Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức

Bài nghiên cứu "Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức" do ThS. Dương Thị Huyền Trân (Trường Đại học Văn Hiến) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này thực hiện nhằm xác định và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị (KTQT) tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức. Kết quá nghiên cứu cho thấy 6 thành phần có tác động tích cực đến việc vận dụng KTQT, bao gồm: Nhận thức về KTQT của nhà quản lý; Quy mô tổ chức; Chiến lược của tổ chức; Phân quyền; Trình độ nhân viên kế toán; Mức độ cạnh tranh của thị trường. Kết quả nghiên cứu gợi ý một số chính sách cho các nhà quản lý tại các ngân hàng thương mại trong việc nâng cao việc vận dụng kế toán quản trị trong các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

Từ khóa: kế toán quản trị, vận dụng kế toán quản trị, ngân hàng thương mại, thành phố Thủ Đức.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, các ngân hàng thương mại đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế phát triển nhanh như hiện nay, để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững thì công tác quản lý kinh tế tài chính là một yêu cầu bức xúc. Hàng loạt các chính sách, chế độ kinh tế - tài chính đã và đang được nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung. Trong đó, kế toán là một công cụ quản lý kinh tế tài chính hữu hiệu đã được cải cách toàn diện, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện đó, tổ chức kế toán đặc biệt là tổ chức kế toán quản trị một cách khoa học hợp lý cho các ngân hàng thương mại có ý nghĩa nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đơn vị này. Việc ứng dụng KTQT trong việc cung cấp thông tin cho các nhà quản lý điều hành đơn vị là cần thiết. Do đó, việc nghiên cứu các nhân tố nhằm nâng cao việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức sẽ là một vấn đề cần thiết, mở ra một hướng mới, giúp các nhà quản lý và các đối tượng sử dụng thông tin của đơn vị đưa ra các quyết định đúng đắn.

kế toán quản trị

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Theo Luật Kế toán Việt Nam định nghĩa “kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản lý và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”. Ứng dụng KTQT trong ngân hàng thương mại được hiểu là việc sử dụng các công cụ phục vụ công tác KTQT, mà hiện nay các chuyên gia thường xuyên nhấn mạnh việc sử dụng các công cụ quản trị mới thay cho các công cụ truyền thống. Một trong các ứng dụng mạnh mẽ đang được triển khai chính là Phần mềm phân tích lợi nhuận đa chiều - MPA (Multi-dimension Profitability Analysis) đang được một số ngân hàng sử dụng, cho phép khai thác, phân tích lợi nhuận của ngân hàng theo nhiều cách tiếp cận đa dạng, từ đó tạo điều kiện cho nhà quản lý đưa ra quyết định kinh tế đúng đắn, kịp thời. KTQT là một bộ phận quan trọng trong hoạt động quản trị và nhân viên KTQT là những đối tác quan trọng của tổ chức (Ahmad, 2015). Công tác KTQT giúp nhà quản trị hoàn thiện các chức năng quản trị căn cứ vào nguồn thông tin được cung cấp. Vì vậy, vai trò của KTQT là cung cấp thông tin cho các chức năng hoạch định, tổ chức, kiểm soát và ra quyết định.

  • Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT:

(i) Nhận thức về KTQT của nhà quản lý: Theo Nguyễn Vũ Thanh Giang (2017), hệ thống thông tin KTQT trong các đơn vị được thiết lập và tồn tại hay không phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thông tin của đối tượng sử dụng thông tin và ở đây là thông tin KTQT sử dụng cho các nhà quản trị. Ngoài nhu cầu thông tin, sự ủng hộ của nhà quản trị trong việc tiếp cận các kỹ thuật KTQT mới và vận dụng vào tổ chức cũng là nhân tố tích cực ảnh hưởng đến sự vận dụng KTQT trong đơn vị.

