Hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ trên 15.000 lượt doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và thế giới với nhiều yếu tố bất lợi, phức tạp, khó lường như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, giá cả hàng hóa, lạm phát tăng cao.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn này, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chủ động sáng tạo trong triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có lĩnh vực xúc tiến thương mại, Bộ luôn chú trọng và quan tâm công tác xây dựng và củng cố mạng lưới tổ chức xúc tiến thương mại. Việc tổ chức các hội nghị giao ban công tác Xúc tiến thương mại tại 3 miền Bắc - Trung Nam là hoạt động hết sức cần thiết được duy trì hàng năm, nhằm tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại trên cả nước.
Cụ thể, trong năm 2022, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại đã triển khai hơn 755 đề án, đạt 82% kế hoạch. Tổng kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 của các Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương hơn 250 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 199 tỷ đồng.
Các hoạt động xúc tiến thương mại do các địa phương trên cả nước đã hỗ trợ trên 15.000 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường; Giá trị hợp đồng và giao dịch tại sự kiện đạt gần 300 tỷ đồng và 20 triệu USD đơn hàng xuất khẩu (chưa tính kết quả đạt được sau khi kết thúc sự kiện, doanh nghiệp tiếp tục đàm phán, giao dịch).
Trong đó, các Trung tâm xúc tiến thương mại các địa phương khu vực miền Nam đã tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Các Trung tâm xúc tiến thương mại đã thực hiện 147 hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ hơn 3.000 lượt doanh nghiệp địa phương tham gia.
Những tháng đầu năm 2023, tại các địa phương trên cả nước nói chung và tại khu vực miền Nam nói riêng đã hướng dẫn và tổ chức cho các doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước như giới thiệu doanh nghiệp địa phương tham gia các Hội chợ triển lãm chuyên ngành lớn ở thị trường EU, Trung Đông, Hoa Kỳ, Nhật Bản,… các chương trình Hội nghị quốc tế ngành hàng, kết nối các nhà cung ứng địa phương với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các nhà mua hàng xuất khẩu,…
Các hoạt động từ đầu năm đến nay thể hiện sự sôi động trở lại của hoạt động xúc tiến thương mại và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về thị trường trong các tháng qua.
Định hướng về công tác xúc tiến thương mại thời gian tới
Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đều ghi nhận sự sụt giảm, ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Với xu hướng biến động ngày càng phức tạp, khó lường về địa chính trị và địa kinh tế thế giới, kinh tế nước ta với độ mở lớn, dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đưa ra những định hướng cụ thể cho công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc vì đây là thị trường có quy mô lớn, có thói quen, tập quán tương tự Việt Nam đồng thời là thị trường gần gũi về khoảng cách địa lý, thuộc RCEP có điều kiện thuận lợi cho xúc tiến thương mại và xuất khẩu.
"Cần mở rộng kết nối, trao đổi thường xuyên với hệ thống các thương vụ, văn phòng xúc tiến Việt Nam ở nước ngoài. Các thương vụ, tổ chức hỗ trợ thương mại nước ngoài không chỉ cung cấp thông tin mà còn kết nối các hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể. Đây chính là những đối tác, cầu nối không thể thiếu, nhất là khi các hoạt động xúc tiến thương mại vươn ra thị trường thế giới", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phê duyệt theo kế hoạch của địa phương, của Bộ Công Thương, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản có tính mùa vụ, tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển và tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở các thị trường ngoài nước
Mặt khác, xúc tiến thương mại đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tăng cường, khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.