Xu hướng tăng trưởng chỉ kéo dài trong 47 phiên kể từ tháng 1/2019 thì xu hướng điều chỉnh đã bước sang phiên thứ 60 kể từ giữa tháng 3 mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Mặc dù mức giảm ở chỉ số VN-Index chỉ tương đương một nửa mức tăng, nhưng chính thời gian kéo dài mới là điều gây ức chế nhất đối với nhà đầu tư.
Vì sao lạc nhịp cùng thế giới?
6 tháng đầu năm 2019, mạch thông tin xuyên suốt và chi phối tất cả các thị trường tài chính toàn cầu là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang căng thẳng. Các thị trường chứng khoán đều phản ứng tương đồng với mỗi thông tin tốt hoặc xấu của cuộc chiến này. Riêng Việt Nam lại đi một đường chẳng giống ai.
Lấy ví dụ với thị trường tiêu biểu nhất là Mỹ, giai đoạn từ đầu tháng 1/2019 tới giữa tháng 3/2019, thị trường Việt Nam có diễn biến khá tương đồng, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Cụ thể, chỉ số S&P 500 của Mỹ trong thời gian này tăng 20,1% thì VN-Index tăng khoảng 15,2%. S&P500 từ giữa tháng 3 còn tăng tiếp một nhịp nữa tới đầu tháng 5 - đi cao hơn khoảng 5% nữa mới kết thúc. Trong khi đó VN-Index đã đạt đỉnh ngay từ giữa tháng 3 và đến đầu tháng 5 đã kịp giảm 3,3%.
Gần đây nhất, trong 2 tuần đầu tiên của tháng 6, S&P 500 phục hồi mạnh 5,2% nhờ kỳ vọng giải quyết chiến tranh thương mại vào cuối tháng 6 tại cuộc họp thượng đỉnh G20, thì VN-Index chỉ tăng chưa tới 1%.
Sự lệch pha quá nhiều này khiến giới đầu tư không thể lý giải được liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có còn phản ánh các triển vọng kinh tế cơ bản nữa hay không? GDP năm 2019 dự báo suy giảm nhẹ so với mức tăng trưởng kỷ lục 7,08% của 2018, nhưng điều đó không có nghĩa là xấu. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt kỷ lục trong vòng 4 năm, với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Mức đã giải ngân là 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ riêng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lớn như vậy cũng đã có sức mạnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Đó là chưa kể tới lợi thế xuất khẩu có được khi thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTTP.
Thậm chí, ngay cả khi thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tốt với khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại thì thị trường Việt Nam cũng hầu như không có phản ứng lạc quan. Nhiều phân tích cho rằng Việt Nam hưởng lợi từ căng thẳng thương mại, nhưng khi căng thẳng gia tăng, thị trường chứng khoán cũng bất động mà không phản ánh kỳ vọng tương ứng. Nói tóm lại thị trường Việt Nam gần như trơ lỳ với các thông cả tốt lẫn xấu.
Hiện tượng này có thể lý giải bằng sự rút lui của dòng vốn trong nước trên thị trường chứng khoán. Một so sánh dễ nhận nhất là thời điểm chỉ số VN-Index đạt cùng một mức đỉnh ở 1.020 điểm thời điểm tháng 3/2019 và thời điểm tháng 9/2018. Vào thời điểm đạt đỉnh tháng 9/2018, giá trị giao dịch khớp lệnh vào khoảng 25.000-27.000 tỷ đồng mỗi tuần. Thời điểm đạt đỉnh tháng 3/2019, con số chỉ còn 15.000-16.000 tỷ đồng mỗi tuần.
Dòng tiền giảm dần đều là nguyên nhân chính khiến thị trường không thể tăng lên tương xứng với các thông tin hỗ trợ xuất hiện. Mặc dù với các cổ phiếu đầu cơ, thanh khoản thấp vẫn có thể tạo sóng ngắn hạn, nhưng với các cổ phiếu vốn hóa lớn, các mã này bị kẹt trong chính quy mô của mình. Đơn cử các cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm đáng kể trước thực trạng tăng trưởng tín dụng quá thấp, định hướng hạn chế dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản - khu vực dễ giải ngân vốn nhất và đem lại lợi nhuận tốt nhất thời gian qua. Techcombank, HDBank, VPBank, SHB là những cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh rất mạnh và đều giảm xuống đáy nhiều năm, thậm chí là đáy thấp nhất trong lịch sử.
Vốn ngoại âm thầm vào
Trong 6 tháng đầu năm 2019, nếu có điểm sáng nhất nào thì đó chính là các thương vụ mua vốn cổ phần lớn thông qua sàn giao dịch, đã góp phần làm tăng dòng vốn gián tiếp vào thị trường chứng khoán.
Thống kê từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 6/2019, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, bao gồm 3 sàn giao dịch, là gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó có những thương vụ mua lại vốn của doanh nghiệp tư nhân như Vincom Retail (VRE) lên tới trên 5.800 tỷ đồng.
Riêng từ trung tuần tháng 3 - thời điểm thị trường đạt đỉnh 6 tháng đầu năm 2019 - tới nay, dòng vốn ngoại vẫn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam riêng với cổ phiếu là hơn 4.500 tỷ đồng.
Một điểm sáng cũng ít được chú ý là dòng vốn gián tiếp nước ngoài lựa chọn kênh đầu tư thông qua quỹ mở. Có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang tham gia trên thị trường Việt Nam, nhưng nổi tiếng nhất là những quỹ ETF - quỹ đầu tư theo chỉ số chứng khoán - như FTSE, V.N.M và quỹ do tổ chức trong nước thành lập là quỹ E1VFMVN30.
Đối với các quỹ đầu tư dạng đóng hay các quỹ ở thông thường, danh mục đầu tư thường được lựa chọn theo tính chất ngành hoặc quy mô doanh nghiệp. Trong khi đó các quỹ ETF chỉ đầu tư theo một chỉ số nào đó để “ăn theo” đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán nói chung. Do vậy bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam trong ngắn hạn mà không cần quan tâm tới việc lựa chọn cổ phiếu hay giới hạn nhóm ngành hoạt động của doanh nghiệp thì sẽ chọn quỹ ETF.
Kể từ đầu năm 2019 đến nay, quỹ ETF do tổ chức trong nước lập ra đã thu hút lượng vốn rất lớn. Điểm đột biến là từ cuối năm 2018, một công ty chứng khoán tại Thái Lan đã phát hành chứng chỉ lưu ký dự kiến huy động khoảng 151,5 triệu USD (thực tế quy mô huy động tùy vào tình hình chứ không giới hạn). Số tiền này được dùng để mua chứng chỉ quỹ của quỹ E1VFMVN30.
Số liệu cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, quỹ E1VFMVN30 đã được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn ròng khoảng 2.257 tỷ đồng. Trong khi đó cả năm 2018 quỹ cũng chỉ được rót ròng hơn 2.000 tỷ đồng. Dòng vốn gián tiếp vào thông qua quỹ ETF đem lại lợi ích lớn cho thị trường Việt Nam vì các quỹ này sẽ giải ngân vào những cổ phiếu blue-chips quan trọng nhất thị trường.