Do đó, giả thuyết H1 được đưa ra: Nhận thức về KTQT của nhà quản lý ảnh hưởng cùng chiều đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

(ii) Quy mô tổ chức: Hussain, M. (2003) đã chứng minh một cách nhất quán rằng quy mô của một tổ chức có ảnh hưởng việc sử dụng KTQT trong các tổ chức kinh doanh. Một đơn vị lớn có tổng nguồn lực cao hơn và các hệ thống liên lạc nội bộ tốt hơn, từ đó tạo điều kiện phổ biến và vận dụng kế toán quản trị trong đơn vị. Ngoài ra, các tổ chức lớn có sự phức tạp và đối mặt với các vấn đề khó khăn hơn. Vì vậy, họ yêu cầu kiểm soát nhiều hơn và cần nhiều thông tin về các hoạt động kinh doanh của họ, do đó, cần có hệ thống KTQT toàn diện và tinh vi hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Hussain, M. (2003) cũng đã cho thấy có sự tác động dương từ quy mô của các đơn vị đối với việc vận dụng KTQT trong tổ chức.

Từ đây, cơ sở đưa ra giả thuyết H2: Quy mô tổ chức ảnh hưởng cùng chiều đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

(iii) Chiến lược của tổ chức: Theo Alnawaiseh, M. (2013), chiến lược là một kế hoạch tổng thể của tổ chức, nhằm triển khai nguồn lực để thiết lập một vị trí thuận lợi và cạnh tranh thành công với các đối thủ khác. Nghĩa là chiến lược mô tả một khuôn khổ và biểu đồ hành động của đơn vị làm thế nào để đối phó với sự thay đổi môi trường bên ngoài và các đối thủ cạnh tranh.Vai trò của kế toán quản trị là cung cấp thông tin để lập kế hoạch, kiểm soát và ra quyết định, nhằm hỗ trợ các nhà quản trị đưa ra chiến lược phù hợp (Daniel và Reitsperger, 1991).

Từ đây, giả thuyết H3 đưa ra: Chiến lược của tổ chức ảnh hưởng cùng chiều đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

(iv) Phân quyền: Việc phân quyền đem lại cho các nhà quản trị trách nhiệm lớn hơn trong việc lập kế hoạch, kiểm soát các hoạt động và quyền truy cập thông tin ở bộ phận mình quản lý (Hammad, 2010). Phân quyền trong tổ chức là cơ sở để hình thành hệ thống kế toán trách nhiệm, theo đó, các nhà quản trị được đánh giá và khen thưởng dựa trên kết quả hoạt động của trung tâm do họ kiểm soát. Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm, các nội dung và kỹ thuật KTQT như lập dự toán, báo cáo bộ phận, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm cần được áp dụng (Ghasemi, 2019).

Do đó, giả thuyết H4 được đưa ra: Phân quyền ảnh hưởng cùng chiều đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

(v) Trình độ nhân viên kế toán: Với chức năng ghi chép, tổng hợp và cung cấp các thông tin kinh tế cho các nhà quản lý và những người sử dụng thông tin kế toán đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của tổ chức (Hammad, 2010). Như vậy, tất cả những thông tin về kinh tế, tài chính nói chung đều phải được qua bộ phận kế toán phân tích, xử lý, từ đó cung cấp thông tin cho những nhà quản lý có thể theo dõi được tình hình hoạt động của đơn vị, lấy đó là căn cứ để đánh giá và định hướng đi cho đơn vị. 

Theo Nguyễn Thị Thu (2016), trình độ của nhân viên kế toán tổng hợp từ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng lao động của họ. Trình độ chuyên môn về KTQT là điều kiện đảm bảo cho nguồn nhân lực hoạt động mang tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa.

Giả thuyết H5 được đề xuất trong mô hình nghiên cứu là: Nhận thức về KTQT của nhà quản lý ảnh hưởng cùng chiều đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

(vi) Mức độ cạnh tranh của thị trường: Hiện nay, đã có sự thay đổi đáng kể trong môi trường bên ngoài mà các công ty phải đối mặt trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này bao gồm các đối thủ cạnh tranh hoạt động tích cực hơn, khách hàng ngày càng khó tính và sự sẵn có của các công nghệ xử lý thông tin (Alnawaiseh, 2013). Những thay đổi như vậy đã xảy ra do sự bãi bỏ quy định tài chính và rào cản thị trường và ngày càng nhiều đơn vị cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu duy nhất. Toàn cầu hóa ngày càng tăng dẫn đến cạnh tranh quốc tế khốc liệt, tăng nhu cầu của khách hàng bao gồm nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng và vòng đời sản phẩm ngắn hơn (Alnawaiseh, 2013). Do đó, cần có hệ thống KTQT tốt để cung cấp thông tin cho các nhà quản lý điều hành đơn vị.

