TÓM TẮT:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam nói chung và thành phố Hải phòng nói riêng kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986 cho đến nay. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã và đang có những tác động không nhỏ tới tình hình thu hút vốn FDI của Hải Phòng. Bài viết với mục tiêu khái quát tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hải Phòng giai đoạn 2015- 2020 và đánh giá nguy cơ và cơ hội thu hút FDI của thành phố Hải Phòng trong đại dịch Covid-19, từ đó đề xuất gợi ý nhằm thu hút FDI vào Hải Phòng, đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch của thành phố và quốc gia.
Từ khóa: covid-19, cơ hội thu hút, FDI đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguy cơ.
1. Giới thiệu
Khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. FDI được nhận định là nguồn vốn ý nghĩa bổ sung cho đầu tư xây dựng, chuyển giao công nghệ, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, từ đó nâng cao đời sống người dân. Theo thống kê, khối doanh nghiệp FDI của Việt Nam đóng góp khoảng 23,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội và trên 70% kim ngạch xuất khẩu. Xét riêng cho thành phố Hải Phòng, tỷ lệ vốn FDI trên tổng mức đầu tư toàn xã hội là 27,6%. Những dự án có mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD đã được triển khai tại Hải Phòng, tính riêng 3 dự án của Tập đoàn LG đã đạt tổng vốn đầu tư hơn 4 tỉ USD.
Có thể khẳng định với lợi thế về điều kiện địa lý, hệ thống giao thông, Hải Phòng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hàng năm thu hút hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư FDI và hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế như: LG, Bridgestone, Nippro Pharma, Fuji Xerox, Kyocera, Regina Miracle International Việt Nam, Vingroup,... Trong những năm gần đây, Hải Phòng luôn được các nhà đầu tư trên thế giới và trong nước đánh giá là thị trường hấp dẫn với những lợi thế nhất định về địa lý, giao thông thuận tiện, nguồn lao động chất lượng dồi dào, chính sách thuế ưu đãi… Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa qua đã có những tác động lớn đến đầu tư thương mại và thu hút vốn đầu tư FDI tại Hải Phòng ngay trong năm 2020. Làm thế nào để thu hút vốn đầu tư FDI trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang là câu hỏi đầy thách thức không chỉ đối với chính quyền Hải Phòng, mà còn cả trung ương và các tỉnh thành trên toàn quốc.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: khái quát tình hình thu hút vốn FDI của Hải Phòng trong giai đoạn vừa qua và đánh giá cơ hội cũng như nguy cơ trong thu hút vốn FDI của Hải Phòng thời kỳ Covid-19, từ đó đưa ra các gợi ý góp phần nâng cao tình hình thu hút vốn FDI của thành phố đảm bảo mục tiêu chung của toàn quốc là vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch.
Phương pháp nghiên cứu: được vận dụng trong bài viết là phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích. Tài liệu được sử dụng trong nghiên cứu này được kế thừa và tổng hợp từ các công trình nghiên cứu đã được công bố trên sách, báo, tạo chí chuyên ngành hay các trang thông tin điện tử chính thức các bộ, ngành liên quan.
3. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1. Đặc điểm chung
Hải Phòng nằm ở phía Tây vịnh Bắc Bộ, là trung tâm vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam, cách biên giới Trung Quốc hơn 200 km và cách thủ đô Hà Nội hơn 100 km. Hải Phòng có cảng nước sâu, cửa chính ra biển phục vụ thương mại quốc tế của toàn bộ khu vực phía Bắc Việt Nam và phía Tây Nam Trung Quốc. Hải Phòng là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc, phát triển nhiều loại hình vận tải như: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không. Với những lợi thế này, Hải Phòng đã trở thành trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước; đồng thời Hải Phòng còn là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Mặt khác, Hải Phòng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam, là đô thị loại I, trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng, Cần Thơ.
Hải Phòng giữ vị trí tiền trạm của miền Bắc, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam.
Hải Phòng có 15 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo với 223 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 66 phường, 10 thị trấn và 141 xã. 45,5% cư dân sống ở đô thị và 54,5% cư dân sống ở nông thôn.
3.2. Tình hình kinh tế của Hải Phòng
Hải Phòng là một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Bắc nói riêng và của cả Việt Nam nói chung, từ năm 2005 đến nay luôn đứng trong top 5 các tỉnh thành phố đóng góp ngân sách nhiều nhất cả nước, cụ thể là luôn đứng ở vị trí thứ 3 sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Năm 2017, xét về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam, Hải Phòng xếp ở vị trí thứ 9/63 tỉnh thành và tổng thu ngân sách thành phố đạt 21,909 tỷ đồng. Năm 2018, tổng thu ngân sách đạt 24,768 tỷ đồng, vượt mục tiêu đại hội đặt ra là 20 nghìn tỷ đồng đến năm 2020. Năm 2019 là một năm phát triển tốt của thành phố Hải Phòng, tổng thu ngân sách đạt 89.617,8 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ; tăng trưởng kinh tế Hải Phòng đạt 16,68% cao nhất từ trước tới nay, gấp 2,45 lần bình quân chung cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 4,913 USD, vượt kế hoạch năm, tăng 636 USD so với năm 2018; đặc biệt là năm thứ 4 liên tục cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra (10,5%/năm). Năm 2020 là một năm khó khăn của thành phố Hải Phòng bởi sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2020 ước đạt 84.199,2 tỷ đồng mặt khác tổng sản phẩm (GRDP) theo giá so sánh ước đạt 190.768,8 tỷ đồng, tăng 11,22% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 16,5%) và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2017-2020. [6].
Biểu đồ 1: Tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và doanh thu bán lẻ hàng và tiêu dùng trên địa bàn Hải Phòng giai đoạn 2015-2020
Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hải Phòng
3.3. Định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng tầm nhìn đến năm 2050 và mục tiêu đến năm 2030
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Hải Phòng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng trở thành thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt; là trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ với các ngành nghề về hàng hải, đại dương học, kinh tế biển...
Hải Phòng định hướng phát triển thành một đô thị đa tâm, với 3 trung tâm chính: trung tâm hành chính bên bờ sông Cấm; trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ hàng hải xung quanh khu vực Đồ Sơn; đô thị sân bay Tiên Lãng.
4. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Hải Phòng
Trong những năm gần đây, Hải Phòng luôn là thành phố thuộc top đầu cả nước về chỉ số thu hút vốn đầu tư FDI, hình thành nhiều khu công nghiệp, thương mại lớn và trung tâm dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng được đánh giá là khu vực hấp dẫn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các dự án FDI có mức đầu tư hơn 1 tỷ USD đã đồng loạt được triển khai và tập trung chủ yếu vào ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm (LG Electronics 1,5 tỷ USD; Bridgestone 1,2 tỷ USD, LG Display 1,5 tỷ USD) cùng rất nhiều các nhà đầu tư tên tuổi khác như: Regina Miracle, Fuji Xerox, Kyocera, Nipro Pharma, GE... điều này mình chức sức hút đặc biệt của Hải Phòng đối với các chủ đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê của Cục Thống kê Hải Phòng, “tính đến ngày 15/12/2020 Hải Phòng có 759 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 19.173,9 triệu USD. Trong năm 2020, toàn thành phố có 75 dự án cấp mới đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 1.060,8 triệu USD, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 26 dự án, với số vốn tăng là 376,07 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2019, Hải Phòng khẳng định vị trí top đầu cả nước khi tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội luôn đạt giá trị cao. Tổng vốn FDI cấp mới đạt 621,557 triệu USD với 87 dự án cấp mới đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ với, giảm 3,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới trong khu công nghiệp và khu kinh tế đạt 564,080 triệu USD (chiếm 90,75%); cấp mới ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế đạt 57,477 triệu USD (chiếm 9,25%). Điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 49 dự án là 691,05 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Xét toàn thành phố đạt 136 dự án cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đạt 1.312,61 triệu USD.
Biểu đồ 2: Tổng số dự án FDI mới và tăng thêm trên địa bàn Hải Phòng
giai đoạn 2015 - 2019
Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hải Phòng
Theo dữ liệu thống kê trong Biểu đồ 2 cho thấy 2 chỉ số: dự án mới và dự án tăng thêm vốn FDI đều có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015- 2019, điều này thể hiện sức thu hút của Hải Phòng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên đến năm 2020 giảm nhẹ do ảnh hưởng của đại dịch covid- 19 nhưng so sánh với các tỉnh thành khác trong nước Hải Phòng vẫn đang là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2016, số vốn FDI đầu tư mới và vốn FDI tăng thêm nhiều biến động lớn, số vốn đầu tư FDI đạt 2.504,2 triệu USD giữ vị trí cao nhất trong giai đoạn 2015- 2020, năm 2017 có vốn FDI mới đạt thấp nhất (215,21 triệu USD). Năm 2018, số vốn FDI tăng thêm là cao nhất, đạt 1.859,51 triệu USD (Biểu đồ 3). Năm 2020, mặc dù số dự án đầu tư giảm so với năm 2019, tuy nhiên số vốn FDI mới lại tăng 70,6%.
Biểu đồ 3: Tổng vốn đầu tư FDI mới và tăng thêm trên địa bàn Hải Phòng
giai đoạn 2015 - 2020
Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hải Phòng
Nhìn chung, trong giai đoạn 2015 - 2020 vừa qua, Hải Phòng đã vươn lên là thành phố thuộc top đầu toàn quốc về thu hút và sử dụng vốn FDI. Nguồn vốn FDI đổ vào Hải Phòng không ngừng tăng lên đã góp phần thay đổi kinh tế - xã hội của thành phố.
5. Nguy cơ và cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời kỳ đại dịch Covid- 19 của Hải Phòng
5.1. Nguy cơ và cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Một thực tế không thể phủ nhận đó là tác động của Covid-19 tới toàn cầu ở mọi khía cạnh, trong đó có Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, tương tự như các tỉnh và thành phố khác, dưới tác động của Covid-19, hoạt động kinh doanh thương mại, đặc biệt là du lịch của thành phố Hải Phòng chịu ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc hạn chế đi lại giữa các quốc gia đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải hủy chuyến công tác tại Việt Nam, việc này đã trì hoãn cơ hội tìm hiểu và quyết định đầu tư tại Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Tuy nhiên, việc sụt giảm về số lượng nhà đầu tư nước ngoài đến Hải Phòng trong năm 2020 chỉ mang tính thời điểm, để biến nguy cơ thành cơ hội, Hải Phòng cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình nhằm khẳng định sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Một trong những tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 là tái cơ cấu hoạt động của các hãng và các nhà sản xuất lớn trên thế giới, mặt khác theo các chuyên gia kinh tế thế giới, nhiều thương hiệu sẽ rút khỏi Trung Quốc, như vậy sẽ có một làn sóng dịch chuyển nguồn vốn quốc tế trong tương lai, đây chính là cơ hội cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Trong giai đoạn chống dịch vừa qua Việt Nam đang được coi là hình mẫu trên thế giới trong việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 trên thế giới. Với tinh thần quyết liệt “bàn tới chứ không bàn lùi” của lãnh đạo thành phố, Hải Phòng đã đạt được “mục tiêu kép,” vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì và phát triển trên tinh thần đề cao chống dịch, thành phố đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế ở mức tăng trưởng cao so với bình quân cả nước. Kết quả này đã củng cố được niềm tin của người dân Thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, Hải Phòng khẳng định môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Ước tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2020, toàn thành phố đã thu hút được 478,75 triệu USD đầu tư cho 54 dự án mới đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước (cấp mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 467,2 triệu USD, chiếm 97,6); cấp mới ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 11,6 triệu USD chiếm 2,4%). Điều chỉnh tăng FDI cho 17 dự án, với số vốn tăng là 325,28 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả này cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 có tác động lên toàn ngành kinh doanh của Hải Phòng nhưng dường như hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố chưa chịu nhiều tác động của Covid-19.
5.2. Lợi thế cạnh tranh của Hải Phòng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng tăng 6 bậc so với 2018, đưa Thành phố lọp Top 10 toàn quốc.
Với lợi thế về 5 loại hình giao thông, kết nối đồng bộ với cảng biên Hải Phòng, thành phố đã tạo được mối liên kết vùng, giao thông thông suốt thuận tiện giữa Hải Phòng với các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ.
Hải Phòng có cơ sở hạ tầng khu công nghiệp vượt trội, điển hỉnh là khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với tổng diện tích lên tới 22.540 ha bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan… với sự có mặt của các Khu Công nghiệp Đình Vũ, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, VSIP, Cát Hải và Lạch Huyện… đã sẵn sàng mọi điều kiện để thu hút đầu tư và tiếp tục chủ động đón bắt làn sóng FDI mới.
Bên cạnh chính sách thu hút FDI, thành phố Hải Phòng cũng tạo điều kiện phát triển hạ tầng xã hội cùng các tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vingroup, Sun Group, Him Lam, Geleximco, Flamingo, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng,… với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 200.000 tỷ đồng.
Mặt khác, Thành phố cũng chú ý xây dựng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như trung tâm thương mại, bệnh viện quốc tế, các khu đô thị lớn cung cấp nhiều tiện ích cho cộng đồng, góp phần thay dổi diện mạo thành phố.
Đặc biệt, để chuẩn bị thu hút FDI, Thành phố đã có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, Hải Phòng chỉ số đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt 8,24 điểm dẫn đầu toàn quốc. Mặt khác, sự kết nối về giao thông thuận tiện cũng tạo điều kiện thuận lợi để Hải Phòng thu hút lao động ở các vùng lân cận.
6. Kết luận và gợi ý
Vai trò và đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng là không thể phủ nhận. Theo thống kê cho thấy yếu tố cốt lõi hấp dẫn và giữ chân các nhà đầu tư chính là môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, nhân công dồi dào, công nghiệp phụ trợ phát triển đảm bảo tính liên kết giữa khu vực trong FDI và ngoài FDI. Để tạo xung lực mạnh mẽ thu hút vốn FDI ngay trong thời kỳ đại dịch Covid, Hải Phòng cần tiếp tục duy trì tinh thần vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế nhằm đảo bảo môi trường đầu tư an toàn, ổn định cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, trong chính sách thu hút FDI, thành phố cần lựa chọn các dự án phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Thành phố, cụ thể hướng tới các dự án ngành công nghiệp công nghệ cao và sạch hay ngành công nghiệp phụ trợ; xây dựng chính sách thu hút và hỗ trợ ngành công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực gián tiếp và trực tiếp cung cấp cho các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, đầu tư phát triển hạ tầng và liên kết giao thông cũng là yếu tố tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy công tác này cũng cần được chú ý, đặc biệt tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ đảm bảo bắt kịp các xu hướng công nghệ mới trên toàn cầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Thành phố Hải Phòng. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 - 2020.
- CIEM (2019). Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Lê Thị Khánh Ly, Nguyễn Thị Thúy (2018). Một số giải pháp tăng cường thu hút FDI trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 07 tháng 03/2018 (683).
- Lê Văn Hùng (2017). FDI và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam - Ngụ ý đối với dòng vốn FDI từ EU. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Nguyễn Bích Ngọc (2017). Tác động lan tỏa từ FDI đến xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
- Nguyễn Mại (2018). Tìm hướng mở rộng hơn sự lan tỏa của FDI tới doanh nghiệp trong nước. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 4+5 tháng 2/2018.
- Đoàn Minh Huệ (2020). Hải Phòng thực hiện thu hút đầu tư mới: Bứt phá từ nội lực. https://thanhphohaiphong.gov.vn/hai-phong-thuc-hien-thu-hut-dau-tu-moi-but-pha-tu-noi-luc.html, ngày truy cập 1/10/2020.
HAI PHONG CITY’S FOREIGN DIRECT INVESTMENT ATTRACTION:
RISKS AND OPPORTUNITIES IN THE CONTEXT OF
THE COVID-19 PANDEMIC
Ph.D NGUYEN THI HANH
Faculty of Economics and Business Management, Hai Phong University
ABSTRACT:
Foreign direct investment (FDI) has always played an important role in the socio-economic development of Vietnam in general and Hai Phong City’s in particular since the implementation of Doi Moi (Renovation) economic reform policy in 1986. The FDI inflows have contributed to develop Hai Phong City’s socio-economy in recent years. However, the Covid-19 pandemic has significantly impacted Hai Phong City’s FDI attraction. This paper presents an overview about the FDI investment into Hai Phong City over the period of 2015 to 2019, and assesses the risks and the opportunities for Hai Phong City to attract FDI investment in the context of the Covid-19 pandemic. Based on the paper’s results, some solutions are proposed to help the city effectively attract FDI investment, ensuring the city’s dual goals of controlling the pandemic and maintaining economic growth.
Keywords: Covid-19, attraction opportunity, foreign direct investment, challenge.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 13, tháng 6 năm 2021]