Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 270 tỷ USD với 5 điểm sáng nổi bật

Theo Bộ Công Thương, các chỉ số xuất nhập khẩu những tháng đầu năm nay thể hiện rõ xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu đến hết ngày 15/5/2024 đạt 270,82 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2024 (từ ngày 01/5 đến ngày 15/5/2024) đạt 31,9 tỷ USD, tăng 7,7% (tương ứng tăng 2,29 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2024. 

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 5/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/5/2024 đạt 270,82 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 38,87 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 182,8 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng 22,29 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 5/2024, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,63 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 6,36 tỷ USD.

Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2024 đạt 14,64 tỷ USD, giảm 8% (tương ứng giảm 1,28 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 4/2024.

Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 5/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 4/2024 ở một số nhóm hàng sau: sắt thép các loại giảm 256 triệu USD, tương ứng giảm 48,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 218 triệu USD, tương ứng giảm 10,9%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 187 triệu USD, tương ứng giảm 9,5%; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 108 triệu USD, tương ứng giảm 15,7%...

Như vậy, tính đến hết 15/5/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 138,59 tỷ USD, tăng 16,1% tương ứng tăng 19,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện  tăng 6,16 tỷ USD, tương ứng tăng 34,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,87 tỷ USD, tương ứng tăng 12,8%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,45 tỷ USD, tương ứng tăng 7,9%; máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng 1,27 tỷ USD, tương ứng tăng 64,6%... so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 5/2024 đạt 10,39 tỷ USD, giảm 6,5% tương ứng giảm 720 triệu USD so với kỳ 2 tháng 4/2024. Tính đến hết ngày 15/5/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 99,19 tỷ USD, tăng 13,6%, tương ứng tăng 11,87 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

xuất nhập khẩu

Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5/2024 đạt 17,26 tỷ USD, tăng 26% (tương ứng tăng 3,57 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 4/2024.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 5/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 4/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 915 triệu USD, tương ứng tăng 25,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 542 triệu USD, tương ứng tăng 32,2%; vải các loại tăng 203 triệu USD, tương ứng tăng 33,2%...

Như vậy, tính đến hết 15/5/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 17,5% (tương ứng tăng 19,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 7,61 tỷ USD, tương ứng tăng 26,7%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 2,15 tỷ USD, tương ứng tăng 15,2%; sắt thép các loại tăng 967 triệu USD, tương ứng tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,77 tỷ USD, tăng 25,3% (tương ứng tăng 2,17 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2024. Tính đến hết ngày 15/5/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 83,6 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 10,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. 

nhập khẩu

5 điểm sáng nổi bật của hoạt động xuất nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương, các chỉ số xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay thể hiện rõ xu hướng phục hồi và tăng trưởng tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, ghi nhận một số điểm tích cực nổi bật.

Thứ nhất, cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Thứ hai, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (25,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, đặc biệt là mặt hàng gạo, tuy chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng kim ngạch ghi nhận tăng 33,6% phản ánh mặt bằng giá có lợi trên thị trường. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản – vốn là nhóm thế mạnh của khối doanh nghiệp trong nước đã đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực doanh nghiệp này.

Thứ ba, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%, sắt thép các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%.

linh kiện điện tử
Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện sau 4 tháng năm 2024 đạt 21,5 tỷ USD, tăng mạnh 33,9% so cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)

Thứ tư, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam: sang Asean tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.

Thứ năm, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Tỷ trọng các mặt hàng cần nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (88,8%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việt Hằng