Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã giúp xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng mạnh. Chính phủ Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Hoa Kỳ sẽ khiến nhập khẩu các loại hạt từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc giảm.
Để bù đắp sự thiếu hụt các loại hạt nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong những tháng tới.
Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam trong tháng 8/2019, có mức tăng lần lượt là 14,1%, 70,9% và 36,6%.
Xuất khẩu điều khả quan
Theo Tổng cục hải quan, tháng 8/2019, xuất khẩu hạt điều đạt 46 nghìn tấn, trị giá 312,65 triệu USD, tăng 3,8% về lượng và tăng 3,4% về trị giá so với tháng 7/2019, so với tháng 8/2018 tăng 31,9% về lượng và tăng 5% về trị giá.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều đạt xấp xỉ 286 nghìn tấn, trị giá 2,104 tỷ USD, tăng 18,3% về lượng, nhưng giảm 7,6% về trị giá so với 8 tháng đầu năm 2018.
Tháng 8/2019, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng 70,9% về lượng và tăng 61% về trị giá so với tháng 8/2018. Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ tăng 14,1% về lượng, nhưng giảm 14,3% về trị giá, đạt 15,3 nghìn tấn, trị giá 99,3 triệu USD.
8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang Hoa Kỳ đạt trên 95 nghìn tấn, trị giá 685,26 triệu USD, tăng 1,7% về lượng, nhưng giảm 22,3% về trị giá. Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường tăng cả về lượng và trị giá, gồm Trung Quốc, Đức, Úc.
Dự báo giá điều khó tăng đột biến
Dự báo nhu cầu thị trường châu Âu trong các tháng tới cũng tăng theo chu kỳ, nhưng sẽ không có hiện tượng mua ồ ạt. Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ giảm giá sẽ khiến giá hạt điều nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc cao hơn so với trước đó, phần nào ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hạt điều Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nhà rang chiên hạt điều lớn của Hoa Kỳ và EU đều khẳng định sắp tới sẽ áp dụng thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ kiểm tra kỹ hơn dư lượng hóa chất cấm trong nguyên liệu.
Dự báo giá nhân và thô trong thời gian tới sẽ ổn định và có xu hướng tăng, nhưng khả năng giá tăng đột biến là rất khó xảy ra. Các doanh nghiệp chế biến không nên ký hợp đồng bán nhân khi chưa mua được điều thô vì giá nhân có thể sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, một số nước châu Phi bắt đầu tập trung vào chế biến hạt điều, nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam sẽ giảm.
Các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam phải có chiến lược mang tính bền vững, mở rộng nguồn cung hạt điều mới có chất lượng. Ngành điều Việt Nam có thể hợp tác đầu tư trồng hạt điều ở Căm-pu-chia và Lào, nơi quỹ đất còn lớn, đầu tư cùng nông dân trong nước trồng giống điều mới, cho năng suất cao theo hướng sản xuất hữu cơ và tăng cường chế biến chuyên sâu.