      Do đó, giả thuyết H6 được đưa ra: Mức độ cạnh tranh của thị trường ảnh hưởng cùng chiều đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức.

2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp khám phá, nghiên cứu định tính, định lượng. Sử dụng các kỹ thuật phân tích: thống kê mô tả, phân tích khám phá EFA, mô hình hồi quy. Thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc được thiết kế dựa theo các nghiên cứu trước đó, được thiết kế đánh giá theo Likert 5.

Mẫu nghiên cứu: Đối tượng khảo sát nghiên cứu là các nhân viên kế toán, các nhà quản lý của các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức. Số bảng khảo sát phát ra là 200, thu về 180. Sau khi lọc, làm sạch, còn 168 bảng khảo sát đưa vào phân tích chính thức, kích thước mẫu phù hợp với công thức quy mô mẫu của Tabachnick và Fidell (2007).

Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố nhằm nâng cao việc vận dụng KTQT gồm 6 nhân tố như sau: 

KTQT = β0 + β 1 NQL + β2 QMO + β3 CLUO + β4 PQUY + β 5 TĐNV + β6 CTTT + ε

Trong đó:

 - KTQT: Biến phụ thuộc (Vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại)

- Các biến độc lập:

  • NQL: Nhận thức về kế toán quản trị của nhà quản lý;
  • QMO: Quy mô tổ chức;
  • CLUO: Chiến lược của tổ chức;
  • PQUY: Phân quyền
  • TĐNV: Trình độ nhân viên kế toán

+    CTTT: Mức độ cạnh tranh của thị trường

+ ε: Hệ số nhiễu.

+ β: Hệ số hồi quy.

3. Kết quả nghiên cứu

Sau khi kiểm định độ tin cậy của các thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc, tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như Bảng 1.

Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

Mô hình

Hệ số R

Hệ số R2

Hệ số R2 - hiệu chỉnh

Sai số chuẩn của ước lượng

1

,710a

,604

,586

,14853

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu SPSS

Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 = 0,604> 0,5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0,586, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 58,6%.

Kết quả hồi quy trong Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả hồi quy

Mô Hình

 

Hệ số chưa

chuẩn hóa

Hệ số

chuẩn hóa

T

Sig.

Thống kê

đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Hệ số

Tolerance

Hệ số VIF

1

(Constant)

1,492

,207

 

7,211

,000

 

 

NQL

,075

,020

,215

3,765

,000

,944

1,060

QMO

,174

,048

,253

3,631

,000

,633

1,579

CLUO

,123

,029

,264

4,225

,000

,789

1,268

PQUY

,087

,023

,233

3,707

,000

,782

1,278

TĐNV

,083

,020

,240

4,189

,000

,935

1,070

CTTT

,087

,020

,246

4,245

,000

,917

1,091

Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu SPSS

Căn cứ vào Bảng 2, phương trình hồi quy tuyến tính bội của các nhân tố đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức, với các hệ số chuẩn hóa như sau:

KTQT = 0,215NQL + 0,253QMO + 0,264CLUO + 0,233PQUY + 0,240TĐNV+ 0,246CTTT

Kết luận: Mục đích của nghiên cứu này là xác định và đo lường mức ảnh hưởng của các nhân tố đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được 6 nhân tố có ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT tại các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: nhân tố chiến lược của tổ chức ảnh hưởng mạnh nhất với Beta = 0,264; nhân tố quy mô tổ chức ảnh hưởng mạnh thứ hai với hệ số Beta = 0,253; nhân tố mức độ cạnh tranh của thị trường ảnh hưởng mạnh thứ ba với hệ số Beta = 0,246; nhân tố tiếp theo trình độ nhân viên kế toán ảnh hưởng thứ tư với hệ số Beta = 0,240; nhân tố tiếp theo phân quyền ảnh hưởng thứ năm với hệ số Beta = 0,233; cuối cùng là nhân tố nhận thức của nhà quản lý về KTQT ảnh hưởng thấp nhất với hệ số Beta = 0,215.

