Tóm tắt:
Trên cơ sở thực hiện khảo sát trên nhóm sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từ Khóa 13 đến Khóa 18, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ ảnh hưởng của 5 yếu tố (gồm: Chương trình đào tạo; Đội ngũ Giảng viên, cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm; Gia đình, người thân; Truyền thông và mạng xã hội; Các hoạt động định hướng nghề nghiệp) có ảnh hưởng đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong thời gian tới.
Từ khóa: định hướng phát triển nghề nghiệp, quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Năm 2024, du lịch Việt Nam ước đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Du lịch khởi sắc tiếp tục là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam. [11]. Những kết quả trên vừa là thành tựu, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho du lịch Việt Nam nói chung và ngành Lưu trú nói riêng, trong đó có vấn đề thiếu hụt nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, có khả năng sử dụng ngoại ngữ, năng lực quản trị, thuần thục kỹ năng nghề nghiệp, có bằng cấp chuyên môn được đào tạo bài bản từ các cơ sở đào tạo.
Trong quá trình chọn nghề và phát triển nghề nghiệp có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên nói chung và sinh viên ngành Quản trị khách sạn nói riêng. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, đề xuất các khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Một số lý thuyết cơ bản về định hướng phát triển nghề nghiệp
- Lý thuyết “Xã hội hóa”: về căn bản có thể hiểu xã hội hóa là một quá trình có khởi đầu, có diễn biến và có kết thúc. Trong quá trình đó người lao động chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau: Gia đình, người thân; Trường học; Bạn bè; Các phương tiện truyền thống đại chúng; Hoạt động của các nhóm tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp. Đó chính là nơi cá nhân có điều kiện thuận lợi để thực hiện các tương tác xã hội nhằm thu nhận và tái tạo kinh nghiệm xã hội.[8]
+ Lý thuyết nhận thức xã hội (Social cognitive theory): Nghiên cứu lý thuyết nhận thức xã hội cho rằng ngoài việc tự học còn có thể học thông qua việc quan sát, bắt chước hành động của người khác, nhất là những hành động làm họ cảm thấy tích cực. Lý thuyết này cũng giải thích tại sao trong nhiều gia đình, bố mẹ thường lấy hình mẫu của người thân, quen, cho các em nhỏ noi theo và dần tạo thành định hướng phát triển nghề nghiệp.[1]
+ Lý thuyết phát triển xã hội nghề nghiệp (Social cognitive career theory - SCCT): Lý thuyết này căn bản dựa trên lý thuyết nhận thức xã hội (Bandura 1986), nghiên cứu này tìm hiểu việc quyết định nghề nghiệp và sở thích học tập sẽ hình thành như thế nào, việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ phát triển như thế nào và làm thế nào việc lựa chọn được chuyển thành hành động. Kết quả nghiên cứu cho thấy định hướng phát triển nghề nghiệp được điều chỉnh theo năng lực bản thân, sự kỳ vọng vào nghề nghiệp, xu hướng của xã hội.[8]
2.2. Các công trình nghiên cứu liên quan
+ Salleh (2010): Trong nghiên cứu tại các trường đại học của Malaysia đã chỉ ra: định hướng phát triển nghề nghiệp giúp sinh viên gia tăng mục tiêu học tập, nhận thức nghề nghiệp và nâng cao tỷ lệ hoàn thành khóa học, hoàn thiện các kỹ năng học và làm việc của sinh viên.[10]
+ Tan (2012): Trên cơ sở nghiên cứu định hướng phát triển nghề nghiệp tại Singapore, trình bày hoạt động định hướng nghề nghiệp tại các trường đại học được thực hiện qua 3 giai đoạn: (1). Cung cấp thông tin; (2). Đưa định hướng nghề nghiệp thành một phần của chương trình đào tạo; (3). Định hướng nghề nghiệp gắn kết với quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và sự chuyển đổi vai trò của các giáo viên nghề nghiệp từ “chuyên gia” thành “người tạo điều kiện” cho sinh viên.[10]
+ Hao (2015): Trong nghiên cứu về định hướng phát triển nghề nghiệp tại một số trường đại học của Trung Quốc đã đưa ra mô hình “five aspects in one” - tạm hiểu là mô hình 5 khía cạnh trong định hướng nghề nghiệp cho sinh viên - bao gồm: (1). Lựa chọn các môn học chính (2). Lên kế hoạch việc làm (3). Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm (4). Phát triển nghề chuyên môn (5). Gia nhập nghề nghiệp thành công. Nghiên cứu chỉ rõ định hướng phát triển nghề nghiệp tại các trường đại học đòi hỏi sự tham gia tích cực của Giảng viên, Cố vấn học tập, Người thân, Bạn bè và bản thân sinh viên.[3]
+ Nguyễn Thị Như Trang (2006): Trong nghiên cứu “Định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn” đã chỉ ra: “Mặc dù gia đình ít có vai trò trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng giá trị việc làm nhưng gia đình lại có vai trò đáng kể trong việc duy trì hướng nghiệp của sinh viên và môi trường đào tạo có tác động đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên, tuy nhiên tác động còn ở mức độ hạn chế hơn so với đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. [4]
+ Phạm Đình Duyên (2014): Trong nghiên cứu “Định hướng giá trị nghề nghiệp cho sinh viên ngành Sư phạm trong các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam” chỉ ra thực tế sinh viên chưa nhận thức đúng đắn về giá trị nghề nghiệp mình lựa chọn học tập và quá trình đào tạo chưa thực sự tự giác học tập, rèn luyện nghề, chưa tâm huyết với nghề thể hiện: 26,6% sinh viên tham gia khảo sát không duy trì hứng thú với nghề khi đang theo học, 20,7% sinh viên trả lời nếu có cơ hội sẽ chọn lại ngành học.[2]
+ Trần Thị Phụng Hà ( 2015): Trên cơ sở kết quả khảo sát từ sinh viên của 5 khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã chỉ ra: Sinh viên lo lắng cho tương lai với viễn cảnh có thể thất nghiệp và có chiến lược rèn luyện thái độ, kỹ năng nghề nghiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra định hướng phát triển nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố và có sự khác biệt theo thời gian về định hướng nghề nghiệp.[4]
+ Nguyễn Trần Sỹ (2018): Từ kết quả khảo sát 516 sinh viên tại cơ sở 2 Trường Đại học Ngoại Thương chỉ ra: Sự hiểu biết về ngành học có tác động tích cực đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên, sinh viên có nhận thức rõ ràng về giá trị nghề nghiệp nhận được từ chương trình đào tạo đại học và được sinh viên xác định dựa trên một số tiêu chí: Thu nhập cao, Có tính ổn định, Được xã hội coi trọng, Phù hợp với bản thân, Phù hợp với chuyên ngành học.[6]
2.3. Khoảng trống và định hướng nghiên cứu
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế về định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên đều khẳng định: Định hướng phát triển nghề nghiệp là một phần quan trọng trong hoạt động đào tạo giúp sinh viên hoàn thành tốt quá trình học tập và gia nhập nghề nghiệp thành công. Các nghiên cứu đã tiếp cận các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên trên góc độ xã hội hóa và giá trị nghề nghiệp (Thu nhập cao, Có tính ổn định, Được xã hội coi trọng, Phù hợp với bản thân, Phù hợp với chuyên ngành học). Đồng thời các kết quả nghiên cứu chỉ ra sự thay đổi theo thời gian trong quá trình đào tạo dưới tác động của gia đình, bạn bè, chương trình đào tạo trong nhà trường, sự hỗ trợ của giảng viên, cố vấn học tập, thực tế nghề nghiệp trong doanh nghiệp,… Tuy nhiên, hiện chưa có các nghiên cứu liên quan đến nhóm ngành dịch vụ du lịch, trong đó có ngành Quản trị khách sạn.
3. Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Khảo sát về Yếu tố ảnh hưởng định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn được thực hiện từ tháng 12/2023 - 2/2024.
3.1. Thiết kế khảo sát nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu điều tra xã hội học, trong đó dữ liệu được thu thập thông qua việc khảo sát bằng bảng hỏi theo quy trình:
Bước 1. Xác định đối tượng nghiên cứu: Ðối tượng khảo sát của nhóm nghiên cứu là sinh viên ngành Quản trị khách sạn từ khóa 13 đến khóa 17.
Bước 2: Thiết kế phiếu khảo sát: Trên cơ sở tổng quan lý luận và tổng quan nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thiết kế được phiếu khảo sát với các nội dung khảo sát xác định bao gồm:
- Thông tin về người khảo sát
- Khảo sát về lựa chọn nghề nghiệp (Quản trị khách sạn)
- Khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp
- Ý kiến cá nhân khác của người tham gia khảo sát
Bước 3 và 4: Tiến hành khảo sát thử nghiệm và hoàn thiện phiếu khảo sát
Cách thức khảo sát: hỏi và phỏng vấn trực tiếp. Nhóm đã tiến hành thử khảo sát với 10 bạn sinh viên ngành Quản trị khách sạn. Phương pháp khảo sát là ngẫu nhiên. Kết quả khảo sát thử nghiệm cho thấy, phiếu khảo sát cơ bản phù hợp, thuận tiện cho người được hỏi trả lời và nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện phục vụ cho việc khảo sát đại trà.
Bước 5: Thực hiện khảo sát đại trà: Nhóm nghiên cứu sử dụng hình thức khảo sát trực tiếp thông qua Phiếu khảo sát tại các lớp học phần khóa 15, 16, 17, 18 và khảo sát trực tiếp qua điện thoại cựu sinh viên ngành Quản trị khách sạn khóa 13,14.
Bước 6: Thực hiện việc xử lý dữ liệu khảo sát, đưa ra kết quả đánh giá
2.2. Tổng hợp và phân tích kết quả khảo sát
- Tổng số phiếu khảo sát thu được: 124
- Số phiếu khảo sát hợp lệ: 118
Dữ liệu thu được từ 118 Phiếu khảo sát có một số kết quả nổi bật sau:
- Về “giá trị nghề nghiệp” với các tiêu chí Thu nhập cao, Tính ổn định, Được xã hội coi trọng, Phù hợp với chuyên ngành học, Phù hợp với sở thích cho thấy ảnh hưởng của các tiêu chí “giá trị nghề nghiệp” đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn. Cụ thể: Tiêu chí thu nhập cao: 74/118 sinh viên tham gia khảo sát thể hiện quan điểm “Thu nhập ảnh hưởng rất lớn tới định hướng nghề nghiệp của sinh viên Quản trị khách sạn”. Điều này thể hiện rõ quan điểm của các bạn sinh viên và giới trẻ hiện nay về thu nhập từ nghề. Tiêu chí tính ổn định: Với đặc thù ngành dịch vụ luôn thay đổi bởi các điều kiện kinh tế - xã hội thì tính ổn định trong công việc cũng là yếu tố ảnh hưởng khá lớn. Tuy nhiên ở tiêu chí này đã có sự phân chia về quan điểm. Nhiều nhất vẫn là đồng tình là có ảnh hưởng, tuy nhiên suy nghĩ ảnh hưởng thấp và không ảnh hưởng cũng chiếm tỷ lệ khá lớn. Điều này lí giải giới trẻ nói chung và sinh viên ngành Quản trị khách sạn không quá đề cao sự ổn định trong vị trí nghề nghiệp, tính sẵn sàng thử sức với các cơ hội việc làm tại các cơ sở kinh doanh khác nhau tương đối cao. Tiêu chí được xã hội coi trọng: các bạn sinh viên thể hiện quan điểm tiêu chí này tác động không quá mạnh, cụ thể có 44/118 bạn lựa chọn ảnh hưởng và 38/118 cho rằng có ảnh hưởng thấp, cho thấy tiêu chí lựa chọn nghề được xã hội coi trọng không quá ảnh hưởng. Tiêu chí phù hợp với chuyên ngành học: Về lý thuyết, đa số sinh viên đều muốn sau này mình có một công việc đúng với chuyên ngành đã học và phát huy được những kiến thức được học. Chính vì thế, 77/118 (65,25%) sinh viên đều đánh giá vấn đề này ảnh hưởng thậm chí còn rất ảnh hưởng tới tiêu chí định hướng nghề nghiệp của bản thân. Tiêu chí phù hợp với sở thích: Điều đặc biệt trong tiêu chí này đó là sinh viên ngành Quản trị khách sạn đánh giá không cao việc định hướng nghề phù hợp với sở thích cá nhân. Với 53 phiếu đánh giá ảnh hưởng thấp (chiếm gần 50%) cho thấy quan điểm có một công việc thỏa mãn các tiêu chí khác của giá trị nghề nghiệp quan trọng hơn đúng với sở thích của mình. Đồng thời, kết quả phỏng vấn chuyên sâu cũng cho thấy nhận thức tương đối nghiêm túc về nghề nghiệp của các bạn khi xác định đây là một công việc dịch vụ đòi hỏi yêu cầu cao về thái độ, kỹ năng nghề nghiệp và phải thông qua quá trình rèn luyện nghiêm túc.
- Về các yếu tố ảnh hưởng tới định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn
+ Chương trình đào tạo: trong suốt quá trình đào tạo việc lồng ghép định hướng nghề trong chương trình thúc đẩy định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên: 51,6% sinh viên cảm thấy rất ảnh hưởng và ảnh hưởng, sinh viên bày tỏ sự quan tâm đến các học phần Tham quan mô hình lưu trú, Thực tập cơ sở ngành, Thực tập chuyên ngành, Thực tập doanh nghiệp, cơ hội được trải nghiệm học trong môi trường thực tế của các cơ sở lưu trú,…
+ Đội ngũ giảng viên, cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm: giảng viên, cố vấn học tập và giáo viên chủ nhiệm là những người truyền cảm hứng tới sinh viên để định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, không được thể hiện rõ ràng bởi hơn 50% sinh viên ngành Quản trị khách sạn cho rằng yếu tố trên ảnh hưởng thấp, thậm chí là không ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp.
+ Gia đình, người thân: là đối tượng đồng hành cùng sinh viên trong quá trình trưởng thành nhưng mức độ ảnh hưởng chỉ gần 30% và 70% sinh viên cho rằng yếu tố gia đình, người thân ảnh hưởng thấp hoặc không ảnh hưởng (chỉ có 9% sinh viên trả lời lựa chọn nghề Quản trị khách sạn do tác động của người thân).
+ Truyền thông và mạng xã hội: có ảnh hưởng tới đa số sinh viên, từ các thông tin marketing, những chia sẻ từ người thành công trong nghề, những câu chuyện truyền cảm hứng nghề đã có ảnh hưởng lên tới hơn 60%. Tuy nhiên, cũng có những bạn không quá chú ý tới những thông tin đó và cảm thấy nó không thực tế, thể hiện qua số liệu 44/118 bạn tương ứng 37% đánh giá ảnh hưởng thấp và không ảnh hưởng.
+ Các hoạt động định hướng nghề nghiệp: ngoài việc học theo chương trình đào tạo, sinh viên có cơ hội tham gia các hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp, Hội chợ việc làm thường niên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề của mình và có thể biết mình nên làm gì để chuẩn bị cho nghề nghiệp. Tuy nhiên, 22% sinh viên ngành Quản trị khách sạn tham gia khảo sát cho rằng các hoạt động này không hữu ích, không có tác động đến định hướng nghề nghiệp.
Nhìn chung, các yếu tố đều có tác động đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn nhưng không có yếu tố nào tác động nổi trội.
2.3. Thảo luận kết quả khảo sát
Khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên Quản trị khách sạn cho thấy: các yếu tố đều có tác động, tuy nhiên không có yếu tố nào tác động nổi trội. Mức ảnh hưởng cao nhất là nhân tố “Truyền thông và mạng xã hội” với 49/118 sinh viên lựa chọn chiếm 41,52%. Các nhân tố gắn liền với hoạt động tổ chức đào tạo của nhà trường như: Giảng viên, Cố vấn học tập, Giáo viên chủ nhiệm, Các hoạt động hướng nghiệp,… chưa tạo ra mức độ ảnh hưởng đáng kể tới định hướng nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ nếu muốn nâng cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn.
4. Khuyến nghị nâng cao định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Cần có sự tham gia, phối hợp đồng bộ và đổi mới cách thức từ sinh viên, gia đình, giảng viên, cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm, các bộ phận chức năng hỗ trợ và phát triển đào tạo của Nhà trường;
- Xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy cần làm tốt hơn định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên, tạo và duy trì sự hứng thú, gắn bó lâu dài đối với từng học phần và ngành đang theo học. Chương trình đào tạo có sự cập nhật, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động;
- Phát triển mạng lưới quan hệ xã hội trong cộng đồng sinh viên, tạo nên sự gắn bó của sinh viên đối với Khoa, Nhà trường và tạo điều kiện duy trì quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau ngay trong chính cộng đồng sinh viên Quản trị khách sạn, hỗ trợ định hướng phát triển nghề nghiệp;
- Sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông, mạng xã hội để lồng ghép các tiêu chí, yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp cũng như định hướng môi trường làm việc.
- Các hoạt động hướng nghiệp được xây dựng theo chủ đề và gắn ngành nghề, giúp cho sinh viên tiếp cận thuận lợi và hiệu quả với các nhà tuyển dụng trong ngành.
Lời cảm ơn:
Bài báo là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài NCKH cấp cơ sở “Nâng cao định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”; Mã số: 51-2023-RD/HĐ-ĐHCN.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
[1]. Bandura, Albert. (2004): Lý thuyết nhận thức xã hội về thay đổi cá nhân và xã hội, Giải trí, giáo dục và thay đổi xã hội: Lịch sử, nghiên cứu và thực hành, Lawrence Erlbaum Associates, 75-96.
[2]. Phạm Đình Duyên (2014): Thực trạng và biện pháp giáo dục định hướng giá trị nghề sư phạm cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay, Tạp chí khoa học (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ISSN: 1859-3100, số 54.
[3]. Hao, D.Sun, V.J &Yuen.M (2015): Toward a model of career guidance and counseling for university students in China, Internationnal Journal for the Advancement of Counselling, 37(2), 155-167.
[4]. Trần Thị Phụng Hà (2015): Định hướng giá trị nghề nghiệp của sinh viên đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học (Trường ĐH Cần Thơ), số 34, tr 113-125.
[5]. Lê, Đ.P (2019): Một số vấn đề về giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Nghề nghiệp, truy cập tại http://nivet.org.vn/
[6]. Nguyễn, T.S, Trương, B.P. & Huỳnh, H.H. (2018): Các yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 106, trang 107-123.
[7]. Niemec C.P. & Ryan R.M. (2009). Autonomy, competence, and relatedness in the classroom: Applying self-determination theory to educational practice, Theory and Research in Education, vol 7(2), 133-144.
[8]. Randall Stross (2019), Hướng nghiệp trong thời đại 4.0, NXB Lao động.
[9]. Stoeber, J.Mutinelli & Corr P.J (2016): Perfectionism in students and positive career planing attitudes, Personality and Individual Differences, 97, 256-269.
[10].Tan, E.(2012): Career guidance in Singapore schools, The Career Development Quarterly, 50(3), 257-263.
[11]. Xuân Trường (2024) - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, truy cập tại https://bvhttdl.gov.vn/2024-nam-khoi-sac-cua-du-lich-viet-nam-20250102081702859.htm.
Factors affecting the career development orientation of hospitality management students at Hanoi University of Industry
Nguyen Thi Bich Phuong1
Le Ba Phong1
Vuong Thi Van Anh1
Ngo Hoang Anh1
1Hanoi University of Industry
Abstract:
Based on a survey conducted among Hospitality Management students from Course 13 to Course 18 at Hanoi University of Industry, this study identifies five key factors influencing students' career development orientation: training programs, lecturers, academic advisors and homeroom teachers, family, media and social networks, and career orientation activities. The findings provide insights into the impact of these factors on students' career decisions. Based on the analysis, the study proposes recommendations to enhance the effectiveness of career development orientation for Hospitality Management students at Hanoi University of Industry in the future.
Keywords: career development orientation, hospitality management, Hanoi University of Industry.