Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 470 tỷ USD

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9% so cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 15,49 tỷ USD.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất công bố ngày 22/8 của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2024 (từ ngày 01/8 đến ngày 15/8/2024) đạt 32,93 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm 4,24 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.  

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2024 đạt 473,33 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 68,58 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 321,04 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng 42,73 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 8 năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 933 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 15,49 tỷ USD.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng cao nhất

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8 năm 2024 đạt 16,93 tỷ USD, giảm 14,9% (tương ứng giảm 2,96 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 7/2024.

Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 8/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 7/2024 ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện giảm 791 triệu USD, tương ứng giảm 26,3%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 562 triệu USD, tương ứng giảm 21,4%; hàng dệt may giảm 211 triệu USD, tương ứng giảm 10,3% so cùng kỳ...

xuất nhập khẩu
Xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục tăng cao. (Ảnh minh họa)

Như vậy, tính đến hết 15/8/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 244,41 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 33,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,55 tỷ USD, tương ứng tăng 28,9%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 5,27 tỷ USD, tương ứng tăng 21,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,48 tỷ USD, tương ứng tăng 11,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,79 tỷ USD, tương ứng tăng 23,2%... so với cùng kỳ năm 2023.

xuất nhập khẩu

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 8/2024 đạt 12,14 tỷ USD, giảm 15,5% tương ứng giảm 2,23 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 7/2024. Tính đến hết ngày 15/8/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 175,36 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 21,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Đến giữa tháng 8/2024, tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 229 tỷ USD

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2024 đạt 16 tỷ USD, giảm 7,4% (tương ứng giảm 1,29 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2024.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 8/2024 giảm so với kỳ 2 tháng 7/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 307 triệu USD, tương ứng giảm 6,1%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 142 triệu USD, tương ứng giảm 6%.

nhập khẩu

Như vậy, tính đến hết ngày 15/8/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 228,92 tỷ USD, tăng 18% (tương ứng tăng 34,88 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,11 tỷ USD, tương ứng tăng 28,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 4,11 tỷ USD, tương ứng tăng 16,5%; sắt thép các loại tăng 1,36 tỷ USD, tương ứng tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 10,33 tỷ USD, giảm 6,7% (tương ứng giảm 745 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 7/2024. Tính đến hết ngày 15/8/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 145,68 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 20,94 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,6% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Việt Hằng