4. Kiến nghị

Các ngân hàng thương mại thành phố Thủ Đức cần xây dựng chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ hướng đến những thị trường có giá trị gia tăng cao. Để thực hiện được chiến lược này, chi nhánh ngân hàng cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, giá phí dịch vụ,... Chi nhánh cũng cần có chiến lược nghiên cứu thị trường, việc này giúp chi nhánh nắm bắt được yêu cầu của khách hàng, giá phí, từ đó biết được sản phẩm nào là thế mạnh của ngân hàng.

Vì nguồn lực tài chính là có hạn, nên các nội dung như chi phí về nguồn nhân lực KTQT, tư vấn tổ chức KTQT và chi phí về công nghệ thông tin, về yêu cầu tin học hóa bộ máy kế toán,… là vấn đề đơn vị cần tính toán, cân nhắc. Tùy vào tình hình khả năng tài chính, chi nhánh ngân hàng có thể lựa chọn áp dụng các mô hình KTQT tiết kiệm chi phí như kết hợp KTQT với KTTC, sử dụng những phần mềm nhỏ gọn nhưng thông tin cung cấp là phù hợp cho nhu cầu sử dụng, tận dụng một phần nguồn dữ liệu, thông tin từ KTTC mà phục vụ cho KTQT trên cơ sở đảm bảo mối quan hệ lợi ích và chi phí.

Không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành, để đưa ra các chiến lược phát triển phù hợp cả về chiều sâu và chiều rộng, không ngừng học hỏi, tiếp thu nhiều phương pháp quản lý mới, hiện đại để áp dụng vào chi nhánh ngân hàng. Về nhân tố này, tác giả kiến nghị, chi nhánh ngân hàng cần xây dựng một đội ngũ nhân sự làm công tác kế toán tài chính và kế toán quản trị vừa có chuyên môn nghiệp vụ, vừa có sự hiểu biết về hoạt động của ngân hàng, từ đó đưa ra các phân tích, đánh giá chính xác trên cơ sở số liệu thu thập được.

Tăng mức độ thực hiện trao quyền quản lý cho nhân viên, phòng/ban trong tự quyết định, tự chịu trách nhiệm phần công việc mình đảm nhận. Nhà quản lý được phân quyền càng cao, càng cần nhiều thông tin phức tạp hơn trong quá trình ra quyết định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Thu (2016). Hệ thống thông tin kế toán quản trị trong quyết định ngắn hạn tại Công ty TNHH Cao su Minh Thành. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Nguyễn Vũ Thanh Giang (2017). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Ahmad, K., & Zabri, S. M. (2015). Factors explaining the use of management accounting practices in Malaysian medium-sized firms. Journal of Small Business and Enterprise Development.
  4. Alnawai seh, M. (2013). The extent of applying strategic management accounting tools in Jordanian banks. International Journal of Business and Management, 8(19), 32-44.
  5. Hammad, S. A., Jusoh, R., & Oon, E. Y. N. (2010). Management accounting system for hospitals: a research framework. Industrial Management & Data Systems.
  6. Hussain, M. (2003). The impact of economic condition on management accounting performance measures: Experience with banks. Managerial Finance.
  7. Ghasemi, R., Habibi, H. R., Ghasemlo, M., & Karami, M. (2019). The effectiveness of management accounting systems: evidence from financial organizations in Iran. Journal of Accounting in Emerging Economies.
  8. Tabachnick, B. G., & Fidell, L. S. (2007). Using multivariate statistics. Northridge. Cal.: Harper Collins.

FACTORS AFFECTING THE APPLICATION OF MANAGEMENT ACCOUNTING AT COMMERCIAL BANKS LOCATED IN THU DUC CITY

Duong Thi Huyen Tran

Van Hien University

Abstract:

This study identifies and measures the factors affecting the application of management accounting at commercial banks located in Thu Duc City. The study finds that there are six components positively impacting the application of management accounting, including: the: manager's perception of management accounting, the organization's scale, the organization’s strategy, the decentralization, the competencies of the accountants, and the level of market competition.  The study’s findings suggest some policies for managers to improve the application of management accounting in commercial banks in Thu Duc City.

Keywords: management accounting, applying management accounting, commercial bank, Thu Duc City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 8 năm 2023]

Tạp chí Công Thương