Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, bước sang tháng 7, tình hình XK thủy sản có tín hiệu khả quan khi XK tôm và các mặt hàng khác đều tăng trở lại, trừ cá tra giảm, do vậy kết quả XK trong tháng 7 tăng 9%, đưa tổng XK thủy sản tính đến hết tháng 7/2019 đạt 4,7 tỷ USD, gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 7, XK sang những thị trường chính đều hồi phục, đặc biệt thị trường Trung Quốc tăng mạnh 51% khiến kết quả 7 tháng đầu năm sang thị trường này thay đổi hẳn cục diện, từ mức giảm 2% sau 6 tháng, sau tháng 7 đã tăng gần 5%. Tính đến hết tháng 7/2019, trừ XK sang EU vẫn bị thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (giảm gần 10%), sang Hàn Quốc giảm 3%; XK sang thị trường khác đều tăng trưởng dương (Nhật Bản tăng 11%, Mỹ tăng 2%).
Lực đẩy từ xuất khẩu tôm
XK tôm 6 tháng đầu năm nay giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,44 tỷ USD. Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm NK tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy XK tôm tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018.
Sau khi liên tục sụt giảm qua các tháng đầu năm, sang tháng 7/2019, XK tôm bắt đầu phục hồi với mức tăng khá hứa hẹn 13,4% đạt 334 triệu USD, đưa kết quả XK 7 tháng đầu năm lên 1,77 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chân trắng đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 68%, trong khi XK tôm sú đạt 384 triệu USD, chiếm 23%, tôm biển chiếm 10% với 181 triệu USD.
Tháng 7, các DN đẩy mạnh XK tôm sang tất cả các thị trường chính, điển hình là sang Mỹ tăng mạnh 37%, Trung Quốc tăng 48%, Australia tăng 56%, do vậy, tổng XK 7 tháng đầu năm cũng khả quan hơn. XK sang EU vẫn tăng trưởng âm 21%, trong đó XK sang các nước tiêu thụ chính trong khối như Anh, Đức, Hà Lan đều giảm lần lượt 5%, 9% và 45%, giá trung bình XK tôm sang các thị trường này đều giảm 1 USD/kg so với năm 2018.
Tại thị trường Nhật Bản, tuy khối lượng XK vẫn ổn định và nhu cầu của thị trường không tăng, nhưng giá trung bình XK giảm 1 USD/kg từ 12 USD xuống 11 USD khiến cho giá trị XK sang thị trường này giảm nhẹ gần 3% xuống 329 triệu USD. Trong khi đó, giá tôm từ Thái Lan, Indonesia ổn định ở mức 11 USD/kg, giá tôm Ấn Độ giảm nhẹ xuống 9,3 USD/kg.
Nhờ XK trong tháng 7 tăng mạnh nên XK tôm sang thị trường Mỹ 7 tháng đầu năm đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm liên tục 6 tháng đầu năm do lượng tồn kho cao, nhu cầu NK giảm mạnh so với cùng kỳ, giá trung bình NK giảm 1,1 USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
XK tôm sang Trung Quốc cũng tăng nhẹ gần 2% nhờ XK tháng 7 tăng vọt. 5 tháng đầu năm XK tôm của các DN qua đường tiểu ngạch và mậu biên vẫn gặp khó khăn nên giá tôm nguyên liệu chưa hồi phục. Hiện nay, Trung Quốc đang siết chặt thương mại mậu biên và tăng cường kiểm soát ATTP do vậy, XK tôm qua biên giới không được chấp nhận. Trong khi đó, XK tôm chính ngạch qua đường biển vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, từ tháng 6, tôm chân trắng XK chính ngạch qua đường biển sang Trung Quốc tăng khoảng 1,5 lần so với tháng trước, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục đem lại kết quả khả quan trong những tháng cuối năm.
Ngược với mặt hàng tôm, tháng 7 XK cá tra tiếp tục giảm gần 13% do vậy tổng XK 7 tháng đầu năm giảm 5,5% đạt 1,13 tỷ USD.
XK cá tra sang Mỹ giảm mạnh trong quý II (giảm gần 42%), kéo kết quả XK nửa đầu năm giảm gần 28% đạt 141 triệu USD, do ảnh hưởng của thuế CBPG giai đoạn POR14. XK tôm sang Mỹ trong tháng 7 giảm sâu hơn với 56%, khiến XK 7 tháng đầu năm sang thị trường này chỉ đạt 168 triệu USD, giảm 34%.
