TÓM TẮT:
Phương pháp dạy học dựa vào đồ án/dự án (Project- Based Learning) là một trong các phương pháp dạy học cải tiến, trong đó người học - đối tượng của hoạt động dạy học cũng chính là chủ thể của hoạt động học tập, được tham gia vào các hoạt động gắn với các tình huống thực tế, được trải nghiệm, quan sát, thảo luận và giải quyết vấn đề theo cách suy nghĩ của mình. Bài viết đề cập đến việc vận dụng dạy học dựa vào đồ án/dự án theo tiếp cận CDIO trên cơ sở đối chiếu yêu cầu cụ thể của chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cử nhân ngành Kế toán tại Trường Đại học Vinh nhằm phát triển năng lực người học. Từ thực tiễn vận dụng phương pháp này vào giảng dạy học phần Tổ chức công tác kế toán tại Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh, bài viết đề xuất các giải pháp vận dụng phương pháp vào thực tiễn giảng dạy đạt hiệu quả.
Từ khóa: dạy học dựa vào đồ án/dự án, CDIO, kế toán, Trường Đại học Vinh.
1. Đặt vấn đề
Phát triển chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO là quá trình phát triển chương trình đào tạo dựa vào kết quả đầu ra và hướng vào giải quyết hai câu hỏi trung tâm: (1) Sinh viên ra trường cần phải đạt được tri thức, kĩ năng và thái độ gì; (2) Cần phải làm như thế nào để sinh viên ra trường có thể đạt được các tri thức, kĩ năng và thái độ đó (Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh biên dịch, 2009). Mỗi một môn học trong một chương trình đào tạo sẽ đóng góp một phần nhất định trong việc đạt được một phần chuẩn đầu ra của chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận CDIO. Điều này cũng đòi hỏi giảng viên tuân theo các phương pháp giảng dạy tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học (Vũ Anh Dũng, 2012).
Qua thực tế triển khai dạy/học theo tiếp cận CDIO tại Trường Đại học Vinh, chúng tôi nhận thấy quá trình dạy/học theo tiếp cận CDIO hiệu quả chỉ xảy ra khi các hoạt động giảng dạy mang đến những cơ hội cụ thể cho sinh viên thực hành, phản ánh những trải nghiệm của họ và họ được ứng dụng khái niệm lý thuyết. Đây là một thách thức đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cả phương pháp, nội dung giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Một trong những phương pháp dạy học chủ động để sinh viên có sự trải nghiệm đó là phương pháp dạy học dự án/đồ án. Chương trình đào tạo ngành Kế toán theo tiếp cận mô hình CDIO tại Trường Đại học Vinh được thiết kế có các học phần dạy học dự án. Các học phần này được thiết kế gồm các nội dung kiến thức, có một kế hoạch rõ ràng gồm các trải nghiệm học tập nhằm giúp sinh viên tích hợp các kỹ năng cá nhân, giao tiếp, kiến tạo sản phẩm, lập quy trình quy trình và hệ thống. Chuẩn đầu ra của các học phần dạy học dựa vào dự án của chuyên ngành kế toán tập trung vào hình thành năng lực CDIO (hình thành ý tưởng - thiết kế - triển khai - vận hành) cho sinh viên, ngoài ra người học đạt được thái độ hợp tác và tư duy phản biện trong việc tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp.
Thực tiễn vận dụng phương pháp dạy/học dựa vào dự án/đồ án cho thấy cả người dạy và người học cần có nhận thức rõ ràng về cách thức tổ chức thực hiện cũng như vai trò, nhiệm vụ từng cá nhân trong mỗi giai đoạn triển khai. Nghiên cứu tập trung vào quá trình thực hiện học phần Tổ chức công tác kế toán tại Trường Kinh tế - Trường Đại học Vinh, từ đó đề xuất các giải pháp vận dụng phương pháp vào thực tiễn giảng dạy đạt hiệu quả.
2. Giới thiệu phương pháp dạy học theo đồ án/dự án
Phương pháp dạy/học dựa vào dự án/đồ án là tổ chức việc dạy và học thông qua các dự án, đồ án hay công trình thực tế. Dự án/đồ án ở đây được hiểu là những nhiệm vụ hay vấn đề mang tính chất kích thích người học tìm hiểu, khám phá (Thomas, JW , 2000). Chủ đề của dự án/đồ án xuất phát từ những tình huống thực tiễn nghề nghiệp, cũng như cuộc sống. Mô hình này có ưu điểm trong việc tăng cường thực hành, trải nghiệm công việc, trải nghiệm giá trị xã hội trong các quan hệ hợp tác, phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp có tính thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác làm việc của người học.
Tổ chức học tập theo đồ án/dự án được thực hiện qua 3 giai đoạn chính: (1) Giai đoạn chuẩn bị: Mục tiêu ở giai đoạn này là xác định/xây dựng chủ đề dự án và thiết kế các hướng dẫn thực hiện. Cụ thể có các công việc như: xác định mục tiêu học tập; xây dựng/lựa chọn chủ đề dự án; lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức; thiết kế công cụ đánh giá và chuẩn bị các điều kiện học tập khác; (2) Giai đoạn triển khai: Mục tiêu của giai đoạn này là giảng viên tạo động cơ học tập, hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên thực hiện và hoàn thành dự án. Cụ thể có các công việc như: giới thiệu mục đích, yêu cầu, tạo động cơ học tập; phân chia, giao nhiệm vụ cho nhóm/cá nhân; hướng dẫn sinh viên lập kế hoạch thực hiện dự án; giảng viên theo dõi, hỗ trợ, định hướng thực hiện; (3) Giai đoạn đánh giá: Mục tiêu của giai đoạn này là đánh giá một cách tổng thể về quá trình làm việc, sản phẩm đạt được, thái độ học tập, các kĩ năng học tập của sinh viên. Thông qua đó, giảng viên đánh giá tổng kết về năng lực của sinh viên đạt được. Như vậy, giảng viên là người đưa ra chỉ dẫn ở từng bước và thông qua từng sự lựa chọn từ người học trước khi bước vào bất kỳ nội dung nào. Vai trò của giảng viên là người tư vấn, cung cấp các nguồn lực, hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên thực hiện công việc của dự án. (theo Bell, S. (2010).
Tổ chức thực hiện học tập theo dự án phải đảm bảo các nguyên tắc như: (1) Nội dung thực hiện bám sát chương trình học; Các vấn đề giải quyết gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp; (2) Dự án học tập phù hợp với năng lực của sinh viên; (3) Sinh viên là trung tâm của hoạt động dạy học; (4) Giảng viên đóng vai trò tư vấn, định hướng, hỗ trợ học tập cho sinh viên; (5) Có sự hợp tác; (6) Có nguồn tài liệu hỗ trợ phong phú; (7) Có sự phản hồi tích cực từ giảng viên; (8) Đánh giá quá trình và đánh giá sản phẩm (Savery, J. R, 2015).
3. Thực trạng vận dụng phương pháp dạy học theo đồ án/dự án trong giảng dạy các học phần chuyên ngành Kế toán tại Trường Đại học Vinh
3.1. Quy trình tổ chức dạy học theo dự án
Bước 1: Chọn đề tài, chia nhóm
- Xác định các nội dung cơ bản trong chương trình học phần có liên quan hoặc có thể ứng dụng vào thực tế.
- Phát hiện những vấn đề đã và đang xảy ra trong các doanh nghiệp. Chú ý vào những vấn đề kế toán các doanh nghiệp đang quan tâm.
- Giảng viên phân chia lớp học thành các nhóm, hướng dẫn sinh viên đề xuất, xác định tên đề tài.
Bước 2: Xây dựng đề cương dự án
- Việc xây dựng đề cương cho một dự án là công việc hết sức quan trọng, vì nó mang tính định hướng hành động cho cả quá trình thực hiện, thu thập kết quả và đánh giá dự án
- Ở bước này, giảng viên hướng dẫn người học xác định mục đích, nhiệm vụ, cách tiến hành, kế hoạch thực hiện dự án; xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến thực hiện.
Bước 3: Thực hiện dự án
- Các thành viên trong nhóm thực hiện kế hoạch đã đề ra. Khi thực hiện dự án, các hoạt động trí tuệ và hoạt động thực hành, thực tiễn xen kẽ và tác động qua lại với nhau; kết quả là tạo ra sản phẩm của dự án.
- Sinh viên thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau rồi tổng hợp, phân tích và tích lũy kiến thức thu được qua quá trình làm việc. Như vậy, các kiến thức mà người học tích lũy được thử nghiệm qua thực tiễn.
Bước 4: Đánh giá dự án
- Kết quả thực hiện dự án có thể được viết dưới dạng dạng ấn phẩm (bài thu hoạch, báo cáo…) và có thể được trình bày trên Power Point, Word…
- Sản phẩm của đồ án có thể được trình bày giữa các nhóm người học, giới thiệu trước lớp, trong trường hay tại doanh nghiệp. Các nhóm đánh giá lẫn nhau dựa trên tiêu chí đánh giá đã thông qua.
- Giảng viên và người học đánh giá quá trình thực hiện và kết quả đồ án dựa trên những sản phẩm thu được, tính khúc chiết và hợp lý trong cách thức trình bày của các em. Giảng viên tổng kết đánh giá, cho điểm các nhóm.
- Kết quả đồ án có thể được đánh giá từ bên ngoài (chuyên gia, doanh nghiệp).
3.2. Minh họa vận dụng phương pháp dạy học dựa vào dự án học phần Tổ chức công tác kế toán
Học phần Tổ chức công tác kế toán là học phần chuyên ngành được dạy cho sinh viên ngành Kế toán tại kỳ học thứ 4 trong chương trình đào tạo. Là một học phần dạy học theo hình thức dự án/đồ án, sinh viên đóng vai trò trung tâm và chủ động thực hiện chuỗi các hoạt động từ hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai thu nhận, xử lý, cung cấp và đánh giá công tác tổ chức kế toán trong các loại hình doanh nghiệp (sản xuất, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, xây lắp…). Trong quá trình này, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, thành thạo các hình thức giao tiếp phục vụ công việc kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả các yêu cầu và nhiệm vụ mà học phần đề ra.
Chuẩn đầu ra CDIO của học phần: sinh viên có thể thực hiện được các vấn đề về hình thành ý tưởng và thiết kế việc thu nhận thông tin kế toán trên hệ thống chứng từ kế toán; thực hiện được việc triển khai công tác ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính trong doanh nghiêp. Thực hiện được việc đánh giá công tác tổ chức kế toán tại doanh nghiệp.
Từ tuần học thứ 5 đến tuần 15 của môn học, mỗi nhóm sinh viên có nhiệm vụ tiếp cận khảo sát một doanh nghiệp trên thực tế để tiến hành nghiên cứu:
- Giới thiệu chung về doanh nghiệp mà nhóm tiếp cận: Đặc điểm tổ chức sản xuất và kinh doanh tại doanh nghiệp; Các chính sách kế toán áp dụng tại doanh nghiệp; Giới thiệu được mô hình bộ máy kế toán tại doanh nghiệp.
- Các nhóm tiến hành đưa ra được các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo các chủ đề nghiên cứu. Trên cơ sở đó hình thành được hệ thống chứng từ sử dụng và quy trình luân chuyển chứng từ; Hệ thống hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán và quy trình ghi sổ.
Các chủ đề nghiên cứu: Các nhóm có thể lựa chọn một trong các chủ đề sau: Tổ chức kế toán tiền và tiền vay; Tổ chức kế toán nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ; Tổ chức kế toán tài sản cố định; Tổ chức kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm; Tổ chức kế toán mua hàng và công nợ phải trả nhà cung cấp; Tổ chức kế toán bán hàng và công nợ phải thu khách hàng; Tổ chức kế toán bán hàng và xác định kết quả kinh doanh;…
Một bản đồ án có các nội dung chính như sau:
TÊN ĐỒ ÁN
MỞ ĐẦU
Phần thứ nhất: Tổng quan về công tác kế toán tại công ty…
1.1. Giới thiệu chung về doanh nghiệp:
1.2. Đặc điểm tổ chức sản xuất và kinh doanh tại doanh nghiệp.
