Xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản: Nhiều cơ hội gia tăng giá trị

Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vì thế cũng được hưởng nhiều lợi thế ưu đãi về thuế quan và có lợi thế cạnh tranh hơn các nước khác, đặc biệt là các mặt hàng về nông sản, dệt may, thủy sản được miễn thuế.

Hiện người tiêu dùng Nhật Bản đang chuyển sang tiêu thụ thủy sản có giá rẻ hơn, nhưng vẫn rất chú trọng chất lượng cao, độ tươi, có lợi cho sức khỏe và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, điều quan trọng ở thị trường Nhật mà các doanh nghiệp cần phải lưu ý là phải xây dựng lòng tin về chất lượng sản phẩm, uy tín trong thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm các nhà cung ứng Nhật Bản bởi chính họ là những nhà phân phối trực tiếp và có uy tín rất cao cho hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật Bản liên tục tăng, nhưng đa số các mặt hàng của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. Do đó, Việt Nam tiếp tục còn có nhiều cơ hội tăng thị phần tại Nhật Bản. Nhật Bản có yêu cầu rất lớn về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, thậm chí có những yêu cầu còn lớn hơn châu Âu. Ngoài ra, Nhật Bản cũng chú ý đến các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng khi đã đảm bảo được vấn đề này thì hàng hóa của Việt Nam sẽ vào Nhật Bản dễ dàng và đây thực sự là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Nhật Bản là thị trường có tiềm năng cao cho sản phẩm thủy sản Việt Nam

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 01/2014, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm những mặt hàng chủ yếu như: hàng dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm, giày dép các loại… Nhìn chung các nhóm hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong tháng đầu năm 2014 đa số đều tăng trưởng. Trong đó, đạt kim ngạch cao nhất là hàng dệt may với 228,40 triệu USD, chiếm khoảng 20 thị phần, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng có kim ngạch đứng thứ hai là phương tiện vận tải và phụ tùng với 169,58 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng 01/2013. Dầu thô là mặt hàng đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản với 145,80 triệu USD, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, hạt điều là mặt hàng tuy có kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 1 triệu USD nhưng lại là mặt hàng có sự tăng trưởng vượt lên hơn cả, tăng 128,6% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 4,2%. Với kim ngạch đạt được trong tháng đầu năm 2014, Nhật Bản đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ.