Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu sẽ có mức thuế tăng từ 0% lên 5%. Phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất thuế xuất khẩu với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ý kiến doanh nghiệp, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu phân bón, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, có thể tăng ngân sách từ nguồn phân bón xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, giá phân bón xuất khẩu quý I/2022 đã tăng hơn 230 USD/tấn so với giá xuất khẩu trung bình cả năm 2021, đạt 647,3 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ này để tăng xuất khẩu. Thống kê của Hải quan cho thấy, quý I/2022 lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 474.268 tấn, tăng 42,2% so với quý cùng kỳ, thu về 306,97 triệu USD, tăng 198,5%.
Theo ông Đông, việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ ảnh hưởng lớn đối với sản xuất phân bón NPK do sản phẩm NPK đang dư thừa công suất, khi áp thuế xuất khẩu 5% sẽ làm giảm sức cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan khi xuất khẩu vào các nước trong khu vực.
Hiện nay, cả nước có trên 800 doanh nghiệp lớn nhỏ sản xuất và kinh doanh phân NPK, trong đó một số nhà sản xuất lớn như Bình Điền, Lâm Thao, Phú Mỹ, Cà Mau,... và các đơn vị nhỏ lẻ tại địa phương, sử dụng dây chuyền và công nghệ phối trộn dạng hạt 3-4 màu, năng lực sản xuất theo thống kê sơ bộ khoảng 10-11 triệu tấn NPK/năm. So với nhu cầu 3,5-4 triệu tấn NPK/năm thì công suất hoạt động các Nhà máy NPK mới chỉ đạt 35-40% năng lực thiết kế.
Do sản phẩm NPK đang dư thừa công suất - nguồn cung NPK dồi dào, nên mức độ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất NPK trong nước rất cao bên cạnh đó áp lực cạnh tranh từ các mặt hàng NPK nhập khẩu cũng là một điều cần quan tâm; ngoài ra các đơn vị sản xuất NPK có mức tăng thấp do mỗi đơn vị có dự trữ nguyên liệu giá thấp hơn so với thị trường và giữ giá thấp để có thể gia tăng tiêu thụ giảm chi phí từ việc vận hành dưới công suất thiết kế.
Từ góc độ cụ thể của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, ông Ngô Văn Đông cho rằng nếu tăng thuế xuất khẩu phân bón NPK thì công ty sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn.
Thứ nhất, tăng thuế xuất khẩu phân bón NPK sẽ làm giảm công suất hoạt động và tăng chi phí, tăng giá thành cho công ty. Nếu áp dụng thuế xuất khẩu phân bón đối với mặt hàng NPK (nhóm hàng hóa 31.05) từ 0% lên 5% thì việc xuất khẩu mặt hàng NPK của công ty sẽ tăng giá từ 30-60 USD/tấn (tùy từng sản phẩm) sẽ rất khó để người tiêu dùng thị trường Campuchia, Lào chấp nhận, hoạt động xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục giảm sút mạnh.
Do áp lực cạnh tranh cung cao hơn cầu từ các nhà sản xuất NPK trong nước và hàng nhập khẩu, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền hằng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 600.000-700.000tấn/năm, mới chỉ đạt 60-75% năng suất thiết kế, trong đó xuất khẩu sang Campuchia, Lào ổn định xung quanh 100.000 tấn/năm chiếm 10-15% công suất hoạt động của công ty.
Hoạt động xuất khẩu giúp cho Công ty duy trì hoạt động ở mức công suất trên 50%, làm giảm chi phí cố định (chi phí khấu hao, quản lý,…), hạn chế tồn kho cao, thu được ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu nên tối ưu hóa nguồn vay ngân hàng từ USD lãi suất thấp hơn chi phí vay bằng VNĐ,… hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt hằng năm do xuất khẩu nên công ty được khấu trừ thuế GTGT hàng xuất khẩu khoảng 8 - 10 tỷ đồng/năm.
Thứ hai, tăng thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm phân bón NPK tại thị trường Campuchia và Lào. Cụ thể, do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên giá bán xuất khẩu của công ty phải điều chỉnh theo giá thị trường và đối thủ cạnh tranh tại Campuchia và Lào với biên lợi nhuận rất thấp để giữ thị trường, tuy nhiên do giá cả tăng cao nên tình hình tiêu thụ tại 2 thị trường này trong quý IV năm 2021 và sang Quý I năm 2022 đã giảm rất sâu, nêu áp dụng chính sách thuế xuất khẩu từ 0% lên 5% thì sự cạnh tranh của NPK Bình Điền sẽ tiếp tục giảm mạnh dự kiến sản lượng xuất khẩu có thể giảm đến 50-70%.
Thứ ba, việc áp dụng thuế xuất khẩu 0% hoặc 5% dành cho phân bón NPK (Nhóm hàng hóa 31.05) không có sự khác biệt trong thủ tục hành chính về xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm, do tỷ lệ này trong sản phẩm NPK rất thấp chưa có sản phẩm nào vượt tỷ lệ 51%.
Đánh giá tác động của Bộ Tài chính về phương án đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón (mã hàng 31.02 đến 31.05) là góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp; giảm bớt thủ tục hành chính do việc doanh nghiệp và cơ quan hải quan xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành, thống nhất về thuế xuất khẩu với các doanh nghiệp.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, căn cứ vào những dự báo tác động thì việc áp dụng thuế xuất khẩu phân bón NPK (nhóm hàng hóa 31.05) từ 0% lên 5% chưa đạt được các mục đích trên mà còn tác động tiêu cực làm tăng giá thành sản phẩm NPK tiêu thụ trong nước.
“Trên cơ sở đánh giá tổng quan về tình hình phân bón và phân tích các tác động đối với mặt hàng phân bón NPK, chúng tôi mong rằng Hiệp hội Phân bón Việt Nam xem xét, tổng hợp và đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính giữ nguyên, không tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón NPK thuộc nhóm 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu, nhằm đảm bảo lợi ích của bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất NPK trong nước và tính cạnh tranh sản phẩm NPK mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Ngô Văn Đông kiến nghị.