Xe điện Wuling ế ẩm, Ô tô TMT ghi nhận lỗ cao nhất lịch sử

Trong quý 2/2024, Công ty Cổ phần Ô tô TMT (mã cổ phiếu TMT) đã chấp nhận giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho, khiến kết quả kinh doanh rơi xuống mức thấp nhất lịch sử hoạt động.
Xe Ô tô TMT
Ô tô TMT hiện là đơn vị độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Công ty Cổ phần Ô tô TMT (mã cổ phiếu TMT - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 ghi nhận doanh thu thuần đạt 806 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán trong kỳ lại tăng 10%, khiến Ô tô TMT lỗ gộp gần 48 tỷ đồng, so với mức lãi gần 54 tỷ đồng của quý 2/2023.

Đồng thời, các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh đều tăng mạnh, khiến doanh nghiệp này báo lỗ 100 tỷ đồng, so với mức lỗ chỉ 720 triệu đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý lỗ đậm nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu thuần giảm 13% xuống còn 1.322 tỷ đồng và lỗ sau thuế 99,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lãi ròng 38,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với mức thực hiện của năm 2023. Như vậy, kết thúc quý 2/2024, TMT Motors đã thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu thuần nhưng còn cách ra xa mục tiêu lợi nhuận.

Ban lãnh đạo Ô tô TMT chia sẻ, năm 2024 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Tình hình kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu… khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô liên tục giảm sâu giá bán để giải phóng tồn kho.

“Công ty cũng không phải ngoại lệ. Năm nay, để đảm bảo thành khoản giảm chi phí lãi vay, công ty phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho. Đồng thời, công ty cũng xác định phải tái cơ cấu các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn”, ban lãnh đạo Ô tô TMT nói.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Ô tô TMT đạt 1.502 tỷ đồng, giảm 9% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đã giảm 41% so với đầu kỳ xuống còn gần 854 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty cũng đã giảm 33% xuống 1.163 tỷ đồng, tổng nợ vay và thuê tài chính là 571 tỷ đồng, chiếm nửa số nợ phải trả.

Giá cổ phiếu TMT Ô tô TMT
Nhập chú thích ảnh

Xem thêm: "Tập đoàn CEO: Lãi quý 2 chạm đáy 3 năm, sẽ tung sản phẩm mới vào cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ô tô TMT tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư Thiết bị giao thông vận tải. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. Ô tô TMT từ lâu đã được biết đến là đơn vị có các sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk,… có tải trọng lớn.

Công ty này gây chú ý khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Đây là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng tại Trung Quốc, đạt danh hiệu "ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp", kể từ năm 2020 đến hết năm 2023.

Tại Việt Nam, xe được sản xuất, lắp ráp bởi liên doanh Ô tô TMT và General Motors (GM) - (SAIC – WULING). Trong đó, liên doanh GM - (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho Ô tô TMT độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Ô tô TMT đã phối hợp với các đại lý, chính thức khai trương hơn 20 đại lý Wuling ủy quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mặc dù giá thành được đánh giá là rẻ nhưng doanh số của Ô tô TMT lại không như kỳ vọng. Năm 2023, công ty chỉ bán được 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó.

Duy Quang