Ngày 23/6/2023, tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo quốc gia 2023 với chủ đề “Xây dựng trụ cột cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”. Tọa đàm thu hút sự tham của hơn 400 chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và doanh nhân.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐHQGHN Trương Ngọc Kiểm cho biết: Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia được tổ chức nhằm gắn kết các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến Khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST trên toàn quốc.
Diễn đàn do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN chủ trì, phối hợp tổ chức cùng Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới Công nghệ – Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng, Ban chức năng và một số đơn vị thuộc ĐHQGHN.
Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia năm 2023 có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách đến từ các Bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước cùng các thành viên của mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Với chủ đề “Xây dựng trụ cột cho hệ thống đổi mới sáng tạo ”, Diễn đàn đổi mới sáng tạo Quốc gia 2023 gồm có 20 báo cáo chuyên sâu của các chuyên gia và các ý kiến thảo luận trực tiếp trong 3 phiên gồm: Phiên toàn thể: Chính sách, giải pháp hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia; Phiên chuyên đề 1: Phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST; Phiên chuyên đề 2: Phát triển doanh nghiệp khởi nguồn trong các viện nghiên cứu, trường đại học.
Diễn đàn đổi mới sáng tạo Quốc gia được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình thực tế đổi mới sáng tạo ở nước ta; phân tích các thành tựu, hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; tạo không gian tăng cường kết nối giữa các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; nâng cao nhận thức và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo lan toả, trở thành niềm cảm hứng cho mọi người dân, biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn, đưa đất nước phát triển bền vững để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021 - 2030 cũng khẳng định phát triển khoa học công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Khoa học công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để tạo được bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại diễn đàn nhiều chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ những chính sách giữa viện, trường và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy những sản phẩm khoa học công nghệ sáng tạo gắn với thực tiễn xã hội cần, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.
Theo PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng – Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, trong CMCN 4.0 hiện nay thì các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo việc làm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, họ rất cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ chế tín dụng ưu đãi để có thể đầu tư phát triển.
Thừa nhận việc đào tạo của các trường hiện chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, TS. Hoàng Quang Phóng cho rằng đội ngũ nhân lực CNTT phải có năng lực tự học và cần được trang bị kỹ năng tiếp cận kiến thức thực hành. Việc phân luồng nguồn lao động CNTT phải được thực hiện ngay trong nhà trường để phân nhóm sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, tổ chức,… theo hướng chuyên sâu và tập trung. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế ở Việt Nam là hiện chỉ có 17,3% doanh nghiệp được coi là hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, CMCN 4.0 có thể đem đến nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh chóng cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nếu có những định hướng ý tưởng tốt và khả thi.
TS. Vũ Thị Mai Oanh – chuyên gia của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, để không chậm chân so với các nước phát triển thì kinh tế số và các ngành công nghiệp nền tảng của CMCN 4.0 phải là lựa chọn ưu tiên. Không nên chỉ là quyết tâm chính trị mà còn phải là sự nhập cuộc của toàn xã hội để ưu tiên nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Càng chậm chân trong việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống thì nguy cơ tụt hậu của Việt Nam sẽ càng lớn.
Để tăng cường vai trò của các trường đại học và cao đẳng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, TS Trần Thanh Xuyên và Lê Văn Trung công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang cho rằng, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được xem là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cả hai phía. Các trường mạnh chính là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ cho doanh nghiệp. Để làm được việc đó thì chương trình đào tạo phải thường xuyên cập nhật, trong đó phải tăng cường các môn học về khởi sự kinh doanh.