Nghiên cứu tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng

Bài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng" do ThS. GVC Trương Thị Như Hà - ThS. Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguồn bổ sung vốn, công nghệ, khả năng kinh doanh và năng lực quản lý, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế về kinh tế. Bài viết xác định tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng trên cơ sở dữ liệu thu thập từ năm 2010 đến hết năm 2022. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy khi vốn FDI tăng 1 tỷ đồng, GRDP sẽ tăng 0.580813 tỷ đồng; khi có thêm 1 doanh nghiệp FDI thì GRDP sẽ tăng 292.6876 tỷ đồng. Bài viết cũng khuyến nghị một số biện pháp duy trì đẩy mạnh thu hút FDI, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. 

Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng trưởng kinh tế, thành phố Hải Phòng.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng kinh tế luôn được coi là thước đo phát triển kinh tế đất nước, là mục tiêu hướng đến trong quá trình phát triển. Vì thế, các quốc gia đều rất quan tâm đến các yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế, trong đó có FDI. Vốn FDI là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của một đất nước. Tác động của vốn FDI đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã được thực tế chứng minh. Song song với quá trình toàn cầu hóa, vị trí của FDI càng trở nên quan trọng hơn. Với Việt Nam, FDI lại càng có ý nghĩa hơn trong việc cung cấp công nghệ, vốn, kinh nghiệm quản lý, quy mô sản xuất mở rộng, tạo ra năng lực sản xuất mới, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Do đó, tác giả đã chọn vấn đề tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng để nghiên cứu.   

đầu tư trực tiếp nước ngoài

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Có khá nhiều nghiên cứu trong nước và trên thế giới dùng phương pháp định lượng để lượng hóa và kiểm định việc đánh giá tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế. Ghirmay và cộng sự (2001) đã phân tích nguyên nhân đa biến dựa trên mô hình hồi quy để nghiên cứu quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng cho 19 nước đang phát triển, kết quả cho thấy thúc đẩy xuất khẩu sẽ thu hút FDI và tăng GDP của những nước này. Laura Alfaro (2003) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và năng suất lao động bằng phương pháp hồi quy với số liệu hỗn hợp nhằm khảo sát mối quan hệ giữa FDI và năng suất lao động ở những ngành khác nhau tại 47 quốc gia trong thời kì 1981 - 1999 và kết luận rằng FDI có tác động tích cực tới năng suất lao động ngành chế biến, nhưng lại tác động tiêu cực tới tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng.

Hay các nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Hoa (2004); Nguyễn Thị Liên Hoa (2002) thời kì 1996 - 2001; Trịnh Hoài Nam, Nguyễn Mai Quỳnh Anh (2015) giai đoạn 1990 - 2013; Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Hoa (2019) giai đoạn 1988 - 2017 đều có kết luận chung rằng FDI có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Phạm Thái Anh Thư (2014) sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả, điều tra bằng bảng hỏi và kết luận tác động của FDI đến GRDP của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2004 - 2013 còn thấp.

 Nguyễn Hồng Hà (2015) với nghiên cứu ở tỉnh Trà Vinh thời kì 1999 - 2013 đã sử dụng mô hình tự hồi quy Vector (VAR) và kết luận việc thu hút FDI có tác động tới tăng trưởng kinh tế tỉnh Trà Vinh còn khiêm tốn, chỉ duy trì tăng nguồn vốn trong giai đoạn đầu, đến giai đoạn sau tác động không tốt đến tăng trưởng và ngược lại.

Nguyễn Thị Hằng và các cộng sự (2020) với phương pháp bình phương tối thiểu đã kết luận vốn FDI có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2019, khi có 1 đồng FDI đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, thì GRDP tăng 0.721 đơn vị.

Như vậy, đã có nhiều nghiên cứu về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế, sử dụng phương pháp định tính hoặc định lượng với mức độ và chiều hướng tác động khác nhau, nhưng chưa có nghiên cứu nào về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng. Vì vậy, tác giả chọn chủ đề này nhằm phân tích ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng bằng phương pháp hồi quy dữ liệu. Đây là thành phố trong nhiều năm gần đây có xếp hạng cao về thu hút FDI tại Việt Nam, nhưng lại chưa có đánh giá tác động cụ thể của FDI đến sự thay đổi chỉ số phát triển kinh tế của Thành phố.

2.2. Lý thuyết về tăng trưởng

Có nhiều lý thuyết về tăng trưởng kinh tế. Trong nghiên cứu này tác giả dựa trên nền tảng lý thuyết tăng trưởng theo trường phái tân cổ điển kết hợp với lý thuyết tăng trưởng hiện đại.

Theo lý thuyết tăng trưởng của trường phái tân cổ điển, đứng đầu là Alfred Marshall (1842 - 1924), ngoài các yếu tố vốn (K), lao động (L), đất đai (R), tiến bộ kỹ thuật (T) là yếu tố cơ bản tác động lên tăng trưởng kinh tế; vốn có thể thay thế được nhân công. Các nhà kinh tế tân cổ điển đã cố gắng giải thích nguồn gốc của sự tăng trưởng kinh tế thông qua hàm sản xuất: Y = f(L,K,R,T) (Y: đầu ra; L: số lượng lao động, K: vốn; R: nguồn tài nguyên thiên nhiên; T: Khoa học công nghệ).

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại ủng hộ nền kinh tế hỗn hợp, là sự xích lại gần nhau của 2 trường phái tân cổ điển và lý thuyết của Keynes. Đại diện tiêu biểu cho trường phái này là P.A. Samuelson cho rằng ngoài các yếu tố như lao động, vốn, đất đai thì tiến bộ công nghệ ngày càng trở nên quyết định đến tăng trưởng kinh tế. Và muốn có kỹ thuật công nghệ tiên tiến phải dựa trên vốn lớn.

3. Phương pháp và mô hình nghiên cứu:

3.1. Nguồn và dữ liệu thu thập

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu thứ cấp được thu thập từ Cục Thống kê Hải Phòng giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2022, bao gồm số vốn FDI thực hiện theo giá hiện hành, số dự án FDI đăng ký lũy kế được cấp phép còn hiệu lực, số vốn FDI đăng ký lũy kế còn hiệu lực, số doanh nghiệp FDI, số lao động doanh nghiệp FDI, GRDP của thành phố Hải Phòng. (Bảng 1)

Bảng 1. Đầu tư FDI và GRDP tại thành phố Hải Phòng

đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nguồn: Niên giám thống kê Hải Phòng

3.2. Mô hình nghiên cứu

Để phân tích tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng, tác giả sử dụng mô hình hồi quy như sau: GRDP = f(FDI, NODN, NOLD)

GRDP = β0 + β1*FDI + β2 *NODN + β3 *NOLD + e (1)

Trong đó:

  • GRDP:biến phụ thuộc, là tổng sản phẩm quốc nội (theo giá so sánh) của Hải Phòng.
  • FDI, NODN, NOLD: là các biến độc lập tác động đến GRDP, lần lượt là số vốn FDI thực hiện, số doanh nghiệp FDI, số lao động doanh nghiệp FDI.
  • β0:hằng số hồi quy, hay còn được gọi là hệ số chặn. Đây là chỉ số nói lên giá trị của GRDP sẽ là bao nhiêu nếu tất cả các biến độc lập cùng bằng 0.
  • β1, β2, βn:hệ số hồi quy, hay còn được gọi là hệ số góc. Chỉ số này cho biết có bao nhiêu đơn vị GRDP sẽ thay đổi nếu biến độc lập tăng hoặc giảm một đơn vị.
  • e: sai số. Chỉ số này càng lớn, càng khiến cho khả năng dự đoán của hồi quy trở nên kém chính xác hơn hoặc sai lệch nhiều hơn so với thực tế. Sai số trong hồi quy tổng thể hay phần dư trong hồi quy mẫu đại diện cho 2 giá trị, đó là các biến độc lập ngoài mô hình và các sai số ngẫu nhiên.

Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phương pháp tổng hợp, so sánh để xử lý số liệu, phương pháp thống kê mô tả và sử dụng phần mềm Eviews 10 làm công cụ hỗ trợ phân tích định lượng để tiến hành kiểm định tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Phòng.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Phân tích thực trạng kinh tế ở thành phố Hải Phòng

Về số vốn FDI thực hiện (Hình 1)

Hình 1: FDI và tốc độ tăng FDI thực hiện theo giá hiện hành giai đoạn 2010 - 2022

đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nguồn: Niên giám thống kê Hải Phòng và tính toán của tác giả

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019, vốn FDI thực hiện có xu hướng tăng lên; tăng cao nhất là năm 2019 với 51,941.43 tỷ đồng; năm 2020 giảm xuống do đại dịch Covid-19 nhưng sang năm 2021 và 2022 bắt đầu tăng trở lại. Tốc độ tăng FDI thực hiện cũng theo cùng chiều hướng tăng ở giai đoạn 2010 - 2019, tăng cao nhất vào năm 2018 với tốc độ 83.34%, năm 2020 bị giảm 22.93%, từ năm 2021 trở đi tăng chậm dần. Hai năm 2010 và 2011, FDI thực hiện chiếm tỷ lệ khiêm tốn với trên 10% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Hải Phòng. Nhưng sang năm 2012, tỷ lệ này bắt đầu tăng dần, cụ thể năm 2012 đạt 20.19% và có xu hướng tăng đều đến hết năm 2022 với mức trên dưới 30%, cao nhất là năm 2021 với tỷ lệ là 36.02%

Vốn FDI thực hiện giai đoạn 2010 - 2022 bình quân mỗi năm đạt 26,232.56 tỷ đồng, tăng trung bình 4,659.20 tỷ đồng/năm, tương ứng với 24.70%/năm, cao nhất đạt 60,164.35 tỷ đồng vào năm 2022, thấp nhất là năm 2010 với 4,254 tỷ đồng, với sự tham gia của nhiều tập đoàn quốc tế lớn, như: LG, Nipro Bridgestone (Nhật Bản), Pharma (Nhật Bản), Kyocera (Nhật Bản), Fuji Xerox (Nhật Bản), Regina Miracle International Việt Nam (Hồng Kong). Các dự án tập trung vào ngành công nghệ cao, ít gây ô nhiễm, như: LG, LG Display, Bridgestone,…

Về số vốn đăng kí (lũy kế còn hiệu lực) theo các ngành

Ngành Công nghiệp chế biến chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn FDI đăng ký, theo xu hướng tăng dần từ năm 2012 đến năm 2022, thấp nhất là 43.58% năm 2011 và tăng lên gần gấp 2 lần vào năm 2022 (với 83.04%). Quy mô vốn cũng liên tục tăng lên từ 2.28 tỷ USD năm 2010 đến 20.578 tỷ USD năm 2022 (gấp gần 10 lần năm 2010). Tiếp đến là ngành Kinh doanh bất động sản cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong năm 2010, nhưng năm 2011 không có dự án nào. Từ năm 2012 đến năm 2016, tỷ trọng vốn lũy kế tăng dần, cao nhất là năm 2016 (với 21.96%) và có xu hướng giảm dần từ năm 2017 đến năm 2022. Từ năm 2012 đến năm 2016, quy mô vốn FDI đăng ký lũy kế tăng dần, năm 2017 giảm nhẹ và bắt đầu tăng trở lại cho đến hết năm 2022, cao nhất là năm 2022 với 3.379 tỷ USD (gấp gần 3 lần năm 2012).

Về đối tác đầu tư

Các nhà đầu tư chính trong giai đoạn 2010 - 2022 đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ. Nếu như năm 2010, Hàn Quốc giữ vị trí số 1 về số vốn lũy kế (918.778 triệu USD), thứ hai là Nhật Bản (909.398 triệu USD) thì sang giai đoạn 2011 – 2015, vị trí này đảo ngược. Sang năm 2016, sau 6 năm, Hàn Quốc quay trở lại vị trí dẫn đầu với số vốn lũy kế gấp hơn 5 lần năm 2010 với 5.3439 tỷ USD và đến năm 2022 tăng gấp gần 10 lần năm 2010 với 9.9935 tỷ USD. Giai đoạn 2016 - 2022, Nhật Bản luôn áp sát ở vị trí số 2 sau Hàn Quốc với số vốn lũy kế năm 2021 là 5.2035 tỷ USD (gấp hơn 5 lần năm 2010), tuy nhiên năm 2022 bị sụt giảm cả về số dự án (còn 144 dự án) và số vốn (còn 3.8767 USD).

Về số doanh nghiệp FDI

Trong hơn 10 năm, số doanh nghiệp FDI tăng lên gấp hơn 3 lần (từ 194 doanh nghiệp năm 2010 lên 673 doanh nghiệp năm 2022). Tuy vậy, tỷ trọng số doanh nghiệp FDI trong tổng số doanh nghiệp của Thành phố biến động không nhiều, chiếm trên dưới 3%, cao nhất là năm 2020 (chiếm 3.6%) và thấp nhất là năm 2011 và năm 2016 (chiếm 2.8%). Việc thu hút FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng tập trung vào các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm sản xuất có giá trị gia tăng lớn, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của những tập đoàn kinh tế lớn (Tập đoàn LG của Hàn Quốc; Tập đoàn Bridgestone của Nhật Bản; Regina Miracle của Hồng Kông, Trung Quốc; Nipro Pharma của Nhật Bản;…). Các dự án này có khả năng thu hút những dự án vệ tinh khác đầu tư vào thành phố. Tuy vậy, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa ở Hải Phòng còn rời rạc, chưa tạo ra mối quan hệ cộng sinh nhằm xây dựng nền sản xuất vững chắc. Tỷ lệ phần trăm nội địa hóa trong các sản phẩm của doanh nghiệp FDI còn thấp. Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã và đang ưu tiên việc thu hút khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhằm cung cấp nguyên liệu, linh kiện, chi tiết, bán thành phẩm,… tại chỗ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của Thành phố như điện tử, cơ khí, công nghiệp ô tô, logistics, da giày.

Về số lao động FDI

Trong hơn 10 năm, số lao động FDI tăng gấp hơn 4 lần (từ 63,846 lao động năm 2010 lên 266,123 lao động năm 2022); tỷ trọng số lao động doanh nghiệp FDI trong tổng số lao động toàn Thành phố cũng theo xu hướng tăng gấp hơn 2 lần (từ 21% năm 2010 lên 48.4% năm 2022). Tốc độ tăng số lao động FDI qua các năm không đều, cao nhất là năm 2016 (với 22.03%) và thấp nhất là năm 2021 (với 4.51%). Khu vực FDI đã tạo ra một số lượng lớn công ăn việc làm cho lao động thành phố cảng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra những việc làm mới một cách gián tiếp bằng cách kích thích đầu tư trong nước như phát triển doanh nghiệp vệ tinh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho khu vực FDI.

Về GRDP của Hải Phòng và khu vực FDI (Hình 2)

Hình 2: GRDP Hải Phòng và khu vực FDI giai đoạn 2010-2022

đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nguồn: Cục Thống kê Hải phòng

Giai đoạn 2010 - 2022, GRDP bình quân của Hải Phòng đạt 130,132.95 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 11.35% (tương ứng bình quân mỗi năm tăng 14,500.64 tỷ đồng). Sở dĩ GRDP của Hải Phòng tăng là do sự tăng lên của GRDP ở cả 3 khu vực: FDI, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến khu vực FDI (tốc độ tăng bình quân là 17.86% tương ứng 5,287.58 tỷ đồng/năm), thứ hai là từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (tăng bình quân 10.15% tương ứng 6,297.89 tỷ đồng/năm), xếp thứ ba là khu vực DNNN (tăng bình quân 7.99% tương ứng 2,113.28 tỷ đồng/năm).

