Xem múa xoè ở bản Bó

Vừa đặt chân đến Sơn La, mấy người cùng đoàn công tác với tôi đã kháo nhau, tối mai đi xem múa xòe ở bản Bó. Có người còn bảo, đến Sơn La không xem múa xòe thì chưa gọi là đến, bởi múa xòe là nét văn

Trong tiếng nhạc dạo tình tính tang, tang tính tình, các cô gái Thái xúng xính trong những bộ váy truyền thống của người Thái, nhún nhảy nhịp nhàng theo điệu nhạc, say mê và duyên dáng, đưa người xem đến với những cảm giác trữ tình, sâu lắng và lãng mạn. Bàn tay thon, mềm mại uốn cong có nét gì đó hơi giống với điệu múa Chămpa của người Campuchia. Mấy cô diễn viên múa, cô nào cô nấy còn rất trẻ, vẻ mặt rạng rỡ với nụ cười tươi như hoa, nhưng vẫn thật e lệ. Thế mà khi tìm hiểu, có cô đã 2 con rồi, nhưng vì yêu múa xòe lại có duyên nên vẫn là những diễn viên chủ chốt của đội xòe bản Bó.

Bản Bó, xã Chiềng An, thị xã Sơn La có 206 hộ, 4 dân tộc sinh sống với hơn 1.000 nhân khẩu. Bản có 4 đội múa với 34 diễn viên được duy trì luyện tập thường xuyên tuần một lần với sự giúp đỡ của các nghệ sĩ trong đoàn văn công Tỉnh. Ông Lù Văn Sương - Bí thư chi bộ bản Bó cho biết, múa xòe là nét văn hóa riêng của người Thái, cũng là niềm tự hào của người dân tộc Thái trên đất Sơn La, nên chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện để đội xòe có thể hoạt động tốt. HTX bản Bó trích bồi dưỡng cho mỗi diễn viên 2 kg thóc một buổi tập. Còn khi có khách mời biểu diễn đều có thù lao. Giá một buổi biểu diễn dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng tùy thuộc vào số tiết mục. Ông Sương rất tự hào vì đội múa của bản ông đã từng vào Nam ra Bắc nhiều lần, còn được tham gia biểu diễn ở miền Nam đợt kỷ niệm "Sài Gòn 300 năm". Và nói chung, ai đã xem múa xòe ở bản Bó sẽ không bao giờ có thể quên nơi này.

Đêm xuống dần, không khí càng thêm lạnh. Vài người chúng tôi đã thấy rét không chịu nổi, ngồi cụm vào nhau vừa xem vừa run. May quá, đống củi xếp sẵn giữa sân bắt đầu được nhóm lên. Củi nỏ bắt lửa nổ lách tách. Hai ché rượu cần được mang ra chuẩn bị cho điệu xòe cuối cùng - điệu xòe vui nhất gọi là xòe vòng. Mọi người không phân biệt già, trẻ, trai, gái nắm chặt tay nhau nhảy múa nhịp nhàng, uyển chuyển theo điệu nhạc, ở giữa là ngọn lửa đang bốc cao rừng rực để hâm nóng bầu không khí của núi rừng về đêm. Vòng xòe được cài rất đều, một cô gái Thái với một khách tham quan. Hơi ấm từ ngọn lửa làm khuôn mặt những người tham gia vòng xòe hồng lên rực rỡ, làm các cô gái Thái càng thêm xinh đẹp. Trong lúc múa, mỗi cô có thể mời một khách ra uống chung rượu cần, thấy được vị ngọt đậm đà đến tê đầu lưỡi của rượu cần Sơn La, thêm chất men say để điệu múa càng thêm say đắm. Ngọn lửa làm chúng tôi ấm hơn, phấn chấn hơn. Chán xòe vòng thì tách ra để xòe đôi. Từng cặp, từng cặp tự múa vòng quanh đống lửa hồng, cùng trao nhau ánh mắt, nụ cười thật tình tứ. Tôi hỏi mấy bé gái đang ngồi xem xung quanh có thích múa không, chúng cười, chỉ thích xem chứ không thích múa. Ông Sương cũng cho biết, ở đây họ không múa từ bé, con gái Thái lớn lên mới tập múa. Ai yêu thích múa và múa đẹp thì được chọn vào đội. Mỗi năm, đội tuyển diễn viên một lần để liên tục bổ sung những khuôn mặt mới.

Đã khuya lắm, đống lửa đã bắt đầu tàn, đoàn chúng tôi lên xe chào tạm biệt, nhưng người dân bản Bó thì vẫn còn quây quần bên đống lửa. Họ sẽ tiếp tục cho đến khi lửa đã lụi hẳn, rượu đã cạn thì mới ai về nhà nấy. Người ta bảo, múa hát và uống rượu là nét đặc trưng của dân tộc Thái. Còn người thành phố chúng ta thường chỉ tìm đến với thú vui này khi muốn giải tỏa bớt stress, để rồi sau đó lại chìm vào một stress khác. Cuộc sống vật chất của người thành phố có hơn thật, nhưng cuộc sống tinh thần lại chẳng đa dạng, phong phú bằng. Với người dân nơi đây, ngày nào cũng là ngày hội, đêm nào cũng là đêm hội./.

  • Tags: