Dù trải qua 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, song hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước vẫn diễn ra sôi động, khiến hoạt động thương mại trong những tháng đầu năm diễn biến thuận lợi.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/2/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 57,12 tỷ USD, tăng 37,2% (tương ứng tăng 15,48 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ đó đã khiến cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/2 thặng dư 1,67 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái thâm hụt gần 1,21 tỷ USD.
Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2017Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong thời gian 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất năm 2018, trên phạm vi toàn quốc có 108 Chi cục Hải quan và tương đương có phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với số lượng tờ khai đăng ký gần 5.100 tờ. Cũng trong thời gian đó, có 617 DN trên toàn quốc vẫn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, giảm 12,4% so với dịp Tết năm 2016. Tuy nhiên, kim ngạch hàng hoá lại tăng lên, đạt 893 triệu USD, tăng mạnh 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 289 triệu USD, tăng gần 50% và kim ngạch nhập khẩu là 604 triệu USD, tăng 45,7%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong dịp Tết Mậu Tuất đạt 289 triệu USD. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện (bao gồm 2 nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện) với kim ngạch đạt 243 triệu USD, chiếm tới 84% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong thời gian Tết Mậu Tuất 2018.
Tổng kim ngạch nhập khẩu trong dịp Tết đạt 604 triệu USD, trong đó chủ yếu nhập khẩu các nhóm hàng là máy vi tính, điện thoại và linh kiện với 354 triệu USD, xăng dầu các loại đạt 74 triệu USD và nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 56 triệu USD.
Những diễn biến tích cực trên thị trường báo hiệu một năm “đầu xuôi đuôi lọt” của lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá. Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó yêu cầu bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8 - 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này là trong tầm tay, bởi năm 2018 tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt khoảng 3,6% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Vì vậy nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sẽ tiếp tục bứt phá, trong đó đáng chú ý là các mặt hàng thế mạnh của DN trong nước.
Nhìn chung, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong năm 2018 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2017, với các nhóm hàng xuất khẩu chính như máy tính, linh kiện điện tử; điện thoại, linh kiện điện thoại, cũng như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và dệt may, da giày…
TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương nhấn mạnh, xuất nhập khẩu hàng hoá trong năm qua đã ghi nhận bước ngoặt lớn khi nhiều mặt hàng chủ lực truyền thống của Việt Nam tăng trưởng đột phá.
Như xuất khẩu gạo tăng trưởng sản lượng xuất khẩu trên 20%, với cơ cấu sản phẩm chuyển dịch tích cực khi giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao; hoặc xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 8,32 tỷ USD; xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD; xuất khẩu ngành hàng rau quả cũng bứt tốc đầy ấn tượng khi tăng tới 40,5%...
Vì vậy, các chuyên gia đánh giá sự dịch chuyển tích cực và đáng ghi nhận nhất của xuất khẩu trong năm qua cũng như thời gian tới chính là bứt phá của các nhóm hàng truyền thống trong nước, cho thấy các DN trong nước đã nâng cao được lợi thế cạnh tranh để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính. Đây là thành quả tích cực cần được nâng lên.
Dù khởi đầu tích cực, song các chuyên gia cũng lưu ý một vấn đề cần quan tâm đối với xuất khẩu trong năm tới. Đó là xu hướng bảo hộ mậu dịch của các đối tác quốc tế có chiều hướng gia tăng, đã gây ra nhiều rào cản đối với DN trong nước. Vì vậy trong năm tới rất cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ cho các DN thuộc các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, hàng nông, lâm, thuỷ sản…