Xuất khẩu thủy sản tăng, với đóng góp lớn hơn từ phía lượng
Kim ngạch nhóm hàng thủy sản xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 328 triệu USD), do cả lượng và giá cùng tăng, nhưng đóng góp từ yếu tố lượng lớn hơn.
Sau khi sụt giảm trong tháng 2/2018 do tính chu kỳ, xuất khẩu thủy sản bứt tăng mạnh trở lại trong tháng 3/2018, sau đó ổn định qua các tháng, tuy nhiên xu hướng tăng không mạnh như trong 7 tháng đầu năm ngoái.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Về mặt hàng, tháng 7/2018 so với tháng trước đó, nhóm mặt hàng có mã HS 03 (cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm…) có giá tăng tốt hơn so với các mặt hàng mã HS 16 (các chế phẩm từ thịt, cá hay động vật giáp xác, động vật thân mềm…). Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, giá hàng thủy sản xuất khẩu tăng 2,83% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có mức độ tập trung cao, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc vẫn là các thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, các thị trường còn lại chỉ đóng chưa tới 30% giá trị xuất khẩu. Dẫn đầu các thị trường tiêu thụ là chiếm 17,16% tổng trị giá xuất khẩu, tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với 16,68%.
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Giá xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trong tháng 7/2018, trừ thị trường Nhật Bản, giá giảm khoảng 3% so với tháng 6/2018.
Những yếu tố thuận lợi để xuất khẩu thủy sản tăng tốc
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 7/2018 tiếp tục xu hướng giảm giá của tháng trước. Mức giá cao nhất hiện trong khoảng 25.000 - 27.000 đ/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp,... giảm khoảng 3.000 đ/kg so với tháng trước. Giá cá tra giống nhích nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng của thời tiết, loại cỡ 30 con/kg hiện ở mức 25.000-30.000 đ/kg. Do các nhà nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc tạm ngừng thu mua cá tra để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó nên nhiều doanh nghiệp giảm thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Tuy nhiên, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.
Thị trường tôm nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng tăng giá đối với tôm sú và chững giá với tôm thẻ chân trắng sau khi nhích nhẹ vào tháng 6/2018. Do nhu cầu tại thị trường Hoa Kỳ sụt giảm bởi tồn kho cao, trong khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát buôn bán tôm qua đường tiểu ngạch nên lượng giao dịch chững lại trong tháng 7/2018. Tuy nhiên, theo dự báo, đến tháng 8 hoặc tháng 9 giá tôm thẻ chân trắng sẽ tăng khoảng 20% so với mức giá thấp nhất trong tháng 6/2018.
Trên thị trường thế giới, đà tăng trưởng của nuôi trồng thủy sản có thể duy trì đến năm 2022 do nhu cầu đối với thủy sản cao, khi dân số thế giới ngày càng tăng, trong khi sản lượng thủy sản khai thác giảm. Ngoài ra hệ thống logistics được cải thiện và những tiến bộ trong công nghệ nuôi trồng, chế biến, bảo quản, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản sẽ thúc đẩy tăng trưởng thủy sản nuôi trồng.
Một yếu tố thuận lợi khác là sở thích tiêu dùng cũng có thay đổi theo hướng chấp nhận thủy sản nuôi trồng an toàn và chất lượng cao. Điều này giảm bớt áp lực đối với ngành đánh bắt, nhất là trong bối cảnh các nước đối tác siết chặt các quy định và việc kiểm soát về nguồn gốc thủy sản đánh bắt có hợp pháp hay không.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản trong quý 3/2018 dự báo sẽ đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng mạnh hơn trong quý 3 và những tháng cuối năm, ước tăng khoảng 30%. Các sản phẩm hải sản như cá ngừ sẽ vẫn tăng khoảng 15%, mực-bạch tuộc tăng 10%.
Theo tính mùa vụ thì xuất khẩu tôm sẽ hồi phục trong những tháng tiếp theo do nhu cầu trên thị trường tăng trở lại, phục vụ mùa lễ hội cuối năm. Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại sẽ là động lực để bà con nông dân yên tâm nuôi tôm.
Đối với tôm nước lợ, dự báo sản lượng đạt 720 nghìn tấn (tăng 13,1% so với ước thực hiện năm 2017) trong đó tôm sú 290 nghìn tấn (tăng 4,7%), tôm thẻ chân trắng 430 nghìn tấn (tăng 0,7%).
Tác động của căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là mối quan tâm đối với ngành thủy sản. Hoa Kỳ dự kiến sẽ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc với các mã HS 03061700, 16052105, 16052110, 16052905, 16052910. Đây cũng là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Nếu có thể đảm bảo tốt công tác về nguồn gốc xuất xứ, đây có thể là một cơ hội tốt cho Việt Nam để tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.