1.3. Bộ máy kế toán tại công ty…
1.4. Chế độ, chính sách kế toán áp dụng tại doanh nghiệp
Phần thứ hai: Tổ chức công tác kế toán… tại công ty…
2.1. Đặc trưng cơ bản ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán… tại công ty
2.2. Các nghiệp vụ kinh tế trong tháng…/… (hoặc quý…/…) tại công ty
2.3. Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán tại doanh nghiệp
2.4. Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán
2.5. Tổ chức hệ thống sổ kế toán
2.6. Thông tin trình bày trên báo cáo tài chính
2.7. Đánh giá, nhận xét về tổ chức công tác kế toán... tại công ty ….
KẾT LUẬN
PHỤ LỤC:
- Nhiệm vụ của sinh viên
- Xác định vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu
- Xác định nguồn dữ liệu, công cụ nghiên cứu, phương thức tiếp xúc
- Phân công nhiệm vụ kèm mô tả công việc cụ thể
- Theo dõi, ghi chép và đánh giá tiến độ thực hiện chung của nhóm và thành viên
- Bảng tổng hợp đánh giá từng thành viên trong nhóm
- Xử lý thông tin và trình diễn bằng Powerpoint
5. Những kết quả đạt được
Sinh viên được tham gia tích cực và tự lực vào các giai đoạn của quá trình dạy học, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch đến việc thực hiện đồ án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện. Người học là trung tâm của dạy học dựa trên đồ án/dự án, từ vị trí thụ động chuyển sang chủ động, vì vậy dạy học dựa trên đồ án/dự án vừa tạo điều kiện, vừa buộc người học phải làm việc tích cực hơn.
Các đồ án/dự án học tập góp phần gắn liền nhà trường với thực tiễn doanh nghiệp và có thể mang lại những tác động tích cực đối với xã hội.
Trong quá trình thực hiện đồ án/dự án có sự kết hợp giữa nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vào trong hoạt động thực tiễn, thực hành. Thông qua đó, kiểm tra, củng cố, mở rộng hiểu biết về lý thuyết, cũng như rèn luyện kỹ năng hành động, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.
6. Một số hạn chế
Một số sinh viên có xu hướng chây ì, dựa dẫm vào nhóm thực hiện dự án, không chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của bản thân, giao tiếp không đầy đủ với các thành viên của nhóm. Tất cả công việc chung của nhóm đều do một số sinh viên tích cực thực hiện. Điều này thể hiện việc thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng lãnh đạo của sinh viên.
Sinh viên không phải lúc nào cũng nhận thức được vai trò của mình trong việc hoàn thành nhiệm vụ giảng viên giao. Nhiều sinh viên chưa nhận thức được lợi ích của việc thực hiện dự án đối với việc phát triển hơn nữa năng lực và kỹ năng của mình. Một số nhóm gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian và chất lượng đồ án/dự án chưa đạt kỳ vọng mong đợi của giảng viên. Hạn chế này có nguyên nhân liên quan đến năng lực giảng dạy và quản lý của giảng viên.
7. Một số giải pháp vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học theo dự án trong đào tạo các học phần chuyên ngành kế toán
Thứ nhất, nâng cao vai trò của người dạy và người học trong dạy học dự án. Thông qua việc tạo ra một môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác, chúng ta có thể giúp người học phát triển toàn diện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
Đối với người dạy: người dạy đóng vai trò là người hướng dẫn, tham vấn cho người học. Bản thân giảng viên không chỉ là những chuyên gia mà còn cùng tham gia tìm kiếm, xử lí thông tin cùng sinh viên. Giảng viên phải thúc đẩy được vai trò tự chủ của sinh viên và gắn sự chủ động của sinh viên trong việc giải quyết nội dung bài học. Giảng viên phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để sinh viên có thể thực hiện công việc có chất lượng tốt.
Đối với người học: cần nhận thức được việc thực hiện các đồ án/dự án này rất có ý nghĩa, có liên quan thực tế đến cuộc sống và rất hấp dẫn. Trong các đồ án/dự án, sinh viên được đưa ra nhiều quyết định, được cộng tác làm việc, được đưa ra sáng kiến, được trình bày trước đám đông, và trong nhiều trường hợp sinh viên được thiết lập kiến thức riêng cho bản thân.
Thứ hai, nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên cả về lý thuyết, cũng như thực tiễn để cung cấp cho sinh viên kiến thức sâu rộng hơn về phương pháp dự án. Giảng viên cần có kế hoạch giảng dạy chi tiết; nêu rõ hình thức tổ chức hoạt động dạy học, các nội dung sinh viên triển khai tại doanh nghiệp và sản phẩm tự học sau mỗi bài thực hành, thực tế. Giảng viên cần được tham gia các khóa đào tạo, hội thảo về phương pháp dạy học dự án để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới về thay đổi thái độ đối với các phương pháp học tập tích cực, sự hợp tác giữa giảng viên và sinh viên, khuyến khích sinh viên đưa ra những ý tưởng mới lạ, độc đáo.
Thứ ba, cần đa dạng hóa các phương pháp đánh giá đối với học phần dạy học dự án. Việc đánh giá sinh viên thay đổi theo hướng đa dạng về phương pháp, công cụ, đảm bảo đánh giá quá trình và đánh giá định kì. Giảng viên cần được tập huấn chuyên sâu về các công cụ đánh giá, phương pháp đánh giá theo chuẩn đầu ra.
Thứ tư, cần thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tham gia đồng hành với nhà trường trong quá trình đào tạo như ký kết các thỏa thuận hợp tác đào tạo, quy định cụ thể, rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Nhà trường đẩy mạnh các hoạt động tạo các cơ hội cho sinh viên gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp thông qua các dự án môn học, mời doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo như hoạt động đánh giá học phần, bảo vệ đồ án.
8. Kết luận
Để triển khai hiệu quả phương pháp dạy học dựa trên đồ án/dự án, mỗi học phần cần có kế hoạch giảng dạy chi tiết; nêu rõ hình thức tổ chức hoạt động dạy học (hoạt động nhóm, thuyết trình, báo cáo, thảo luận…). Nội dung giảng dạy rõ các nội dung sinh viên triển khai tại doanh nghiệp và sản phẩm tự học sau mỗi bài thực hành, thực tế; có câu hỏi định hướng/gợi ý và sản phẩm sinh viên phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Đồng thời, cần nâng cao vai trò của người dạy, người học trong quá trình thực hiện để giúp sinh viên chủ động hơn trong quá trình lĩnh hội kiến thức, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Vũ Anh Dũng, Phùng Xuân Nhạ (2012). Tích hợp chuẩn đầu ra theo cách tiếp cận CDIO vào đề cương môn học trong khung chương trình đào tạo. Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh (Biên dịch) (2009). Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO. Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Savery J. R. (2015). Tổng quan về học tập dựa trên vấn đề: Những định nghĩa và khác biệt. Truy cập tại: http://www.researchgate.net/publication/265594455.
- Bell S. (2010). Project- Based Learning for the 21st Century: Skills for the future. The Clearing House, 39-43.
- Thomas J.W. (2000). A review of research on - Based Learning. Available at: http://www.autodesk.com/foundation/news.
- Xynian Shi (2017). Practice of CDIO model in the Financial Marketing course. Proceedings of the 2017, 7th International Conference on Education, Management, Computer and Society.
Applying Project-Based Teaching with the CDIO approach to specialized accounting courses at Vinh University
Ho My Hanh
Faculty of Accounting, School of Economics, Vinh University
Abstract:
Project-Based Learning is an innovative teaching method that places learners at the center of the educational process, enabling them to engage in real-life activities, experience, observe, discuss, and solve problems in ways that align with their own thinking. This article explores the application of project-based teaching within the CDIO approach, comparing the output standards of the Bachelor of Accounting program at Vinh University to develop students' competencies. Based on practical applications of this method in teaching accounting organization at the School of Economics, Vinh University, the study offers recommendations for effectively incorporating the project-based learning method into teaching practices.
Keywords: project-based learning, CDIO, accounting, Vinh University.