Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương hiệu và sở hữu trí tuệ đang ngày càng chi phối giá trị của mỗi sản phẩm toàn cầu. Chỉ riêng giá trị thương hiệu ngày nay đã chiếm 1/3 giá trị nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, lượng đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, sở hữu trí tuệ và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp... của các doanh nghiệp trong nước tăng khá nhanh. Tuy nhiên, ở nước ngoài mới chỉ có khoảng 1.000 thương hiệu của Việt Nam được đăng ký. Nếu nhìn vào tổng số hàng trăm nghìn các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động, thì con số này còn rất khiêm tốn.
Từ những bài học mất thương hiệu
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Hải - Chủ nhiệm Bộ môn sở hữu trí tuệ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhận định, nhiều doanh nghiệp đang mắc lỗi mặc nhiên coi tên thương mại là nhãn hiệu, mà chưa quan tâm đến việc đăng kí thương hiệu, nhãn hiệu trước; các doanh nghiệp cũng không nắm được các nguyên tắc bảo hộ độc lập theo quy định của Công ước Paris, không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia có thị trường mà mình dự định xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ...
Ông Hải dẫn câu chuyện về thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê với số đăng bạ là 00004. Có Giấy chứng nhận, nhưng trong một khoảng thời gian rất dài, Việt Nam đã không phát triển chỉ dẫn “Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê” ra thị trường các nước có khả năng tiêu thụ cà phê của chúng ta, trong khi đó, một công ty của Trung Quốc đã đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Trung Quốc” và “BUON MA THUOT COFFEE 1869 & logo”. Vụ việc này khiến Việt Nam mất thị trường và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở nhiều nước; đồng thời khó có thể dành lại quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho cà phê” tại các nước có Luật Nhãn hiệu; thậm chí có thể vĩnh viễn mất quyền sở hữu “Buôn Ma Thuột cho cà phê” tại các nước không có Luật Nhãn hiệu...
Từ bài học “Buôn Ma Thuột” cho cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ “thấm thía” để hiểu, chúng ta không thể không nghĩ tới việc "ra biển lớn", nếu không thực sự quan tâm tới phát triển thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo ông Hải, các doanh nghiệp đã có quan tâm tới vấn đề này, nhưng chưa đủ “chuyên nghiệp”, do vậy không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đánh mất tài sản trí tuệ, thương hiệu của mình trong thương mại quốc tế, mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng vấp phải. Đơn cử như trường hợp Ngân hàng Công Thương Việt Nam được thành lập năm 1988, với tên giao dịch là Incombank và lấy tên thương mại này làm nhãn hiệu dịch vụ mà không đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ. 5 năm sau (năm 1993), một ngân hàng thương mại của Nga đã đăng ký nhãn hiệu quốc tế với tên Inkombank, có chỉ định tại Việt Nam. Chính vì thế, khi phát triển lên và muốn xuất khẩu dịch vụ tài chính, ngân hàng ra thị trường nước ngoài, Ngân hàng Công thương Việt Nam đã buộc phải thay đổi nhãn hiệu Incombank thành Vietinbank và mất đi gần 20 năm xây dựng thương hiệu của mình.
Xây dựng một nền kinh tế thương hiệu
Giải pháp để doanh nghiệp phát triển và bảo hộ thương hiệu trong quá trình thương mại quốc tế, theo đại diện VCCI, các doanh nghiệp không được mặc nhiên coi tên thương mại là nhãn hiệu mà phải có nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý là các đối tượng độc lập. Doanh nghiệp cần khảo sát kỹ thị trường trước khi tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và quảng cáo cho nhãn hiệu.
Còn ông Trần Văn Hải thì cho rằng, khi hoạt động tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần nắm được nguyên tắc bảo hộ độc lập của Công ước Paris, tận dụng nguyên tắc quyền ưu tiên của Công ước này và có thể vận dụng thêm thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa. Ông Hải cũng nhấn mạnh, nhãn hiệu do Cục SHTT cấp chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam, muốn xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ sang nước nào, doanh nghiệp nhất thiết phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia đó.
Ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, một nền kinh tế phát triển bền vững phải đi liền với với một nền kinh tế thương hiệu, một quốc gia cạnh tranh cần phải có thương hiệu có sức cạnh tranh cao cả ở thị trường nội địa và quốc tế; trong đó, việc phát triển thương hiệu, nhãn hiệu luôn gắn liền với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong thời kỳ số hóa đang thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện nay, xây dựng, nhận diện thương hiệu trực tuyến cũng là một việc làm thiết yếu với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc nhận diện thương hiệu trực tuyến cho phép các thương hiệu tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh với các đối thủ.