TÓM TẮT:
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu những khó khăn khi học kỹ năng viết của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại Trường Đại học Phan Thiết (UPT). Kết quả của nghiên cứu cho thấy, trong khi học kỹ năng viết tiếng Anh, sinh viên chuyện ngành tiếng Anh tại UPT gặp nhiều khó khăn. Cụ thể khó khăn xuất phát từ việc nền tảng ngữ pháp chưa vững và sự thiếu đầu tư trong quá trình học viết dẫn đến việc sinh viên thường mắc lỗi như chính tả, dấu câu, viết hoa và đoạn văn. Hơn nữa, sinh viên cho rằng kĩ năng viết nhàm chán và việc ít nhận phản hồi hay sửa lỗi làm việc cải thiện kĩ năng viết của sinh viên gặp ngại. Nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp giúp sinh viên vượt qua những trở ngại viết như cải thiện ngữ pháp, từ vựng và chính tả, cùng với việc thường xuyên xem các nguồn tài liệu khác nhau để có ý tưởng mới và sáng tạo hơn trong tư duy viết. Nghiên cứu không chỉ nhằm giúp sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại UPT phát triển kỹ năng viết tiếng Anh, mà còn đóng góp vào việc cải thiện chương trình giảng dạy, tạo ra môi trường học tiếng Anh phù hợp cho sinh viên.
Từ khóa: khó khăn, phương pháp, chiến lược, viết tiếng Anh, kỹ năng viết.
1. Đặt vấn đề
Kỹ năng viết tốt là điều cơ bản đối với sinh viên ở nhiều khía cạnh. Trong học thuật, viết là một phần quan trọng của việc học ngôn ngữ, với các bài luận, báo cáo, bài thuyết trình và bài nghiên cứu cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn thành thạo như những người nói tiếng bản ngữ. Do đó, việc phát triển kỹ năng viết mạnh mẽ là không thể thiếu. Ngoài ra, kỹ năng viết tốt còn nâng cao khả năng nghe, nói và đọc. Trong công việc, giao tiếp hiệu quả thường bao gồm viết các đề xuất, báo cáo, kế hoạch, tài liệu và email. Các công ty đa quốc gia sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, yêu cầu nhân viên viết thành thạo tiếng Anh, dù đó không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Nghiên cứu của Ariana nhấn mạnh phong cách viết, sự liên kết, giọng điệu và thái độ phản ánh nhiều về một người và các nhà tuyển dụng nhận thức rõ điều này. Trong thị trường việc làm cạnh tranh, sự trình bày, rõ ràng và chuyên nghiệp trong viết có thể phân biệt một ứng viên với người khác. Viết tiếng Anh tốt có thể mở ra cánh cửa trong hầu hết các lĩnh vực, vì ít người có kỹ năng viết mạnh mẽ. Một cuộc khảo sát của 64 công ty Mỹ tiết lộ rằng một nửa xem xét kỹ năng viết khi đánh giá ứng viên cho việc làm hoặc thăng tiến (Ariana, 2010). Do đó, sở hữu kỹ năng viết tốt nâng cao sự trình bày chuyên nghiệp của một người, dẫn đến cơ hội việc làm tốt hơn.
Học tiếng Anh, cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào, đòi hỏi phải thành thạo 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Tuy nhiên, viết là một thách thức đặc biệt, yêu cầu tích hợp từ vựng, ngữ pháp, kỹ năng nói và đọc. Kĩ năng này đòi hỏi một cơ sở kiến thức đáng kể và sự linh hoạt ngôn ngữ để tạo ra các bài luận chất lượng. Do đó, nhiều sinh viên, bao gồm cả những người chuyên ngành tiếng Anh, không muốn tập trung vào việc viết. Nghiên cứu này nhằm xác định những khó khăn cụ thể mà sinh viên tại Đại học Phan Thiết gặp phải trong việc phát triển kỹ năng viết tiếng Anh của họ.
2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
2.1.1. Định nghĩa kỹ năng viết
Viết phục vụ như một phương tiện quan trọng để tự thể hiện, giao tiếp và trao đổi thông tin. Nó đại diện cho ngôn ngữ bằng hình ảnh, sử dụng các biểu tượng để biểu thị âm thanh của lời nói, dấu câu và số. Dumais (1988) cho rằng, viết bằng tiếng Anh là cầu nối giữa khả năng diễn đạt ý tưởng, cảm xúc và ý kiến bằng miệng và khả năng trình bày chúng dưới dạng văn bản. Quá trình này đòi hỏi việc lựa chọn từ và cụm từ phù hợp, tuân theo cấu trúc đúng đắn. Viết đặt ra thách thức nhận thức lớn, kiểm tra khả năng ghi nhớ, ngôn ngữ và tư duy cùng một lúc đòi hỏi sự truy xuất nhanh chóng các kiến thức cụ thể từ bộ nhớ dài hạn (Kellogg & Raulerson, 2007). Một cuộc khảo sát được thực hiện tại Hoa Kỳ vào những năm 1980 cho thấy người trả lời dành tới 44% thời gian làm việc hàng ngày cho các nhiệm vụ liên quan đến viết. Về mặt thực tế, viết tạo ra các văn bản với mục đích cụ thể, chẳng hạn như thông báo, cảm ơn, yêu cầu hoặc giải trí. Khả năng viết hiệu quả là cần thiết cho việc giao tiếp và học tiếng Anh. Kỹ năng viết cho phép cá nhân truyền tải thông điệp và ý tưởng rõ ràng trong các ngữ cảnh khác nhau, củng cố ngữ pháp và từ vựng. Ariana (2010) lưu ý rằng, trong số tất cả các kỹ năng ngôn ngữ, viết là thách thức lớn nhất đối với giáo viên ngôn ngữ, vì học sinh thường có ít kinh nghiệm với biểu đạt viết.
2.1.2. Tầm quan trọng của kỹ năng viết
Kỹ năng viết có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm ngữ pháp, từ vựng, âm vị học và diễn ngôn. Theo Klimova (2012), viết sáng tạo có thể tăng cường đáng kể sự tự tin và tự trọng của người học. Thông qua viết, người học có được những hiểu biết sâu sắc về cả ngôn ngữ và bản thân, do đó thúc đẩy sự phát triển cá nhân và ngôn ngữ. Những lợi ích này dẫn đến tăng cường động lực. Ngoài ra, kỹ năng viết cho phép cá nhân diễn đạt suy nghĩ, sự thuyết phục và sáng tạo thông qua các thông điệp và văn bản viết. Tương tự như ngôn ngữ mẹ đẻ, một số người có năng khiếu viết tự nhiên, trong khi những người khác cần phát triển kỹ năng này thông qua thực hành. Đối với những người không phải là người bản ngữ, việc mài giũa kỹ năng viết có thể nâng cao khả năng tư duy phản biện và lý luận. Viết là một công cụ mạnh mẽ để giảng dạy, thông báo, giải trí và tự giáo dục. Ngoài ra, viết còn cải thiện khả năng tập trung và kết nối với bản thân. Tham gia vào các nhiệm vụ viết thúc đẩy sự tập trung, nhận thức và phát triển trí tuệ. Phát triển kỹ năng viết kích thích việc tiếp thu kiến thức, sáng tạo và tưởng tượng. Não sử dụng tất cả các phần và tế bào của nó trong quá trình viết. Dù là kể lại trải nghiệm cuộc sống, cuộc phiêu lưu du lịch, hay viết bài báo và tiểu luận, não đều rút ra tất cả kiến thức liên quan, do đó tăng cường nhận thức, trí nhớ, sự nhạy bén, sáng tạo và tưởng tượng. Viết là một phương tiện sâu sắc để thể hiện tính cách của một cá nhân.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại Trường Đại học Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đối tượng nghiên cứu là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Phan Thiết (UPT). Tổng cộng có khoảng 81 sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại UPT tham gia vào nghiên cứu này. Trong số 81 người trả lời, có 67 người (83%) là nữ và 14 người (17%) là nam, với độ tuổi trung bình là 22,1 tuổi. Những đối tượng nghiên cứu này được chọn, vì họ đang là người học tiếng Anh và đặc biệt đang học kỹ năng viết.
Các khó khăn của sinh viên trong việc học kỹ năng viết được đo lường dưới dạng thiết kế nghiên cứu khảo sát bằng bảng câu hỏi tự thiết kế. Bảng câu hỏi bao gồm tổng cộng 13 câu hỏi chia thành hai phần, cụ thể là những khó khăn khách quan của sinh viên và những khó khăn chủ quan của sinh viên khi xử lý kỹ năng từ vựng. Các câu hỏi sử dụng thang điểm 5 để đánh giá mức độ đồng ý của các khía cạnh liên quan đến khó khăn của sinh viên khi đối phó với các kỹ năng viết dựa trên các tiêu chí sau.
Bảng 1. Mức độ khó khăn của sinh viên khi đối phó với các kỹ năng viết
Scale |
Mean range |
Agreement level |
1 |
1.00-1.49 |
Strongly Agree |
2 |
1.50-2.49 |
Agree |
3 |
2.50-3.49 |
Undecided |
4 |
3.50-4.49 |
Disagree |
5 |
4.50-5.00 |
Strongly disagree |
Nguồn: Tác giả thực hiện
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng 85,2% số người tham gia khảo sát gặp vấn đề khi học viết. Điều tra sâu hơn về mức độ khó khăn khi học từ vựng, kết quả cho thấy phần lớn sinh viên cho rằng kỹ năng viết là khó (42.3%) hoặc rất khó (37%). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn chỉ ra tần suất sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày của họ không phổ biến. Vì vậy, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các khó khăn sinh viên phải đối mặt trong quá trình cải thiện kỹ năng viết của họ.
Bảng 2. Những khó khăn sinh viên gặp phải khi học viết
Khó khăn sinh viên gặp phải khi học viết |
Mean |
SD |
1. Sinh viên không nắm vững ngữ pháp tiếng Anh |
2.51 |
1.131 |
2. Sinh viên thiếu từ vựng khi viết |
2.00 |
.742 |
3. Sinh viên thiếu ý tưởng khi viết |
2.26 |
.919 |
4. Sinh viên không biết cách sử dụng từ ngữ phù hợp cho các loại văn bản khác nhau (ngôn ngữ trang trọng/ không trang trọng) |
2.40 |
1.045 |
5. Sinh viên gặp khó khăn trong việc sắp xếp câu văn một cách logic |
2.41 |
.905 |
6. Sinh viên không biết cách làm cho bài viết mạch lạc, kết nối giữa các câu văn |
2.19 |
.923 |
7. Sinh viên thiếu động lực khi học viết |
2.33 |
1.095 |
8. Sinh viên không nghiêm túc khi viết |
2.96 |
1.123 |
9. Sinh viên hiếm khi tiếp cận tài liệu tham khảo |
2.47 |
1.013 |
10. Sinh viên cảm thấy môn viết là môn học nhàm chán |
2.78 |
1.173 |
11. Sinh viên không nhận được nhận xét và phản hồi về bài viết một cách cụ thể và chi tiết |
2.91 |
1.185 |
12. Sinh viên cảm thấy chủ đề viết không thú vị |
2.58 |
1.094 |
Nguồn: Tác giả thực hiện
Theo kết quả từ Bảng 2, sinh viên ý thức rằng tuy kỹ năng viết là kỹ năng khó nhưng bản thân họ cũng chưa nghiêm túc trong việc luyện viết (M=2.96). Điều này lí giải vì sao thái độ của sinh viên về kỹ năng viết chưa được tích cực, vì họ cho rằng đây là kỹ năng học nhàm chán khiến họ thiếu động lực (M=2.58). Đáng chú ý nữa là hầu hết sinh viên cho rằng họ không nhận được nhiều nhận xét và sửa lỗi chi tiết về bài viết (M=2.91). Ngữ pháp cũng là vấn đề đáng cân nhắc khi có đa số sinh viên cho rằng ngữ pháp không vững dẫn đến việc họ thường mắc lỗi viết câu, viết đoạn văn và cả bài viết (M=2.51). Ngoài ra, sinh viên thiếu ý tưởng khi viết (M=2.26). Khi học viết, sinh viên gặp nhiều vấn đề liên quan đến ý tưởng viết. Đầu tiên là thiếu ý tưởng. Khi có ý tưởng, họ không biết cách chọn lựa, triển khai và trình bày ý tưởng của mình để đạt điểm cao. Họ biết cách triển khai ý tưởng nhưng thiếu từ vựng để diễn đạt những ý tưởng đó.
3.2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại UPT đang gặp nhiều khó khăn khi học kỹ năng viết tiếng Anh. Cụ thể, các vấn đề này bắt nguồn từ việc thiếu vững ngữ pháp cơ bản và sự thiếu đầu tư trong quá trình học viết, dẫn đến các lỗi phổ biến như chính tả, dấu câu, viết hoa và cấu trúc đoạn văn. Hơn nữa, sinh viên cho rằng kỹ năng viết làm họ cảm thấy nhàm chán và việc ít nhận được phản hồi và sửa lỗi làm giảm sự cải thiện trong kỹ năng viết. Kết quả chỉ ra, sinh viên nên chủ động cải thiện kỹ năng viết, liên tục tìm kiếm phương pháp phù hợp để học kỹ năng viết hiệu quả hơn, cũng như tăng nhận thức về lợi ích của kĩ năng này trong tương lai. Nghiên cứu này còn cung cấp những cái nhìn sâu sắc có giá trị cho nhà trường để phát triển một chương trình học tối ưu cho người học. Luyện kỹ năng của mình, sinh viên có thể nâng cao đáng kể triển vọng học tập và nghề nghiệp của mình.
4. Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên chuyên ngành tiếng Anh tại UPT gặp nhiều khó khăn trong việc học kỹ năng viết tiếng Anh. Cụ thể, những khó khăn này xuất phát từ nền tảng ngữ pháp chưa vững và thiếu sự đầu tư trong quá trình học viết, khiến sinh viên thường mắc các lỗi như chính tả, dấu câu, viết hoa, và cấu trúc đoạn văn. Hơn nữa, sinh viên cho rằng kỹ năng viết nhàm chán và việc ít nhận phản hồi hay sửa lỗi làm cho việc cải thiện kỹ năng viết trở nên khó khăn.
4.2. Kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu liên quan đến các khó khăn mà sinh viên Trường Đại học Phan Thiết gặp phải trong quá trình học viết tiếng Anh, nhà nghiên cứu đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần để Trường dần hoàn thiện hơn trong quá trình đào tạo.
Về phía nhà trường
- Tạo môi trường thuận lợi giữa giảng viên và sinh viên trong mỗi buổi học để sinh viên cải thiện kỹ năng viết qua việc thảo luận, trao đổi và viết bài tập bằng tiếng Anh.
- Tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các bài tập viết trong nhiều tình huống thực tế khác nhau, từ viết email, báo cáo, luận văn cho đến viết sáng tạo như truyện ngắn, bài luận. Đảm bảo sinh viên nhận được phản hồi chi tiết từ giảng viên để hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình.
- Khuyến khích sinh viên duy trì thói quen viết bằng tiếng Anh hàng ngày, thông qua việc viết nhật ký, blog, hoặc tham gia vào các nhóm viết trên mạng xã hội. Tạo ra các cuộc thi viết để thúc đẩy sinh viên rèn luyện và phát triển kỹ năng viết.
- Tổ chức các buổi workshop hoặc seminar chuyên sâu về viết, mời các chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ và viết sáng tạo để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật viết hiệu quả. Điều này giúp sinh viên nắm vững các phương pháp viết và áp dụng vào bài viết của mình.
Về phía sinh viên
- Học kết hợp nhiều nguồn tài liệu: Ngoài việc tiếp thu kiến thức trên lớp, các công cụ tìm kiếm cũng như tài liệu online có thể giúp việc học kĩ năng này trở nên dễ dàng hơn. Để tạo ra ý tưởng viết, sinh viên nên thường xuyên tham gia vào các chương trình, kênh và tin tức bằng tiếng Anh. Việc tạo thói quen đọc tạp chí, sách, xem video giáo dục và học các bản chép tay hàng ngày có thể rất có lợi. Chọn tài liệu đọc chất lượng và làm quen với nhiều chủ đề khác nhau sẽ giúp mở rộng từ vựng và cải thiện việc sử dụng ngữ pháp. Việc nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của các nhà văn nổi tiếng cũng được khuyến khích.
- Tạo thói quen học viết mỗi ngày: Ngoài ra, việc tạo ra một môi trường giàu tiếng Anh rất quan trọng cho việc thực hành, sinh viên nên thực hành viết hàng ngày, dù đó là ghi chú, viết nhật ký, hoàn thành bài tập, viết báo cáo thực tập hay soạn thảo luận án. Giữ một cuốn sổ hoặc một cuốn ghi chú điện tử sẽ giúp thực hành thường xuyên và phát triển thói quen viết và cảm hứng. Dành 1-2 giờ mỗi ngày để thực hành viết. Việc chọn lựa chủ đề ít quan trọng hơn so với hành động viết tự nó. Thực hành nhất quán sẽ tự nhiên cải thiện kỹ năng viết theo thời gian. Nhìn nhận việc viết tiếng Anh như một hoạt động quan trọng sẽ thúc đẩy thái độ tích cực và tham gia nhiều hơn để có một kết quả học tập tốt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ariana, S. M. (2010). Some thoughts on writing skills. Annals of the University of Oradea. Economic Science Series, 19(1).
- Dumais W. (1988). Writing in English. Jakarta: Departemen Pendidikan dan Kebudayaan.
- Kellogg R. T., & Raulerson B. A. (2007). Improving the writing skills of college students. Psychonomic bulletin & review, 14(2), 237-242.
- Klimova B. F. (2012). The importance of writing. Paripex-Indian Journal Of Research, 2(1), 9-11.
- Pratiwi K. D. (2016). Students’ difficulties in writing English (A study at the third-semester students of English education program at University of Bengkulu Academic Year 2011-2012). Linguists: Journal of Linguistics and Language Teaching, 3(1).
- Thomas R. M. (2003). Blending Qualitative & Quantitative Research Methods in Theses and Dissertations. ERIC Journal. ED482271, p. 246.
Difficulties in Learning Writing Skills Among English Major Students at University of Phan Thiet
MASTER. TONG THI TRUONG NHUNG
Faculty of Foreign Languages, University of Phan Thiet
ABSTRACT:
This study was an attempt to unveil difficulties when learning writing skills among English majors at University of Phan Thiet (UPT). A total of 81 collected responses from delivered paper questionnaires were analyzed to achieve the research purposes. The findings of the study indicated that the students encountered several predicaments in learning to write English at UPT ranging from not having a good grammar background, a lack of vocabulary to the lack of ideas. More importantly, the lack of lecturers’ feedback and the perception toward the tedious nature of writing skills hindered the development of writing skills among the participants. The study also suggested some solutions to help the students address the writing obstacles including enhancing grammar, vocabulary, and spelling, along with regularly watching different sources to get new ideas and be more creative in writing thinking. The research is not only aimed at helping English-majored students at UPT develop their English writing skills but also wants to contribute to the improvement of the curriculum, creating an appropriate English environment for students.
Keywords: difficulties, methods, strategies, English writing, writing skills.