Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2024 đã bổ sung các quy định về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trong đó, Điều 60 của Luật quy định, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, người làm việc tại mỏ khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn theo quy định của Luật này, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật an toàn sau đây: (1) Nhân sự quản lý, điều hành sản xuất phải đáp ứng trình độ chuyên môn và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; (2) Hệ thống thiết bị, phương tiện được sử dụng trong khai thác khoáng sản phải phù hợp với điều kiện địa chất của khu vực khai thác khoáng sản. Trường hợp khai thác mỏ hầm lò, hệ thống thiết bị, phương tiện còn phải bảo đảm an toàn theo mức độ nguy hiểm do khí cháy, nổ gây ra; (3) Có đội ngũ ứng cứu khẩn cấp bán chuyên trách để thực hiện các biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp tại chỗ...
Nhằm thực hiện những quy định chuyên sâu về chuyên ngành khai thác khoáng sản tại Điều 60 của Luật, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về trình độ chuyên môn của nhân sự quản lý, điều hành trong khai thác khoáng sản; việc huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về khai thác khoáng sản; hệ thống thiết bị, phương tiện được sử dụng trong khai thác khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận; việc chấp thuận đưa vào vận hành hệ thống thiết bị, phương tiện lần đầu đối với khai thác mỏ hầm lò có khí cháy, nổ; xếp loại mỏ hầm lò theo mức độ nguy hiểm do khí mêtan cháy, nổ gây ra và nội dung huấn luyện cho đội ngũ ứng cứu khẩn cấp bán chuyên trách.

Dự thảo Thông tư gồm 04 chương, các phụ lục và hiện nay đang được lấy ý kiến rộng rãi. Dự kiến Thông tư ban hành sẽ góp phần đổi mới, nâng cao nhận thức và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản, các quy định rõ ràng và minh bạch góp phần thiết lập cơ chế tự kiểm soát trong thực hiện các nội dung về kỹ thuật an toàn cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, nội dung chính của chương I gồm 3 điều, từ Điều 1 đến Điều 3 quy định những đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước liên quan đến khai thác khoáng sản nhóm I bằng phương pháp lộ thiên; nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; nhóm I, nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp hầm lò trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các thuật ngữ chuyên ngành thường được sử dụng trong khai thác khoáng sản.
Nội dung chính của chương II gồm 5 điều, từ Điều 4 đến Điều 8 quy định về trình độ chuyên môn của nhân sự quản lý, điều hành sản xuất trong khai thác khoáng sản; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản và thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản. Theo đó, các tổ chức khai thác khoáng sản tự biên soạn tài liệu, lựa chọn người huấn luyện và tổ chức huấn luyện theo các quy định tại Thông tư này. Đối với tổ chức khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò, sau khi huấn luyện xong phải đề nghị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản.
Nội dung chính của chương III gồm 3 điều, từ Điều 9 đến Điều 11 quy định về danh mục hệ thống thiết bị, phương tiện phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận về kỹ thuật an toàn khi đưa vào sử dụng lần đầu trong mỏ, hồ sơ chấp thuận và thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận; hồ sơ xếp loại mỏ hầm lò theo mức độ nguy hiểm do khí mêtan cháy, nổ gây ra và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện xếp loại mỏ và nội dung huấn luyện đội ngũ ứng cứu khẩn cấp bán chuyên trách.
Nội dung chính của chương IV gồm 4 điều, từ Điều 12 đến Điều 15 quy định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) và điều khoản thi hành. Theo đó đã lược bỏ trách nhiệm của các doanh nghiệp trên trong việc phải tuân thủ một số nội dung quy định tại Quy chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò được ban hành theo Thông tư số 03/2011/TT-BCT ngày 15 tháng 2 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách trong dự thảo Thông tư nêu trên sẽ khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo hướng tinh, gọn, hiệu quả, góp phần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng nhằm góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản ở trung ương và địa phương.