Đây là một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận tại Văn bản số 2556/VPCP-KTN sau khi nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo về tình hình giải quyết ô nhiễm môi trường của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Trước đó, do bức xúc với tình trạng ô nhiễm bụi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận), nhiều người dân đổ ra quốc lộ chặn xe lưu thông gây ra ách tắc nhiều giờ. Được biết, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có hai tổ máy đã phát điện. Mỗi khi nhà máy hoạt động, ống khói (cao 210 m, đường kính 7 m) xả khói thẳng vào khu dân cư, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Vấn đề nghiêm trọng thứ hai chính là mỗi ngày, hai tổ máy của Nhà máy thải ra mấy nghìn tấn xỉ than. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển không đảm bảo như: xe chở xỉ không có bạt che, đổ xỉ không đúng nơi quy định. Quá trình vận chuyển rơi vãi trên đường, không tưới nước vào bãi xỉ, không có bãi rửa xe riêng… dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng cả khu vực, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đời sống của nhân dân trong khu vực. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bị Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt hành chính 1,4 tỉ đồng do gây ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức kiểm tra 4 lần. Kết quả cho thấy, công việc thu gom, đổ xỉ thải của Nhà máy chưa đúng nơi quy định; xe chở xỉ chưa phủ kín bạt, để xỉ rơi vãi; chưa có xe tưới chuyên dụng, không thực hiện đúng quy định trong đánh giá tác động môi trường nhưng Nhà máy tiếp tục vi phạm hàng loạt các quy định về an toàn môi trường trong việc chở xỉ thải ra bãi. Chính điều này dẫn đến người dân khiếu kiện, nhằm phản đối Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xả khói và xỉ than gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo từ EVN, chủ đầu tư Tổng công ty Phát điện 3, đến thời điểm này đã triển khai hàng loạt những giải pháp yêu cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đối với vụ việc. Chủ đầu tư đã khẩn trương thực hiện đúng cam kết với chính quyền và người dân địa phương về việc tổ chức quy hoạch bãi thải xỉ, quy trình vận hành bãi thải xỉ. Tiến hành san gạt, lu lèn, phun nước, che phủ bạt nhằm ngăn chặn tình trạng gió cuốn tro xỉ tạo bụi; phun nước rửa xe vận chuyển xỉ trước khi ra khỏi nhà máy và sau khi đổ xỉ ở bãi thải để tránh gây bụi trên đường vận chuyển; làm sạch, gia cố đường dân sinh đảm bảo yêu cầu về môi trường. Nhà máy cũng đẩy nhanh tiến độ đường cấp nước, hệ thống phun nước, đường vận chuyển tro xỉ qua hầm chui và đường nội bộ; rà soát, kiểm tra thiết bị lọc bụi, hiệu chỉnh quá trình đốt để đảm bảo quy định môi trường. Đồng thời, thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ người dân xung quanh khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp những ngày qua.
EVN khẳng định sẽ thực hiện nghiêm các cam kết để Nhà máy Vĩnh Tân được vận hành an toàn, liên tục và đáp ứng các điều kiện về môi trường tốt hơn. Từ sự việc trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Nhà máy phải nghiêm khắc kiểm điểm và tuyệt đối không được để tái diễn, gây ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống người dân. Đây là một vụ việc cần phải rút kinh nghiệm rất nghiêm túc cho các dự án xây dựng, công nghiệp.
Xử lý tro xỉ, chất thải là vấn đề được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo xử lý từ lâu, nhưng để xảy ra vụ việc như những ngày qua là điều mà chủ đầu tư, Nhà máy phải nghiêm khắc kiểm điểm và tuyệt đối không được để tái diễn, gây ảnh hưởng tới môi trường, cuộc sống người dân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Nhà máy tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp trước mắt để xử lý dứt điểm việc tung bụi tro xỉ, nhất là việc thay xe vận chuyển kín, dùng đường nội bộ hạn chế ra quốc lộ, làm đường dẫn nước để tưới, xem xét lại vấn đề quy hoạch bãi thải xỉ của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Công ty cũng phải xây dựng đề án chi tiết, xem xét so sánh để có giải pháp xử lý hiệu quả nhất như thải xỉ ướt, thải băng tải kín, bổ sung thêm hệ thống nước biển để cấp nước cho bãi thải xỉ,… Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập tới việc xử lý lâu dài, có tính cơ bản trong việc nghiên cứu tận dụng tro xỉ phát sinh trong quá trình phát điện để sản xuất vật liệu xây dựng như xi-măng, gạch không nung, bê-tông đầm lăn… góp phần bảo vệ môi trường.
Bộ Công Thương, EVN phải rà soát lại từng nhà máy, đưa ra giải pháp, chỉ đạo từng dự án về vấn đề xử lý tro xỉ này. Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Công Thương tổ chức họp chủ đầu tư tất cả các dự án nhiệt điện từ Quảng Bình trở vào Nam với các nhà máy xi măng. Nội dung là đưa ra điều kiện, tính toán công suất, bài toán kinh tế cụ thể để đảm bảo sản xuất xi măng sử dụng một tỷ lệ nhất định tro xỉ, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, xử lý môi trường.