Trừ XK sang Trung Quốc trên đà hồi phục mạnh, tăng 71% trong tháng 7, XK sang các thị trường khác đều đảo chiều theo hướng xấu đi, trong đó XK sang EU giảm 16%, sang ASEAN giảm 14%, Mexico giảm 28% và Brazil giảm gần 30%. Do vậy, tăng trưởng sang EU sau 7 tháng đã chững lại so với kết quả 6 tháng đầu năm, tăng 12%, XK sang ASEAN tăng gần 5%, sang Mexico tăng gần 13%. Đứng đầu các thị trường NK cá tra, Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU, với 320 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
7 tháng đầu năm, XK các mặt hàng hải sản đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó cá ngừ tăng mạnh 20% đạt 429 triệu USD, các loại cá biển khác tăng 18% đạt 904 triệu USD, trong khi mực, bạch tuộc giảm 3% đạt 341 triệu USD. Riêng trong tháng 7, XK cá ngừ vẫn tăng 16% trong khi XK mực, bạch tuộc giảm 2,5%.
Việt Nam vẫn XK nhiều nhất là cá ngừ loin/phile đông lạnh với 231 triệu USD, tiếp đến là cá ngừ hộp với 101 triệu USD, các sản phẩm chế biến khác khoảng 71 triệu USD, còn lại là cá ngừ tươi/đông lạnh với trên 25 triệu USD.
Các sản phẩm mực XK đạt 166 triệu USD, chủ yếu là mực đông lạnh 97 triệu USD, mực khô 56 triệu USD, còn lại mực chế biến khác. Các sản phẩm bạch tuộc XK đạt 176 triệu USD, chủ yếu là bạch tuộc đông lạnh 145 triệu USD, còn lại bạch tuộc chế biến 30 triệu USD.
Kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng
Thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng rõ rệt đến XK các mặt hàng hải sản sang thị trường này, nhất là trong quý I, vấn đề xác nhận, chứng nhận nguyên liệu khai thác và NK còn bất cập khiến việc XK bị đình trệ. XK cá ngừ sang EU từ quý II phục hồi nên tổng XK nửa đầu năm vẫn giữ được mức tương đương cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó XK mực, bạch tuộc tiếp tục giảm sâu 14%.
Tuy nhiên, sang tháng 7, XK cá ngừ sang EU giảm mạnh 20%, trong khi XK mực, bạch tuộc tăng 12%. Thị trường Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng cao đối với XK cá ngừ (tăng 61%) và mực, bạch tuộc (tăng 60%) và là thị trường cá ngừ lớn nhất chiếm 43% kim ngạch của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 2,5% XK mực, bạch tuộc.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản lại chiếm tỷ trọng lớn mực, bạch tuộc XK của Việt Nam (chiếm 26%), chỉ đứng sau Hàn Quốc (42%) và trong 7 tháng đầu năm vẫn tăng 9% giá trị NK mực, bạch tuộc từ Việt Nam. XK cá ngừ sang Nhật đã hồi phục mạnh trong tháng 7 với mức tăng 85% nên kết quả 7 tháng gần tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thị trường này chỉ chiếm 3,5% giá trị XK cá ngừ Việt Nam. XK mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng 9% đạt 120 triệu USD, tuy nhiên, những tháng gần đây có dấu hiệu sụt giảm (tháng 6 giảm mạnh gần 29%, tháng 7 tiếp tục giảm 12%)
Vasep dự báo XK tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 -30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm.
XK cá tra sang thị trường Trung Quốc những tháng đầu năm bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng, tuy nhiên, từ tháng 6 đã tăng trở lại và dự báo những tháng tiếp theo, các DN XK cũng như nhà NK Trung Quốc đã bắt kịp yêu cầu và có sự điều chỉnh tốt hơn, do vậy XK sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.
XK cá ngừ sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên tại thị trường EU khó đoán định vì sẽ phụ thuộc vào kết quả thanh tra của EU cuối tháng 10/2019 đánh giá việc thực hiện khuyến nghị chống khai thác IUU của EU. Trong 1 vài tháng tới, có thể DN sẽ tiếp tục đẩy mạnh XK sang thị trường này.
Nếu có kết quả tích cực sau thanh tra, XK sẽ khởi sắc mạnh hơn, ngược lại kết quả những tháng cuối năm sẽ kéo kim ngạch XK của nửa cuối năm hoặc tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. XK các mặt hàng hải sản khác cũng bị chi phối bởi thẻ vàng IUU nhưng có thể các DN sẽ đẩy mạnh sang các thị trường khác ngoài EU, do vậy, XK vẫn có thể duy trì tăng trưởng dương trong những tháng cuối năm.