đã được xây dựng trước năm 2008; trong các năm qua, EVN/EVNNPT đã và đang đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải liên kết với các nước trong khu vực như: đường dây 220kV Châu Đốc - Tịnh Biên - Tà Keo bán điện cho Campuchia đóng điện và đưa vào vận hành năm 2009; các đường dây 220kV mua điện của Lào Xekaman - Pleiku, Nậm Mô - Tương Dương, Nậm Sum - Nông Cống,... Các công trình này không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng và tạo tiền đề cho liên kết lưới điện trong khu vực Đông Nam Á.

EVNNPT
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành được EVNNPT đẩy mạnh

Lưới điện truyền tải Việt Nam đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, giai đoạn. Mỗi thời kỳ, giai đoạn có quy mô, đặc điểm khác nhau nhưng đều theo một hướng là không ngừng phát triển và ngày càng đồng bộ, hiện đại. Đến nay; lưới điện truyền tải của Việt Nam có quy mô đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á với gần 30.000 km đường dây, trong đó có 10.500 km đường dây 500kV; 185 trạm biến áp, trong đó có 37 trạm 500kV, tổng dung lượng đặt là 116.400MVA.

Hiện đại, hội nhập

Trong quá trình phát triển đến trước năm 2020, EVNNPT đã triển khai ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ hiện đại vào xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng, triển khai đề án lưới điện thông minh,… đảm bảo xây dựng hệ thống truyền tải điện Việt Nam ngày càng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể:

Do yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành lưới điện truyền tải trên địa bàn rộng lớn và địa hình phức tạp; EVNNPT đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại trong khảo sát, thiết kế, quản lý vận hành như công nghệ “không ảnh”, tái tạo không gian 3D, mô hình thông tin công trình (BIM), ứng dụng GIS. Với những công nghệ kể trên, công tác khảo sát, thiết kế các dự án lưới điện đã có một bức tranh rõ ràng về không gian, địa hình, độ cao,… Từ đó cung cấp những thông tin tương đối đầy đủ, chính xác và cần thiết, giúp cho công tác thẩm tra, thẩm định và quyết định lựa chọn giải pháp, phương án kỹ thuật phù hợp. Khả năng tự động và linh hoạt của những công cụ này giúp công tác quản lý và vận hành lưới điện truyền tải ở vùng địa hình khó khăn, nguy hiểm và khó tiếp cận trở nên dễ dàng hơn nhiều so với quản lý vận hành trước đây.

Trong lĩnh vực trạm biến áp, 80% các trạm biến áp được ứng dụng hệ thống điều khiển máy tính, các hệ thống điều khiển bảo về đều ứng dụng kỹ thuật số; ứng dụng giám sát dầu online cho toàn bộ các máy biến áp và kháng điện 500kV; hệ thống điện truyền tải được ứng dụng hệ thống SCADA trong thu thập dữ liệu, giám sát, điều khiển, điều độ.

Công nghệ trạm GIS đã được thực hiện tại trạm biến áp GIS 220kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh) và trạm biến áp Thành Công (Hà Nội). EVNNPT sẽ tiếp tục thực hiện triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ GIS hoặc COMPACT ngoài trời, trạm biến áp ngầm…

EVNNPT
Phó Tổng giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công trường đường dây 500kV mạch 3 tháng 9/2020

Trong lĩnh vực đường dây đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong đầu tư xây dựng như hệ thống định vị sự cố, ứng dụng công nghệ và vật liệu mới như dây dẫn siêu nhiệt, dây dẫn tổn thất thấp, sơn phủ cách điện đường dây, cáp ngầm, đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp để tiết kiệm đất hành lang tuyến. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư xây dựng mới các đường dây đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho các dự án, được các cấp, ngành và đối tác đánh giá cao.

Khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thấm sâu và tỏa rộng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước, EVNNPT thực hiện các biện pháp, giải pháp áp dụng công nghệ 4.0, như: Trạm biến áp 220kV kỹ thuật số Thủy Nguyên, chuyển các trạm biến áp 220kV sang vận hành không người trực và thực hiện thao tác điều khiển từ xa từ các trung tâm điều độ. Tính đến hết năm 2022, đã thực hiện chuyển 78% trạm biến áp 220kV sang thao tác xa, đến năm 2025 sẽ hoàn thành trạm biến áp 220kV điều khiển từ xa vận hành theo tiêu chí trạm không người trực.

Lĩnh vực quản lý vận hành, sửa chữa trạm biếp áp; EVNNPT đã và đang triển khai ứng dụng rộng rãi vệ sinh cách điện online để giảm thời gian cắt điện, các giải pháp về công nghệ thông tin, điều khiển hệ thống điện nhằm mục tiêu an toàn, hiệu quả, tin cậy, linh hoạt. Các ứng dụng mới trong công tác giám sát trực tuyến tình trạng máy biến áp tại các trạm 500kV Phú Lâm, Pleiku 2, Đà Nẵng, Hiệp Hòa, giám sát trực tuyến tình trạng máy cắt, biến điện áp, chống sét van được thực hiện tại trạm biến áp 500kV Pleiku 2.

Trong lĩnh vực quản lý vận hành và sửa chữa đường dây, EVNNPT đã và đang triển khai ứng dụng rộng rãi vệ sinh cách điện online để giảm thời gian cắt điện, ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái UAV, camera, trí tuệ nhân tạo (AI) trong kiểm tra, giám sát và phân tích đánh giá hình ảnh phục vụ cho công tác quản lý vận hành giúp làm tăng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tăng năng suất lao động.

Trong lĩnh vực quản lý, cùng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia; bên cạnh việc ứng dụng các phần mềm chung của EVN như: Quản lý đầu tư xây dựng IMIS, Quản lý kỹ thuật PMIS, Quản lý nhân sự HRMS, Quản lý tài chính vật tư EPR, Văn phòng điện tử D-Office,… EVNNPT đã tập trung nghiên cứu xây dựng các phần mềm Quản lý trạm biến áp, Quản lý đường dây trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Quản lý thí nghiệm, phần mềm sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo điều kiện vận hành (CBM), phần mềm Quản lý sửa chữa lớn, qua đó đã cơ bản hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số cho giai đoạn 2021-2023; đây là một bước tiến nổi bật trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong EVNNPT.

Những kết quả nêu trên đã giúp cho hệ thống truyền tải điện do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý phát triển mạnh về quy mô, ngày càng đồng bộ, hiện đại và từng bước vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

Bùi Văn Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNNPT