Yên Bái: Hướng tới xuất khẩu giấy bền vững

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giấy và bột giấy, trong đó chủ lực là sản xuất giấy đế, giấy vàng mã và là một trong những sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. hàn

Yên Bái là tỉnh miền núi, có nhiều lợi thế về phát triển lâm nghiệp. Toàn tỉnh hiện đã trồng được trên 264 ngàn ha kinh tế, chiếm 52,9% diện tích đất lâm nghiệp. Hàng năm, khai thác được 200.000m3, trên 100 ngàn tấn tre, nứa, vầu và các lâm sản phụ. Đây là nguồn nguyên liệu lớn phục vụ công nghiệp chế biến, trong đó có công nghiệp giấy và bột giấy.

Đầu tư cho ngành kinh tế mũi nhọn

Sản xuất giấy được coi là ngành kinh tế mũi nhọn ở Yên Bái, không chỉ góp phần tiêu thụ sản phẩm rừng, giải quyết việc làm cho trên 3 ngàn lao động, mà còn đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh. Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 dây chuyền sản xuất giấy bằng nguyên liệu sợi dài, với công suất trên 35 ngàn tấn sản phẩm/năm. Các nhà máy mọc lên khắp các vùng quê Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên.

Đây là những dây chuyền thiết bị sản xuất công nghệ mới mà Công ty CP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư. Nhờ công nghệ này đã mở ra một chặng đường phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Số lượng mặt hàng sản xuất dần tăng lên, chất lượng sản phẩm từ đó cũng phát huy được hết ưu điểm, sản lượng sản xuất cũng tăng nhanh đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng. Hiện nay, Công ty có 03 nhà máy sản xuất giấy đế với công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm; 02 Nhà máy gia công giấy vàng mã xuất khẩu, công suất 4.000 tấn sản phẩm/năm; 01 Nhà máy sản xuất tinh bột sắn, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, 01 Nhà máy chế biến tinh dầu Quế, công suất 60 tấn sản phẩm/năm.

Mặc dù là đơn vị đi sau, Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn với tinh thần chịu khó học hỏi, năng động trong việc tạo nguồn nguyên liệu đầu vào, sáng tạo trong tổ chức sản xuất và không ngừng tìm tòi cải tiến quy trình công nghệ, sản phẩm giấy đế xuất khẩu của Công ty có sự tăng trưởng nhanh qua các năm, doanh thu từ 1,7 - 2 triệu USD mỗi năm. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, cái được lớn nhất của mặt hàng này không chỉ ở sản lượng và doanh thu, giải quyết lao động tại chỗ mà còn từ chất lượng, mẫu mã sản phẩm đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đặt hàng và rất được lòng khách hàng khó tính.

Về cơ bản, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất giấy đế là xenlulo sợi dài từ tre, nứa, vầu…. Giấy đế là loại giấy chỉ dùng để làm vàng mã. Hiện tại, các sản phẩm đều được sản xuất để phục vụ thị trường Đài Loan.

Xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững

Nhận thức việc xả thải sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của nhân dân trong vùng nên hầu hết các cơ sở sản xuất đều đã chú trọng đầu tư công nghệ xử lý nước thải đúng yêu cầu kỹ thuật, nên trong quá trình sản xuất không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời ý thức bảo vệ nguồn nguyên liệu bền vững cũng luôn được coi trọng.

Ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc SCT Yên Bái cho biết: Bên cạnh việc ý thức trong bảo vệ môi trường các đơn vị sản xuất kinh doanh giấy đế, giấy vàng mã cũng chú trọng đến việc tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Với hàng chục dây chuyền sản xuất giấy đế, giấy vàng mã có tổng công suất 32.500 tấn sản phẩm/năm, tiêu tốn khoảng trên 120.000 tấn nguyên liệu tre, vầu, nứa. Dù Yên Bái có trữ lượng tre, nứa vầu khá dồi dào nhưng với việc khai thác tài nguyên một cách bừa bãi thì tài nguyên có giàu đến mấy cũng đến lúc cạn kiệt. Vì vậy, để ngành giấy Yên Bái phát triển bền vững thì việc xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Do vậy, việc hướng dẫn cho người dân trồng và khai thác hiệu quả là giải pháp hữu hiệu cho các đơn vị sản xuất kinh doanh giấy, hơn nữa đặc điểm phát triển của tre, nứa,

luồng là hàng năm sinh măng, do vậy, nếu trồng một lần để có thể khai thác trong nhiều năm thì cần chăm sóc cây và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, nếu không bổ sung phân bón thì đất sẽ bị bạc màu dẫn đến năng suất bị giảm sút.

Việc sản xuất kinh doanh mặt hàng giấy đế, giấy vàng mã đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội tại Yên Bái, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên để ngành này phát triển bền vững cần sự nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp từ việc hỗ trợ người dân trồng và khai thác tre, nứa, luồng có hiệu quả và khoa học đến việc sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường, bên cạnh đó các cơ quan chức năng của Yên Bái cũng cần kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường, tháo gỡ khó khăn về thuế v.v…


Ngọc Lan