Năm 2019, Hải Phòng có tốc độ tăng GRDP mạnh nhất (17.41%). GRDP của các khu vực FDI cũng liên tục tăng, cao nhất là năm 2019 (với mức tăng 29.05%), tuy nhiên năm 2013 bị giảm với tốc độ giảm là 3.15%. Nhìn chung, cả quy mô và tỷ lệ GRDP của FDI liên tục tăng lên trong giai đoạn nghiên cứu. Nếu năm 2010, khu vực FDI chỉ chiếm 15.52% tổng GRDP toàn Thành phố, sau hơn 10 năm, tỷ lệ này đã tăng lên gần gấp 2 lần, đạt 30.7% năm 2022. Từ năm 2010 trở lại đây, khu vực FDI đã đóng góp tương đối ổn định vào tăng trưởng GRDP của thành phố, bình quân giai đoạn 2010 - 2022 chiếm 23.92%. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của FDI vào sự tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.

4.2. Phân tích kết quả tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng

Tác giả tiến hành hồi quy sự phụ thuộc của GRDP vào FDI thực hiện, số lượng doanh nghiệp (NODN) và số lượng lao động (NOLD). Kết quả cho thấy mô hình phù hợp. Tuy nhiên, biến NOLD không có ý nghĩa thống kê (Prob NOLD > 0.05), tác giả tiến hành xác định xem có vi phạm đa cộng tuyến không bằng phân tích nhân tử phóng đại và nhận được giá trị VIF rất lớn ở NODN (94.27079 > 10) và NOLD (100.0586 > 10) (Theo lý thuyết Centered VIF phải <10 thì mới hợp lý). Sau khi tiến hành kiểm định bỏ biến NOLD, nhận thấy giá trị xác suất bằng 0.3708 lớn hơn 5% nên có thể bỏ biến NOLD ra khỏi mô hình. Hàm hồi quy sau khi bỏ biến NOLD như sau:

GRDP = β0 + β1*FDI + β2 *NODN + e   (2)

Tiếp tục hồi quy sự phụ thuộc của GRDP vào FDI thực hiện, NODN, kết quả là hệ số tự do không có ý nghĩa (Prob C = 0.2340 > 5%) về mặt thống kê. Hàm hồi quy lúc này như sau:

GRDP = β1*FDI + β2 *NODN + e    (3)

Vì vậy tác giả hồi quy mô hình không có hệ số tự do thu được kết quả như Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả ước lượng hồi quy

đầu tư trực tiếp nước ngoài

Kiểm tra kết quả lạm phát phương sai cho thấy mô hình (3) phù hợp và giá trị VIF ở mức chấp nhận được (VIF của FDI = 11.96912 và của NODN = 11.96912 gần giá trị 10 nên tạm chấp nhận được).

Tiếp theo tác giả tiến hành kiểm định xem mô hình có vi phạm phương sai sai số thay đổi hay tự tương quan hay không. Xác định tự tương quan: có giá trị Prob. Chi-Square(2) = 0.1424 > 5% là không vi phạm). Và phương sai sai số thay đổi có Prob. Chi-Square(2) = 0.2553 > 5% là không vi phạm).

Như vậy, mô hình không vi phạm phương sai sai số thay đổi hay tự tương quan. Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hàm hồi quy sau: GRDP=0.580813.FDI+292.6876.NODN

Khi FDI tăng 10%, GRDP tăng 1.17%, khi NODN tăng 10%, GRDP tăng 8.78% (Về mặt tương đối)

Khi FDI tăng 1 tỷ đồng, GRDP sẽ tăng 0.580813 tỷ đồng; khi tăng 1 DN thì GRDP tăng 292.6876 tỷ đồng (Về mặt tuyệt đối).

5. Kết luận

Bài báo đã phân tích thực trạng thu hút FDI và tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng với dữ liệu thu thập từ năm 2010 đến hết năm 2022 từ Cục Thống kê Hải Phòng. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy FDI có tác động đến tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng, khi vốn FDI tăng 1 tỷ đồng, GRDP sẽ tăng 0.580813 tỷ đồng; khi có thêm 1 doanh nghiệp FDI thì GRDP sẽ tăng 292.6876 tỷ đồng. Để duy trì và thúc đẩy thu hút FDI, ngoài lực lượng lao động sẵn có tại chỗ, cần thu hút nhân lực từ các tỉnh, thành phố khác tới làm việc bằng cách đầu tư nhiều hơn các khu ký túc xá, khu nhà ở xã hội, kết nối hạ tầng và phương tiện di chuyển an toàn, thuận lợi, nhanh chóng (như xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt tốc độ cao…), phát triển các dịch vụ xã hội tại khu công nghiệp; Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa nhà đầu tư - các khu công nghiệp - các cơ sở đào tạo để phát triển chất lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; Khuyến khích phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái; Tăng cường mở rộng quỹ đất công nghiệp bằng việc xây dựng thêm các khu công nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bài viết vẫn còn hạn chế đó là chưa phân tích tác động của tăng trưởng kinh tế Hải Phòng đến FDI. Từ bài viết này, có thể phát triển các nghiên cứu tiếp theo bằng cách thêm vào mô hình thực nghiệm các biến số kinh tế vĩ mô khác như tiêu dùng, đầu tư nội địa, xuất nhập khẩu,… có tồn tại mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế Hải Phòng.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này đươc tài trợ bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đề tài mã số: DT23-24.102.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:    

  1. Ngô Thắng Lợi (2012 ). Giáo trình Kinh tế phát triển     . NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  2. Nguyễn Hằng (2022 ). Hải Phòng thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển bền vững     . Truy cập tại https://kinhtevadubao.vn/hai-phong-thuc-day-thu-hut-dau-tu-phat-trien-ben-vung-24338.html
  3. Nguyễn Hồng Hà (2016 ). Mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế tỉnh Trà Vinh     . Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 26 (36).
  4. Nguyễn Thị Hằng, Phạm Minh Đạt và Nguyễn Văn Huân (2020 ). Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên     . Tạp chí Khoa học Thương mại, 145.
  5. Nguyễn Thị Hạnh (2021 ). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hải Phòng: Nguy cơ và cơ hội trong đại dịch Covid - 19     .      Truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thu-hut-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-tren-dia-ban-thanh-pho-hai-phong-nguy-co-va-co-hoi-trong-dai-dich-covid-19-82564.htm
  6. Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Hoa (2019 ). Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam     . Tạp chí Khoa học Kinh tế, 07 (01).
  7. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Trần Toàn Thắng và cộng sự (2006 ). Tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam     . Dự án SIDA - Nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời kì 2001 - 2020.
  8. Nguyễn Văn Tùng (2023 ). Để Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, Tạp chí Cộng sản     . Tạp chí Cộng sản. Truy cập tại https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/827444/de-hai-phong-som-tro-thanh-thanh-pho-cong-nghiep-theo-huong-hien-dai.aspx
  9. Phạm Thái Anh Thư (2014 ). Ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên - Huế     . Báo cáo tổng kết Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế.
  10. Thanh Hân (2023 ). Thu hút hiệu quả các dự án FDI vào Hải Phòng     . Truy cập tại https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thu-hut-hieu-qua-cac-du-an-fdi-vao-hai-phong-post321346.html
  11. Vĩnh Quân (2023 ). Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hỗ trợ, kết nối DN cùng phát triển. Truy cập tại https://kinhtedothi.vn/ban-quan-ly-khu-kinh-te-hai-phong-ho-tro-ket-noi-dn-cung-phat-trien.html
  12. Gregory Mankiw (2014), Kinh tế học vĩ mô, Cengage Learning Vietnam Customer Support.

A study on the impact of foreign direct investment (FDI) on Hai Phong’s economic growth

Senior Lecturer, Master. Truong Thi Nhu Ha

Master. Nguyen Thi Thu Trang

Vietnam Maritime University

Abstract:   

Foreign direct investment (FDI) is a resource that supplements capital, improves technology, strengthens business capabilities and management capacity, and promotes economic growth and international economic integration. This paper determined the impact of FDI on Hai Phong's economic growth based on data from 2010 to 2022. The paper’s regression analysis results showed that when FDI capital increases by 1 billion VND, Hai Phong’s GRDP will increase by 0.580813 billion VND. The paper also recommended a number of measures to help Hai Phong keep attracting more FDI.

Keywords: foreign direct investment, economic growth, Hai Phong city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]