Cụ thể, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương mất 0,6% lúc 15h32 chiều 28-2, theo giờ Tokyo.
Chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 0,8% khi chốt phiên. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 1,8%, mức giảm nhiều nhất từ hồi tháng 10-2018.
Chỉ số Hang Seng giảm 0,2%. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4%.
Trong khi đó, kết thúc ngày giao dịch 28-2, chỉ số VN Index đã giảm mạnh 24,8 điểm, còn 965,47 điểm.
Sắc đỏ tràn ngập thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi mở đầu phiên giao dịch buổi sáng và thị trường lao dốc mạnh vào đầu phiên chiều.
Các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc nhóm VN30 tăng trưởng liên tiếp theo đà hung phấn của thị trường sau Tết Nguyên đán thì nay quay đầu "nằm sàn".
Cụ thể, mã VNM của Vinamilk giảm tới 6.600 đồng, còn 141.100 đồng/cổ phiếu.
Ba mã cổ phiếu họ Vingroup đều suy giảm rất mạnh: mã VIC giảm 3.400 đồng, mã VHM giảm 5.200 đồng và mã VRE giảm 1.500 đồng.
Ba mã cổ phiếu VIC-VNM-VHM đứng đầu thị trường, chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường, cùng nhau giảm mạnh theo dòng thời sự kéo chỉ số VN Index giảm mạnh.
Ngoài ra, có tới 28 trên tổng số 30 mã VN30 "đỏ lửa".
Các mã hàng đầu thị trường như VIC, VNM, VHM, VJC, VCB dẫn đầu danh sách bị khối ngoại bán mạnh, trong đó, mã VIC bị bán ròng ồ ạt trên 90 tỉ đồng.
Sự điều chỉnh đột ngột của thị trường trong nước trong ngày giao dịch 28-2 khiến cho vốn hóa thị trường trên sàn HoSE bay mất hơn 81.000 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 3,5 tỉ USD.
Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa giao dịch ngày mới từ sau 20h30 ngày 28-2 nhưng chỉ số DowJones đã giảm 0,28% khi kết thúc ngày giao dịch trước đó sau khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng trong 9 tuần liên tiếp, bên cạnh đó chỉ số future (hợp đồng tương lai) của Mỹ cũng suy giảm theo.
Theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng, nhà đầu tư nên đợi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa giao dịch mới nắm bắt hết toàn bộ phản ứng của thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định rằng diễn biến trung hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là tích cực.
Thị trường sẽ điều chỉnh vài phiên rồi tăng trưởng trở lại do tín hiệu kinh tế vĩ mô tích cực, thanh khoản vẫn tốt và xu hướng khối ngoại mua ròng.
“Trong tháng 3, thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tích cực nhưng sẽ có sự phân hóa”, ông Khánh dự báo.