Nhiều sản phẩm ‘Made in VietNam’đã có chỗ đứng trong các kênh phân phối của EU. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi xuất khẩu vào thị trường này. Đó là nội dung được thảo luận tại buổi tọa đàm “ Thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp VN xuất khẩu hàng hóa sang EU” được tổ chức tại Hà nội ngày 31/8. 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2009 tổng kim ngạch xuất khẩu VN- EU đạt 15,2 tỷ USD. EU vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn (đạt 74,7% kim ngạch xuất nhập khẩu) trong quan hệ thương mại giữa VN và châu Âu. 

Cơ hội nhiều thách thức lớn
Ông Nguyễn Cảnh Cường Vụ phó Vụ Thị trường châu Âu (Bộ công Thương) cho rằng, VN và EU có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển quan hệ thương mại. Nhiều hiệp định đã được ký kết mở đường cho VN gia nhập WTO và Hiệp định tiếp cận thị trường VN- EU năm 2005. 

Trong quan hệ chính trị, EU coi trọng VN hơn trước trong điều chỉnh chính sách hướng tới châu Á. Mặt khác, năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Các nguồn lực nước ngoài (ODA,FDI, chuyên gia cao cấp) đổ vào VN ngày càng nhiều nhờ sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao hơn một số nước khác trong khu vực. Hiện nay, 5 nhóm hàng xuất khẩu của VN chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường EU là hải sản, cà phê, dệt may, giày dép và hàng thủ công mỹ nghệ. Trong khi đó, EU xuất sang VN những mặt hàng: máy và thiết bi, nguyên liệu dệt may, tân dược, sắt thép, phân bón. 

Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại VN- EU vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố không thuận lợi. Đó là, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp, giữa các nước xuất khẩu trên thị trường EU: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brazil… Các nước chậm phát triển như Bangladesh, Lào, Camphuchia được miễn thuế nhập khẩu… 

Cùng với đó là tâm lý, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng giữa các nước thành viên EU vẫn có sự khác biệt, đòi hỏi các sản phẩm hay phương thức kinh doanh khác nhau. Doanh nghiệp tại các thành viên EU nhỏ hơn thường đặt các đơn hàng nhỏ, lẻ nên không hấp dẫn các nhà sản xuất, xuất khẩu lớn. Sức ép bảo hộ đối với một số ngành nghề tại EU như giày da, thủy sản, nông sản… còn khá cao, khiến các nhà hoạch định chính sách thương mại tại EC phải nghĩ tới các biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu. Các mặt hàng tăng trưởng nóng, chiếm thị phần lớn có nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống phá giá.Xuất khẩu đồ gỗ có thể gặp trở ngại và phát sinh thêm chi phí khi EU thực thi Luật về quản lý rừng và buôn bán lâm sản ( FLEGT) dự kiến có hiệu lực ngày 1/1/2012. 

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Theo ông Lê Văn Đạo, Hiệp hội Dệt may VN, xuất khẩu vào EU không phải là dễ, tuy nhiên chúng ta cũng đứng vào hàng thứ 9 tại thị trường này. Để đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, doanh nghiệp VN cần nghiên cứu sâu hơn về xu hướng, đòi hỏi của thị trường bán lẻ và người tiêu dùng tại EU. 

Ông Đạo cho rằng, xu hướng hiện nay của EU là tăng cường liên kết các Hiệp Định thương mại tự do, hợp lý hóa chuỗi cung ứng, ít nhà cung cấp nhưng là những nhà cung cấp lớn. EU muốn xây dựng mối quan hệ đối tác bạn hàng dài hạn, khác thời kỳ áp dụng hạn ngạch. Hiện nay, xu hướng bán lẻ, tiêu dùng và yêu cầu của thị trường EU chia thành nhiều nhóm hàng và ngày càng đòi hỏi sản phẩm thân thiện với môi trường.Mỗi nhóm mặt hàng có tỷ lệ tiêu dùng khác nhau và xu hướng tiêu dùng cũng khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp nên xem xét từng nhóm hàng để nắm bắt thị trường. Giá cả là quan trọng nhất đối với phần lớn người tiêu dùng EU. 

Ngoài ra, các sản phẩm được bán ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất phải thực hiện trách nhiệm xã hội và có một số quy định cụ thể của REACH, ISO9000, 14000, SA 8000( trách nhiệm xã hội của DN)… 

Theo ông Cường, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU bền vững, nhà nước cần cải thiện khung pháp lý. Hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do(FTA) giữa ASEAN đang trong quá trình đàm phán à chuẩn bị nghiên cứu khả thi VN—EU FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, qua hệ thống các cơ quan Thương vụ Vn tại các nước thành viên Eu, cung cấp thông tin thị trường, tham vấn chuyên môn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các bất đồng, tranh chấp thương mại. 

Về phía doanh nghiệp, cần xác lập các quan hệ cân bằng thích hợp giữa các đối tác, tránh để mất các bạn hàng truyền thống tại EU. Hiện đại hóa công nghệ, đổi mới máy móc, thiết bị, phương thức quản lý và điều hành sản xuất- kinh doanh mạnh mẽ hơn. Điều chỉnh chiến lược “tập trung thị trường” sang “ đa dạng hóa thị trường”đối với những sản phẩm xuất khẩu nhạy cảm; khác biệt hóa sản phẩm xuất khẩu để hấp dẫn người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần hợp tác với các nhà sản xuất, thiết kê, nhập khẩu và phân phối sản phẩm của EU để quảng bá, tiếp thị sản phẩm VN tại thị trường các nước thành viên EU…

  • Tags: