Giải pháp khắc phục khó khăn trong kỹ năng nghe hiểu của sinh viên không chuyên tiếng Anh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Đề tài Giải pháp khắc phục khó khăn trong kỹ năng nghe hiểu của sinh viên không chuyên tiếng Anh tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội do Hoàng Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

TÓM TẮT:

Kỹ năng nghe hiểu là một kỹ năng quan trọng khi học tiếng Anh, tuy nhiên những sinh viên không chuyên tiếng Anh thường gặp khó khăn đối với kỹ năng này, do nhiều yếu tố khác nhau. Nghiên cứu này nhằm xác định những khó khăn mà người tham gia nghiên cứu gặp phải nhiều nhất trong quá trình nghe, cụ thể từ 4 yếu tố, bao gồm: người học, người nói, tài liệu và các yếu tố khách quan khác. Những người tham gia nghiên cứu bao gồm 65 sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Công cụ thu thập dữ liệu là bảng câu hỏi khảo sát và phỏng vấn bán cấu trúc, đây được coi là “phương pháp thu thập dữ liệu phổ biến nhất và hiệu quả nhất về thái độ và ý kiến” (Makey & Gass, 2005). Kết quả nghiên cứu này sẽ hé lộ những khó khăn mà sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh gặp phải nhiều nhất. Bằng cách giải quyết những khó khăn, thách thức này, các giảng viên và nhà giáo dục sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những sinh viên không chuyên tiếng Anh trong việc nâng cao kỹ năng nghe hiểu và đạt được thành công trong việc học tiếng Anh.

Từ khóa: kỹ năng nghe hiểu, sinh viên không chuyên tiếng Anh, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội .

1. Đặt vấn đề

Nghe là một quá trình thụ động chỉ việc chúng ta tiếp nhận mọi loại âm thanh. Còn nghe hiểu được xem như là một quá trình tương tác và phức tạp mà người nghe tham gia vào quá trình xây dựng nghĩa. Người nghe tiếp nhận bài đàm thoại hay bài phát biểu từ sự phân biệt âm, kiến thức về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, dấu nhấn và giọng điệu cũng như là sử dụng các gợi ý bằng đơn ngữ, song ngữ, hoặc là phi ngôn ngữ dựa vào ngữ cảnh (Rost, 2002). Quá trình này liên quan đến quá trình hiểu giọng nói hay là cách phát âm, ngữ pháp và từ vựng và sự hiểu biết về nghĩa. Nghe hiểu là quá trình tương tác giữa kiến thức ngôn ngữ và các hoạt động thuộc về tâm lí.

Tại Việt Nam, sinh viên thường có thói quen dịch sang tiếng Việt để hiểu từng câu chữ, mong muốn nghe và nhớ được 100% thông tin cũng làm không ít sinh viên không phân biệt đâu là nội dung cốt lõi cần nắm bắt, đâu là thông tin thứ yếu có thể bỏ qua trong quá trình nghe. Nhận thức lệch lạc về yêu cầu của môn học này làm cho người học mệt mỏi và có khuynh hướng chán nản, hoang mang trong các giờ học nghe tại lớp.

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy ngôn ngữ nghe, hiểu ở một số giáo viên, người dạy áp dụng các phương pháp giảng truyền thống, không có sự sáng tạo, mới mẻ, nên cũng gây ra tình trạng chán nản không có ý muốn học kỹ năng nghe hiểu ở sinh viên. Ngoài ra, còn sự thiếu đầu tư ở trang thiết bị giảng dạy, cộng với tình trạng lớp đông, các ảnh hưởng như tiếng ồn xung quanh trường học,…

Trước những vấn đề này, nghiên cứu này hướng tới mục tiêu cải tiến những hạn chế trên trong quá trình giảng dạy để giúp việc học kỹ năng nghe hiểu của sinh viên được tốt hơn và cũng muốn sinh viên thấy được tầm quan trọng của việc nghe hiểu trong tiếng Anh.

2. Tổng quan cơ sở lý thuyết

“Nghe” và “hiểu” là hai quá trình tách biệt, trong đó “nghe” là một quá trình mà người nghe tiếp nhận thông tin và quá trình này diễn ra một chiều, hoàn toàn không đòi hỏi bất kỳ sự giải thích hay tương tác nào với văn bản nghe (Hasan, 2000). Còn nghe hiểu là quá trình diễn ra hoạt động tương tác hai chiều giữa người nghe và văn bản nghe, sự tương tác này giúp người nghe có sự hiểu biết khái quát về văn bản nghe.

Theo kết quả nghiên cứu của Hasan (2010), từ vựng lạ, cấu trúc ngữ pháp khó và bài nói dài là những yếu tố tạo nên rào cản cho sinh viên trong quá trình nghe hiểu. Kết quả nghiên cứu của Azmi Bingol, Celik, Yildiz và Tugrul Mart (2014) cho thấy, những khó khăn liên quan đến quá trình nghe hiểu bao gồm: chất lượng của băng đĩa, văn hóa khác nhau, từ vựng không quen thuộc, bài nghe quá dài và tốc độ nói nhanh.

Qua các khảo sát, phỏng vấn mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện trên các sinh viên không chuyên tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, có rất nhiều lí do khách quan và chủ quan khác nhau làm cản trở việc học, nâng cao kỹ năng nghe hiểu của sinh viên. Thông qua khảo sát, chúng tôi xác định các khó khăn sinh viên gặp phải trong quá trình học nghe hiểu tiếng Anh là: 1) Không đoán được nội dung sẽ nghe khi đọc câu hỏi và thông tin được cho ở bài tập nghe; 2) Không đoán nghĩa của các từ mới trong khi nghe; 3) Thấy lạ lẫm đối với những chủ đề mới; 4) Thiếu kiến thức nền tảng về từ vựng và văn phạm tiếng Anh; 5) Trong quá trình nghe, sinh viên gặp khó khăn khi phải nghe nhiều giọng nói khác nhau (ví dụ: các giọng nói tiếng Anh của người Mỹ, Anh, Canada và Úc); 6) Không theo kịp khi nghe người khác nói với tốc độ rất nhanh; 7) Khó hiểu và không thể nhận ra từ khi được nói “nối âm” (kết hợp phụ âm cuối của từ trước với nguyên âm đầu của từ tiếp theo); 8) Chưa hiểu được toàn bộ nội dung của bài nghe thoại ngắn hay bài nói ngắn; 9) Gặp rất nhiều khó khăn đối với bài hội thoại hoặc bài nói dài; 10) Bị phân tâm bởi tiếng ồn xung quanh.

Các thách thức và khó khăn đã được đề cập đến để xem xét sự ảnh hưởng ít hay nhiều đối với các bạn sinh viên trong quá trình học tập và nâng cao kỹ năng nghe hiểu. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu cung cấp mô tả chi tiết về các vấn đề của sinh viên không chuyên trong việc học nghe. Vì vậy, với mục đích giúp sinh viên nhận thức đầy đủ về vấn đề của mình và nâng cao kỹ năng nghe.

2.1. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ tốc độ và giọng điệu của người nói

Theo Flowerdew và Miller (1992) và Underwood (1989), nhiều người học tiếng Anh cho rằng trở ngại lớn nhất họ gặp phải khi nghe là không thể theo kịp tốc độ của người nói. Khi tốc độ nói nhanh, người nghe không có đủ thời gian để xử lý thông tin về từ vựng, ngữ pháp và họ có thể bỏ lỡ các phần nội dung của văn bản.

Ngoài ra, giọng của người nói cũng cản trở việc học tiếng Anh của người học. Buck (2001) đã chỉ ra rằng một giọng không quen thuộc đối với người nghe có thể làm gián đoạn quá trình nghe hiểu và khiến người nghe gần như không thể hiểu được. Vấn đề này xảy ra do nhiều người học ngoại ngữ đã quen với giọng giáo viên của họ hoặc với tư liệu học tập chuẩn tiếng Anh Anh hoặc Anh Mỹ. Vì vậy, khi nghe giọng khác, họ sẽ nản lòng, dẫn đến việc không hiểu được nội dung bài nghe.

Bên cạnh đó, theo Hasan (2010), sự ấp úng và ngắt quãng trong lời nói có thể những người không phải là người bản xứ hiểu sai nội dung. Khi nói, một số người thường ngập ngừng, nói lắp, hoặc nói những câu không đúng ngữ pháp và đổi ý giữa chừng. Đây là đặc điểm tự nhiên khi nói, gây khó khăn cho người nghe.

2.2. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ việc bản thân người học không có đủ từ vựng, ngữ pháp và kiến thức nền

Bên cạnh những khó khăn từ phía người nói, việc nghe hiểu cũng bị ảnh hưởng chính từ phía người học. Trở ngại đầu tiên là vốn từ vựng. Nghiên cứu của Underwood (1989) chỉ ra rằng vốn từ vựng hạn chế có thể gây trở ngại lớn cho hầu hết sinh viên trong việc nghe hiểu. Theo (Paran, 1996), để hiểu được một văn bản, người nghe phải nhận ra 50% số từ trong đó. Biết nghĩa của từ có thể khơi dậy sự hứng thú và tạo động lực của người học, từ đó tác động tích cực đến khả năng nghe hiểu của họ.

Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho rằng có thể có mối quan hệ chặt chẽ giữa các cấu trúc ngữ pháp phức tạp và các kỹ năng đọc, viết, việc kiến thức ngữ pháp là nguyên nhân trực tiếp gây cản trở kỹ năng nghe hiểu vẫn chưa thực sự được công nhận. Nghiên cứu của Vogely (1998) chỉ ra rằng khó khăn trong việc nghe hiểu một phần do cấu trúc văn bản. Trong tâm lý học nhận thức, Anderson (1988) khẳng định việc nắm vững hoàn toàn các cấu trúc tiếng Anh giúp người học hiểu được ý nghĩa tổng quát của văn bản. Ngược lại, Mecartty (2000) cho rằng kiến thức ngữ pháp không đóng góp đáng kể vào khả năng nghe hoặc hiểu nhưng kiến thức từ vựng lại có tầm quan trọng hàng đầu trong khả năng nghe hiểu ngôn ngữ thứ hai.

Theo một số nhà nghiên cứu, kiến thức nền tảng và vốn hiểu biết đa văn hóa của người học là những yếu tố quan trọng hỗ trợ kĩ năng nghe. Đa số người học đều gặp khó khăn trong việc nghe hiểu khi nghe chủ đề không quen thuộc. Như đã nêu trong nghiên cứu của Underwood (1989), người nghe có thể thiếu kiến thức về ngữ cảnh - điều giúp nâng cao hiệu quả nghe. Anderson và Lynch (1988) cũng đưa ra kết luận nhất quán rằng khả năng nghe hiểu phụ thuộc vào kiến thức nền tảng của người nghe và mức độ quen thuộc của dữ liệu nghe. Người học có thể cảm thấy bối rối khi nghe những chủ đề không quen thuộc đối với những trải nghiệm của cá nhân trước đây, do đó, họ có thể không tập trung lắng nghe.

Phát âm là “lớp vỏ của một ngôn ngữ” (Naizhao & Wills, 2006), do đó yếu tố này cần được tiếp thu đúng cách để phát triển kỹ năng nghe. Tuy nhiên, do chương trình dạy học ở Việt Nam phần lớn chú trọng ngữ pháp nên nhiều người học chưa quan tâm đến việc học phát âm. Nghiên cứu của Chen (2005) cũng cho thấy rằng người học ở trình độ thấp rất khó xác định hoặc phân biệt các âm riêng lẻ và các âm nối.

Cuối cùng, Yagang (1993) cho rằng lắng nghe không phải là một quá trình đơn giản, mà là một quá trình diễn biến tâm lý phức tạp. Người ta tin rằng đối với một bài đọc hiểu dài, khả năng nắm bắt nội dung của người học tốt hơn rất nhiều, nhưng ngày càng giảm đi trong quá trình nghe do một vài hiện tượng tâm lý. Đó là khi căng thẳng hoặc thiếu hứng thú, người nghe không thể tập trung và nhanh chóng quên đi những gì vừa nghe. Hasan (2010) và Yagang (1993) cũng chỉ ra rằng việc thiếu động lực và hứng thú nên được coi là yếu tố thể chất ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nghe hiểu.

2.3. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ độ dài và độ khó của tài liệu nghe

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, độ dài của bài cũng là yếu tố chính ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nghe hiểu của người học. Nếu người học nghe lâu sẽ bị áp lực. Theo Rost (2006), một văn bản dài có mật độ thông tin dày đặc cũng tác động tới khả năng nghe hiểu của người học.

Ngoài ra, đặc điểm cú pháp phức tạp trong đoạn văn cũng có thể khiến cho người học không nắm bắt được nội dung nghe một cách hiệu quả (Pica, Young, & Doughty, 1987). Theo Taguchi (2008), một khía cạnh khác gây khó khăn cho người học nghe là các bài nghe có nhiều câu chứa hàm ý, yêu cầu người học phải có vốn hiểu biết và suy luận nhiều hơn.

Xét các trường hợp khác, tiếng lóng cũng là một vấn đề có thể gây trở ngại cho người học khi phải nghe hiểu các nội dung nghe trong đời thực. Những đoạn độc thoại và đối thoại hàng ngày có thể chứa rất nhiều từ lóng. Khi nói, đặc biệt là trong những tình huống thân mật, người ta thường không nói thành câu đầy đủ mà nói bằng những cụm từ hoặc mệnh đề ngắn. Từ vựng ít trang trọng hơn và ngữ pháp cũng có xu hướng bị biến đổi. Có nhiều từ và cách diễn đạt chỉ được sử dụng trong văn nói chứ không bao giờ được sử dụng trong văn viết. Brown (1992) chỉ ra rằng những người học không phải người bản xứ đã tiếp xúc với tiếng Anh chuẩn dưới dạng viết và ngôn ngữ trong sách vở đôi khi sẽ cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với tiếng lóng.

Hầu hết, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đều đã được học tiếng Anh với giáo viên không phải người bản xứ từ bậc trung học. Vì lý do đó, nếu người học nghe một cuộc trò chuyện thân mật thì chắc chắn sẽ khó hơn nhiều so với việc nghe một cuộc trò chuyện trang trọng được sử dụng chủ yếu trong lớp học tiếng Anh. Kết quả là họ không hiểu nội dung cuộc hội thoại đó.

Ngoài những khó khăn nêu trên, việc không nhận biết được các từ, cụm từ hoặc cách diễn đạt được sử dụng để mở đầu, dẫn dắt và kết nối các câu văn cũng có thể cản trở khả năng nghe hiểu của người học. Vì vậy, việc không thể nghe được những dấu hiệu này sẽ khiến người học không nhận ra được cách tổ chức tổng thể các ý trong văn bản.

2.4. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ chất lượng âm thanh và môi trường xung quanh

Âm thanh không rõ do thiết bị và cơ sở vật chất kém chất lượng có thể cản trở khả năng hiểu của người nghe. Ngoài ra, trong lớp học đông người, sinh viên ngồi cuối lớp có thể không nghe rõ bài. Theo Chetchumlong (1987), việc ít có cơ hội nghe nhiều loại văn bản nói với sự hỗ trợ của các loại thiết bị tốt và ít được học tiếng Anh với người bản xứ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn cũng làm giảm hiệu quả nghe hiểu của người học. Ngoài ra, tài liệu học nghe có thể là một nguyên nhân gây ra các vấn đề về nghe hiểu. Theo Seferoglu và Uzgoren (2004), một số vấn đề về nghe hiểu khác có liên quan đến chất lượng băng nghe kém. Đa số sinh viên cho rằng những khó khăn mà các em gặp phải trong việc nghe hiểu là do chất lượng ghi âm kém và băng, đĩa kém chất lượng. Bên cạnh đó, tiếng ồn, bao gồm cả tiếng ồn trong bản ghi âm và tiếng ồn ngoài môi trường cũng khiến người nghe mất tập trung vào nội dung của đoạn nghe.

3. Phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu

3.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện trong bối cảnh sinh viên phải tham gia học môn tiếng Anh.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp hỗn hợp, kết hợp cả định tính và định lượng. Về phương pháp định tính, nghiên cứu thực hiện phần phỏng vấn bán cấu trúc trên 6 sinh viên không chuyên hệ tiếng Anh để tìm ra những khó khăn chính những sinh viên này gặp phải trong quá trình nghe hiểu tiếng Anh, đồng thời tìm hiểu những giải pháp họ đang áp dụng để cải thiện kỹ năng nghe hiểu. Từ phần phỏng vấn này, nghiên cứu tìm ra 4 nhóm khó khăn chính mà sinh viên hay gặp. Đó là khó khăn bắt nguồn từ người nghe, người nói, văn bản nghe và môi trường vật chất mà người học gặp phải trong môi trường này. Về phương pháp định lượng, phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản được sử dụng. Dựa trên 4 nhóm khó khăn chính, nhóm nghiên cứu thiết kế bảng hỏi khảo sát để tìm hiểu về các khó khăn sinh viên gặp phải liên quan đến 4 nhóm khó khăn này và để tìm trong mỗi nhóm khó khăn, khó khăn nào là phổ biến nhất và khó khăn nào ít phổ biến nhất. Có 65 sinh viên chính khóa hệ không chuyên Tiếng Anh được lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên để tham gia làm bảng câu hỏi khảo sát. Nghiên cứu áp dụng phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên đơn giản, vì phương pháp này dễ thực hiện và không cần chia quần thể nghiên cứu thành các quần thể nhỏ hoặc thực hiện các bước phức tạp để phân loại các thành viên của quần thể. Hơn nữa, vì mỗi thành viên của tổng thể đều có xác suất lựa chọn như nhau nên phương pháp lấy mẫu này sẽ mang lại 1 mẫu đại diện để từ đó đưa ra các kết luận và khái quát hóa.

3.2. Công cụ thu thập dữ liệu

Câu hỏi phỏng vấn liên quan được thiết kế để tìm ra những khó khăn cụ thể khi nghe tiếng Anh, yếu tố gây nên những khó khăn khi nghe tiếng Anh và những giải pháp mà sinh viên đưa ra để tránh những khó khăn gặp phải.

Bảng khảo sát đã được phát triển để thu thập dữ liệu liên quan về những khó khăn nghe mà sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gặp phải. Bảng câu hỏi được thiết kế một phần dựa trên bảng câu hỏi của Hamouda (2013). Ở phần đầu của bảng câu hỏi là phần giới thiệu ngắn gọn về các nhà nghiên cứu, tiêu đề của nghiên cứu, và phần giải thích ngắn gọn về mục đích của nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, không có câu trả lời đúng hay sai để có được những phản hồi đáng tin cậy.

Bảng câu hỏi bao gồm 29 câu hỏi. Cụ thể hơn, trong phần đầu của bảng câu hỏi, 3 câu hỏi trắc nghiệm được thiết kế nhằm tìm hiểu nhận thức chung của người học về việc học nghe và tự đánh giá khả năng của mình. 26 câu hỏi khảo sát khác được viết dưới dạng thang đo Likert từ một đến bốn. 26 mục này nhằm mục đích kiểm tra mức độ thường xuyên mà sinh viên năm nhất gặp phải những khó khăn về nghe được liệt kê trong bảng câu hỏi. Các mức tần số được xếp hạng từ 1- 4, từ tần số ít nhất đến tần số cao nhất. Loại câu hỏi đóng này giúp nhà nghiên cứu phân tích kết quả dễ dàng và nhanh chóng hơn.

3.3. Quy trình thu thập dữ liệu

Giai đoạn 1: Câu hỏi phỏng vấn

Phỏng vấn 6 sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh về những khó khăn trong việc nghe hiểu tiếng Anh, những yếu tố ảnh hưởng đến các khó khăn trong việc nghe hiểu, các phương pháp mà các sinh viên áp dụng để cải thiện các kỹ năng đó.

Giai đoạn 2: Thí điểm bảng câu hỏi

Trong giai đoạn này, nhóm nghiên cứu gửi bảng câu hỏi khảo sát cho một số người tham gia để lấy ý kiến ​​và điều chỉnh cho phù hợp. Những thay đổi về cách diễn đạt trong bảng câu hỏi và nội dung một số câu hỏi đã được thực hiện nhằm giúp loại bỏ sự mơ hồ và tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào từ người tham gia. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu thí điểm phát bảng câu hỏi cho 5 sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh có đặc điểm giống với đối tượng nghiên cứu mục tiêu. Sau đó, những nhận xét, phản hồi mang tính xây dựng của sinh viên về hình thức tổng thể của bộ câu hỏi, sự rõ ràng trong hướng dẫn cũng như tính rõ ràng của các câu hỏi đều được tiếp thu một cách cẩn thận. Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra chỉ số Cronbach’s Alpha để đảm bảo độ tin cậy của nghiên cứu. Sau đó, các câu hỏi điều chỉnh đã được cải tiến so với bản thảo đầu tiên và được chuyển đến tay sinh viên để lấy dữ liệu cho nghiên cứu này.

Giai đoạn 3: Quá trình thu thập dữ liệu: bảng câu hỏi

Các nhà nghiên cứu đã sao chép các câu hỏi và phát cho 69 sinh viên. Có 69 bảng câu hỏi phiên bản tiếng Việt được gửi trực tiếp đến sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh, trong đó có 65 câu trả về. Hướng dẫn được đưa ra rõ ràng trước khi sinh viên thực hiện khảo sát; tất cả các thuật ngữ đã được làm rõ để hỗ trợ người tham gia hiểu chính xác từ ngữ trong bảng câu hỏi. Nhóm nghiên cứu cũng có mặt để giải đáp mọi thắc mắc phát sinh trong quá trình nghiên cứu nhằm tránh mọi hiểu lầm, mơ hồ.

3.5. Phương pháp phân tích dữ liệu

Các chiến lược phân tích định lượng đã được áp dụng trong nghiên cứu này để phân tích dữ liệu từ các câu hỏi. Như Markey và Gass (2005) giải thích, thước đo tần suất cho biết tần suất xảy ra một hành vi hoặc hiện tượng cụ thể và do đó loại thống kê mô tả này đã được áp dụng tốt cho nghiên cứu này. Sau đó, các câu trả lời từ bảng câu hỏi sẽ được phân loại và dữ liệu được thể hiện dưới dạng số để các nhà nghiên cứu có thể tính toán tần suất của từng vấn đề trong khả năng nghe hiểu tiếng Anh mà người học cảm nhận được. Nói cách khác, kết quả thu được từ bảng câu hỏi được phân tích để trả lời câu hỏi nghiên cứu: Những khó khăn trong việc nghe hiểu tiếng Anh của sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh là gì?

3.6. Quy trình phân tích dữ liệu

Bước 1: Các câu trả lời phỏng vấn được tổng hợp và phân tích. Nhóm nghiên cứu hệ thống hoá và phân tích các câu trả lời phỏng vấn bằng mã hóa, tìm chủ đề và trình bày kết quả nghiên cứu. 

Bước 2: Chuẩn bị dữ liệu. Sau khi nhận lại bảng câu hỏi, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành phân loại và kiểm tra xem (1) bảng câu hỏi đã được điền đầy đủ chưa; và (2) các câu trả lời đưa ra đều nhất quán. Chỉ sau khi một bảng câu hỏi đáp ứng được hai tiêu chí nêu trên mới được chọn cho bước tiếp theo.

Bước 3: Báo cáo số liệu thống kê. Ở bước này, tần suất những khó khăn sinh viên gặp phải khi nghe tiếng Anh được tính toán. Các phân tích thống kê mô tả được thực hiện để hiểu các biến số của dữ liệu, bao gồm tần số và tỷ lệ phần trăm, thống kê về giá trị trung bình và độ lệch chuẩn.

Bước 4: Trực quan hóa dữ liệu thu thập được. Ngoài việc được báo cáo dưới dạng văn bản với số liệu và mô tả chi tiết, số liệu thống kê còn được hiển thị bằng nhiều bảng biểu. Điều này làm cho việc hiển thị các mối quan hệ để so sánh và tương phản trở nên dễ dàng hơn nhiều.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả phỏng vấn sâu

Có 6/6 sinh viên đều nhận định kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh là kỹ năng khó nhất trong quá trình học ngoại ngữ này. Có 50% số sinh viên được phỏng vấn cho rằng đa số người học tiếng Anh trước đây chỉ chú trọng học ngữ pháp để phục vụ các kì thi và bài kiểm tra. Có 1/3 số sinh viên cho rằng việc tiếp xúc muộn với tiếng Anh cũng là yếu tố gây khó khăn trong khi học kỹ năng nghe hiểu.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả nghe hiểu của người học, phần lớn do tốc độ nói người nói nhanh (4/6 sinh viên); vốn từ vựng của người học chưa đủ để hiểu nội dung bao quát của tài liệu nghe (3/6 sinh viên) và đặc thù nối âm thường xuyên giữa các từ đơn lẻ (3/6 sinh viên). Một nhóm người học tiếng Anh thừa nhận việc kỹ năng nghe hiểu của bản thân chưa đạt yêu cầu do thiếu tập trung trong quá trình học kỹ năng này, do bản thân người học hoặc tiếng ồn từ môi trường khách quan như tiếng quạt, tiếng ồn từ phía ngoài phòng học (2/6 sinh viên) hoặc chưa kiên trì luyện tập (1/6 sinh viên). Một số sinh viên khác gặp khó khăn khi học kỹ năng nghe do tài liệu có nhiều thuật ngữ chuyên ngành hoặc cấu trúc ngữ pháp phức tạp (2/6 sinh viên).

4.2. Kết quả khảo sát sử dụng bảng hỏi

4.2.1. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ phía người nói trong bài nghe

Số liệu Bảng 1 chỉ ra khó khăn từ việc người nói nói quá nhanh và việc sinh viên không nghe được các từ đơn khi chúng được nối âm hoặc nuốt âm nhận được giá trị trung bình lớn nhất (3.0), đồng thời số liệu cho vấn đề về việc người nói nói quá nhanh nhận được độ lệch chuẩn thấp nhất (0.63). Điều này cho thấy người tham gia đã đánh giá khá nhất quán về khó khăn cho vấn đề về người nói nói quá nhanh. Phát hiện này trùng hợp với kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Flowerdew và Miller (1992) và Hayati (2010), những người đã báo cáo rằng các đối tượng của họ nhất trí đánh giá tốc độ nói nhanh của người nói là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc nghe hiểu tiếng Anh. Kết quả phỏng vấn cũng cho rằng, đa số người tham gia phỏng vấn đánh giá rằng khó khăn lớn nhất trong việc nghe hiểu đến từ tốc độ người nói nhanh và khó khăn trong việc nghe các từ khi chúng được nối âm hoặc nuốt âm (Bảng 1).

Bảng 1. Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của những yếu tố liên quan đến khó khăn gặp phải từ phía người nói trong bài nghe

Khó khăn gặp phải từ phía người nói

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

  1. Người nói nói quá nhanh. 

3.0

0.63

  1. Người nói sử dụng ngữ điệu lạ / Ngữ điệu của người nói không quen thuộc đối với tôi.

2.9

0.82

  1. Có quá nhiều người nói trong một bài nghe.

2.5

0.80

  1. Tôi không nhận biết được các phụ âm cuối của từ (/k/, /t/, /s/, /z/,…).

2.9

0.86

  1. Tôi không nghe được các từ đơn khi chúng được nối âm hoặc bị nuốt âm.

3.0

0.82

  1. Tôi không phân biệt được các từ mang nghĩa (VD: danh từ, tính từ, động từ,…)  và các từ chức năng (VD: mạo từ, giới từ, từ nối,…) trong câu.

2.5

0.85

  1. Tôi không nhận biết được các từ là dấu hiệu chuyển ý trong câu (VD: tuy nhiên, mặc dù, trước hết,…).

2.4

0.87

  1. Người nói dùng tiếng lóng.

2.6

0.77

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                        Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2023.

4.2.2. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ bản thân người học

Qua số liệu Bảng 2, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nguồn khó khăn đến từ việc người học phát âm không tốt và không có thói quen nghe hiệu quả đạt giá trị trung bình cao nhất (3.0). Với độ lệch chuẩn đạt giá trị cao nhất là 0.87, có thể suy luận rằng các sinh viên có ý kiến nhất quán rằng khó khăn lớn nhất là do không có thói quen nghe hiệu quả. Theo Yagang (1994), quá trình nghe hiểu cũng là một quá trình tâm lý tương đối phức tạp. Trong lĩnh vực tâm lý học, người ta cho rằng khi một người cảm thấy lo lắng, khả năng lắng nghe của họ sẽ giảm đi đáng kể do không thể tập trung hoàn toàn vào quá trình nghe. Hầu hết các vấn đề trong số các vấn đề của bản thân người học đều có độ lệch chuẩn khá thấp. Do đó, các nhà nghiên cứu có thể suy luận rằng những người tham gia có quan điểm nhất quán về các khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ bản thân người học (Bảng 2).

Bảng 2. Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của những yếu tố liên quan đến khó khăn gặp phải đến từ bản thân người học

Khó khăn gặp phải từ phía người nói

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

  1. Tôi không biết từ vựng.

2.7

0.81

  1. Tôi không có kiến thức nền về chủ đề được đề cập.

2.6

0.75

  1. Tôi cảm thấy lo lắng khi nghe Tiếng Anh.

2.9

0.73

  1. Tôi không tập trung được khi nghe Tiếng Anh.

2.5

0.73

  1. Tôi phát âm không tốt.

3.0

0.87

  1. Tôi không đoán được nội dung.

2.6

0.75

  1. Tôi không có thói quen nghe hiệu quả.

3.0

0.59

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                          Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2023.

4.2.3. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ tài liệu nghe

Từ số liệu Bảng 3, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng đa phần người tham gia cảm nhận khó khăn lớn nhất đến từ việc có rất nhiều từ, biệt ngữ và thành ngữ không quen thuộc; âm thanh/video sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp và có những âm thanh gây mất tập trung trong bài nghe. Một số lượng lớn các thách thức về ngôn ngữ như các từ, biệt ngữ và thành ngữ không quen thuộc là những vấn đề xuất phát từ chính ngôn ngữ tiếng Anh.

Một số khó khăn trong việc hiểu và ghi nhớ thông tin là do trình độ tiếng Anh của sinh viên kém và việc giáo sư của họ sử dụng tiếng Anh trong lớp. Ngôn ngữ thông tục là một thách thức đặc biệt đối với những người không phải là người bản xứ trong việc hiểu văn bản. Các nhà nghiên cứu có thể rút ra từ kết quả này rằng chính ngôn ngữ thực tế hoặc tài liệu chân thực đã gây khó khăn rất lớn cho sinh viên. Điều này nhất quán với tuyên bố của Brown (1992) khi chỉ ra rằng những người học không phải người bản xứ đã tiếp xúc với tiếng Anh viết tiêu chuẩn và ngôn ngữ sách vở đôi khi cảm thấy ngạc nhiên và khó khăn khi tiếp xúc với ngôn ngữ thông tục. Sinh viên đã được tiếp xúc với các tài liệu được thiết kế cho mục đích giảng dạy và nghe. Do đó, ngôn ngữ trong các tài liệu này, ở một mức độ nào đó, đã được đơn giản hóa và chứa ít tiếng Anh thông tục hơn. Ngoài ra, hầu hết sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh đều đã được học tiếng Anh với giảng viên không phải người bản xứ từ bậc trung học. Vì lý do đó, nếu sinh viên nghe một cuộc trò chuyện thân mật thì chắc chắn rằng nó khó hơn nhiều so với việc nghe một cuộc trò chuyện trang trọng chủ yếu được sử dụng bằng tiếng Anh (Bảng 3).

Bảng 3. Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của những yếu tố liên quan đến khó khăn gặp phải đến từ tài liệu nghe

Khó khăn gặp phải từ phía người nói

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

  1. Có rất nhiều từ, biệt ngữ và thành ngữ không quen thuộc.

2.9

0.63

  1.  Âm thanh/video sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp.

2.9

0.68

  1. Có cả độc thoại và hội thoại (hoặc nhiều hơn) trong các đoạn ghi âm.)

2.5

0.70

  1.  Âm thanh/video quá dài.

2.6

0.72

  1. Có quá nhiều thông tin trong bản ghi âm.

2.8

0.70

  1. Có những âm thanh gây mất tập trung trong quá trình ghi âm.

2.9

0.82

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                         Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2023

4.2.4. Khó khăn trong việc nghe hiểu đến từ môi trường xung quanh

Từ giá trị trong Bảng 4 cho thấy một số khó khăn phổ biến trong việc nghe hiểu là do đến từ trang thiết bị, cơ sở vật chất kém chất lượng (2.2). Vấn đề ít ảnh hưởng nhất là ngồi trong lớp đông người với điểm trung bình nhỏ nhất là 1,9. Có thể suy ra, diện tích của lớp học có tác động đến việc tiếp nhận thông tin trong quá trình nghe. Ngoài ra, các em sinh viên đều có chung quan điểm trong vấn đề này, thể hiện ở độ lệch chuẩn thấp 0,63. Kết quả này khẳng định thực tế hầu hết sinh viên hệ không chuyên tiếng Anh đều tham gia các lớp học tiếng Anh quy mô nhỏ (mỗi lớp từ 30-35 sinh viên), (Bảng 4)

 Bảng 4. Giá trị trung bình và độ lệch chuẩn của những yếu tố liên quan đến khó khăn gặp phải đến từ môi trường xung quanh

Khó khăn gặp phải từ phía người nói

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

  1. Trang thiết bị, cơ sở vật chất kém chất lượng.

2.2

0.78

  1. Có tiếng ồn xung quanh.

2.6

0.80

  1. Lớp học quá rộng.

2.2

0.78

  1. Lớp học đông quá.

1.9

0.63

 

 

 

 

 

 

 

                                                                          Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả, 2023

5. Kết luận và đề xuất giải pháp

Nghiên cứu đã tìm hiểu tần suất người học gặp phải các loại khó khăn khác nhau do các yếu tố khác nhau gây ra được phân loại trong phần tổng quan tài liệu. Về yếu tố người nói, yếu tố tốc độ truyền đạt nhanh và việc không nghe được các từ đơn khi chúng được nối âm hoặc bị nuốt âm là những yếu tố sinh viên thường gặp nhất trong khi hầu hết các em đều không gặp khó khăn khi gặp các từ tín hiệu. Về yếu tố liên quan đến bản thân người học, hầu hết người tham gia đều cho rằng việc phát âm không tốt và thói quen nghe không hiệu quả là trở ngại lớn đối với họ khi nghe tiếng Anh. Ngoài ra, việc sử dụng những từ không quen thuộc như biệt ngữ và thành ngữ cũng như quá nhiều thông tin trong bản ghi âm được coi là những vấn đề phổ biến nhất khi nói đến những khó khăn do chính tài liệu nghe gây ra. Cuối cùng, những khó khăn khi nghe do các yếu tố bên ngoài gây ra không phải là vấn đề lớn.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nghe được coi là một trong những kỹ năng khó nhất đối với sinh viên khi học ngoại ngữ, mặc dù họ là sinh viên không chuyên tiếng Anh của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Một số vấn đề được mô tả ở trên là không thể tránh khỏi, chẳng hạn như một số tính năng nhất định của thông điệp và người nói. Tuy nhiên, bản thân người dạy và người học ít nhất có thể trang bị một số giải pháp thiết yếu để khám phá ra những chiến lược nghe hiệu quả hơn. Nhằm tìm ra các chiến lược tốt để nâng cao trình độ nghe của người học, giảng viên nên sử dụng một số gợi ý được phân loại theo 3 giai đoạn của một buổi nghe tiếng Anh. Cụ thể:

- Hoạt động trước khi nghe

Giai đoạn trước khi nghe rất quan trọng vì nó xây dựng nền tảng cho toàn bộ quá trình nghe. Các hoạt động trước khi nghe ban đầu giúp sinh viên chuẩn bị bằng cách giúp họ kích hoạt kiến thức nền tảng và làm rõ những kỳ vọng cũng như giả định của họ về văn bản. Một nhiệm vụ lý tưởng trước khi nghe là nhiệm vụ trong đó giảng viên, thông qua các câu hỏi được xây dựng cẩn thận, giúp sinh viên kích hoạt thông tin cơ bản và các thành phần ngôn ngữ cần thiết để hiểu văn bản mà không trực tiếp tiết lộ thông tin này cho sinh viên. Trước mỗi lớp nghe, giảng viên nên sử dụng và điều chỉnh các tài liệu nghe sao cho khơi dậy hứng thú của sinh viên và phù hợp với kiến thức nền tảng của các em. Cuối cùng, bằng cách cải thiện môi trường học tập của các lớp nghe bao gồm phòng thí nghiệm nghe và chất lượng băng cassette, giảng viên có thể nâng cao khả năng tập trung trong thời gian nghe của sinh viên.

- Hoạt động trong khi nghe

Giai đoạn trong khi nghe bao gồm một loạt các hoạt động mà người học thực hiện trong quá trình nghe một đoạn văn nhằm gợi ra các thông điệp từ ngôn ngữ nói. Có nhiều kỹ thuật khác nhau có thể được sử dụng để hướng dẫn học sinh tập trung vào ý tưởng chung của văn bản mà họ đang nghe. Nghe có hướng giúp sinh viên trích xuất thông tin liên quan từ bài nói, điều này có thể góp phần rất lớn vào việc loại bỏ thói quen nghe kém hiệu quả của sinh viên. Giảng viên cũng cần nắm rõ vấn đề tâm lý của sinh viên. Sự lo lắng và buồn chán sẽ làm gián đoạn quá trình học tập của các em và nó là rào cản trong bài kiểm tra nghe hiểu của các em. Giảng viên nên cho sinh viên làm quen với các quy tắc phát âm cũng như giọng điệu của những người bản xứ khác nhau để giúp các em nghe được giọng nói nhanh, tự nhiên và nhận biết được ngôn ngữ đang sử dụng. Một khuyến nghị khác dành cho giảng viên là giúp sinh viên phát triển các kỹ năng nghe hiểu cần thiết như nghe để hiểu thông tin cụ thể, nghe ý chính, giải thích và suy luận, nghe hiểu ý nghĩa thông qua các nhiệm vụ khác nhau ở các cấp độ khác nhau.

- Hoạt động sau bài nghe

Ở giai đoạn này, sinh viên tiếp thu kiến thức thu được từ các bài nghe và sử dụng nó cho các mục đích tiếp theo. Một hoạt động gợi ý có thể áp dụng cho giai đoạn này là yêu cầu học sinh tóm tắt và lập dàn ý về thông tin được cung cấp trong đoạn ghi âm. Ngoài ra, người hướng dẫn nên cung cấp cho sinh viên những phản hồi cần thiết về phần trình bày của họ, vì điều đó có thể thúc đẩy việc sửa lỗi của họ và tăng động lực, giúp họ phát triển sự tự tin trong các bài tập nghe. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các bài giảng cũng có thể cung cấp thêm kiến thức nền tảng và kiến thức ngôn ngữ có liên quan đến chủ đề của các tài liệu trước đó, nhằm giúp sinh viên làm quen với các chủ đề tương tự sau này.

Bên cạnh đó, người học tiếng Anh cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của kỹ năng nghe khi học ngôn ngữ thứ hai, từ đó có thể xây dựng tính tự chủ cao trong việc tiếp cận kỹ năng này. Sinh viên cần rèn luyện kỹ năng nghe ở nhà một cách chuyên sâu để giúp các em khắc phục khó khăn và nâng cao khả năng ngôn ngữ. Họ cần được tiếp xúc với nhiều giọng khác nhau bằng cách nghe các bài hát tiếng Anh hoặc xem TV. Điều này cũng sẽ tự động làm phong phú thêm việc tích lũy vốn từ vựng của họ. Hiệu quả hơn, nhiều sinh viên có thể có thói quen tra từ mới trong từ điển tiếng Anh ngay từ khi bắt đầu quá trình học. Nên đoán từ mới, gạch chân trước những từ khóa và ghi chú lại những ý chính để theo kịp tốc độ của người nói. Cuối cùng, người học nên phát triển mối quan tâm của mình đối với nền văn hóa của các nước khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Anderson, A. & Lynch, T. (1988). Listening. New York: Oxford University Press.

2. Azmi, B. M., Celik, B., Yidliz, N., & Tugrul, M. C. (2014). Listening Comprehension Difficulties Encountered by Students in Second language Learning Class. Journal of Educational and Instructional Studies in the World, 4(4), 1-6.

3. Brown, A. L. (1992). Design experiments: Theoretical and methodological challenges in creating complex interventions in classroom settings. Journal of the Learning Sciences, 2, 141-178. Retrieved from http://dx.doi.org/10.1207/s15327809jls0202_2

4. Buck, G. (2001). Assessing Listening. Cambridge: Cambridge University Press. Retrieved from http://dx.doi.org/10.1017/CBO9780511732959

5. Chen, Y. (2005). Barriers to Acquiring Listening Strategies for EFL Learners and Their Pedagogical Implications. The Electronic Journal for English as a Second Language, 8(4).

6. Chetchamlong, S. (1987). Problems in Teaching English Listening of Teachers in Government Secondary Schools in Chon Buri. Bangkok: Thesis Kasetsart University.

7. Flowerdew, J., & Miller, L. (1996). Student perceptions, problems and strategies in second language lecture comprehension. RELC Journal, 23, 60-80.

8. Hamouda, A. (2013). An Investigation of Listening Comprehension Problems Encountered by Saudi Students in the EL Listening Classroom. International Journal of Academic Research in Progressive Education and Development, 2, 113-155.
https://pdfs.semanticscholar.org/b811/984d6e30068a62a970b1f75b2e701e0b159e.pdf

9. Hasan A. S. (2010). Learners' Perceptions of Listening Comprehension Problems. Language, Culture and Curriculum, 13(2), 137-153.

Hayati, A. (2010). The Effect of Speech Rate on Listening Comprehension of EFL. Creative Education, 107-114.

10. Mackey, A. & Gass, S. M. (2005). Second language research: Methodology and design. Mahwah, NJ: Lawrence Erlbaum.

11. Naizhao, G. & Wills, R. (2006). An investigation of factors influencing English listening comprehension and possible measures for improvement. AER Journal.

12. Paran, A. (1996). Reading in EFL. Facts and Fiction. ELT Journal, 50(1), 25-34. https://doi.org/10.1093/elt/50.1.25

13. Pica, T., Young, R., & Doughty, C. (1987). The impact of interaction on comprehension. TESOL Quarterly, 21, 737-758. Retrieved from doi:10.2307/3586992

14. Rost, M. (2002). Teaching and Researching Listening. London: Longman.

15. Rost, M. (2006). Areas of Research That Influence L2 Listening Instruction in Current Trends in the Development and Teaching of the Four Language Skills. Berlin: Inc. Uso-Juan.

16. Seferoglu, G., & Uzakgoren, S. (2004). Equipping Learners with Listening Strategies in English Language Classes. Hacettepe University Faculty of Educational Journal, 27, 223-231.

17. Taguchi, N. (2008). The effect of working memory, semantic access, and listening abilities on the comprehension of conversational implicatures in L2 English. Pragmatics and Cognition, 16, 517-538.

18. Vogely, A. (1998). Perceived strategy use during performance on three authentic listening tasks. The Modern Language Journal, 79(1), 41-56.

19. Yagang, F. (1993). Listening: Problems and solutions. In English Teaching Forum, 31(2), 16-19.

20. Yagang, F. (1994). Listening: Problems and Solutions. In T. Kral (ed.) Teacher Development: Making the Right Moves. Washington, DC: English Language Programs Divisions, USA.

Solutions to solve difficulties in learning the listening skills of non-English-majoring students at Hanoi University of Industry

Hoang Thi Thanh Huyen

Hanoi University of Industry

Abstract:

Listening is an important skill when learning English; however, non-English-majoring students often face difficulties with this skill due to many different factors. This study determined the difficulties that students encounter most during learning listening skills, specifically from four factors: learners, speakers, listening materials, and other factors. The study surveyed 65 non-English-majoring students at Hanoi University of Industry through questionnaires and semi-structured interviews. This combined method is considered the most popular and effective method of collecting data on attitudes and opinions (Makey & Gass, 2005). The study found the difficulties that non-English-majoring students encounter the most. By addressing these challenges, lecturers can better support students to improve their listening skills and achieve academic success in learning English.

Keywords: listening, non-English majored students, Hanoi University of Industry.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương